Ảnh Internet

Ảnh Internet

Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA): Cổ đông chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng

(ĐTCK) Lương, thù lao của hội đồng quản trị (HĐQT), ban kiểm soát có quá cao không; kế hoạch trả cổ tức năm 2019 và dài hạn như thế nào; bao giờ Công ty chuyển sang niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE)…? Đó là những câu hỏi nóng được cổ đông đặt ra với Ban lãnh đạo Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEA - UPCoM) tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông năm 2019 vừa diễn ra.

Hỏi một đằng, trả lời một nẻo

“Lương, thù lao cho HĐQT là hơn 6,048 tỷ đồng/4 người chuyên trách, hơn 3,3 tỷ đồng/3 thành viên Ban Kiểm soát liệu có quá cao?”, cổ đông Vũ Xuân Thắng chất vấn. Câu trả lời mà lãnh đạo VEA đưa ra khiến cổ đông thất vọng, bởi trong khi câu hỏi đề cập tới vấn đề năm 2019, thì ông Bùi Quang Chuyện, Chủ tịch HĐQT VEA lại nói chuyện cũ năm 2018.

“Tổng tiền lương và thù lao của HĐQT và Ban Kiểm soát thực hiện năm 2018 chỉ đạt 74,1% so với Nghị quyết ĐHCĐ năm 2018 phê duyệt. Việc chi trả thực tế tiền lương, thù lao đối với cổ đông nhà nước thực hiện theo quy định của chủ sở hữu”, ông Chuyện trả lời.

Tình trạng “hỏi một đằng, đáp một nẻo” lặp lại khi cổ đông Nguyễn Thị Hồng đặt câu hỏi về kế hoạch dài hạn của VEA hợp tác với liên doanh Honda, Toyota và Ford? Có vấn đề gì ảnh hưởng trọng yếu đến việc hợp tác này không?

Theo đó, ông Ngô Văn Tuyển, quyền Tổng giám đốc của VEA cho biết, Công ty đang thực hiện kế hoạch thoái vốn nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bước đầu sẽ thoái còn 36%, sau đó thoái toàn bộ vốn. Tuy nhiên, căn cứ hoạt động thực tế của VEA hiện nay, nhà nước có thể xem xét để có những chính sách hợp lý trong lộ trình thoái vốn và thoái xuống mức nào để đảm bảo lợi ích của các cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước.

Liên quan đến lộ trình thoái vốn nhà nước như câu hỏi mà cổ đông đặt ra, ông Chuyện cho hay, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, Nhà nước sẽ thoái 52,47% vốn tại VEA.

Trên cơ sở này, Bộ Công thương đã giao bộ phận đại diện vốn nhà nước tại VEA phối hợp với HĐQT của Công ty triển khai thực hiện việc thoái vốn. Thời gian qua, VEA đã thuê đơn vị tư vấn là Công ty UHY tiến hành thẩm định giá khởi điểm và Công ty Chứng khoán Vietinbank xây dựng phương án thoái vốn nhà nước. Kết quả thẩm định giá khởi điểm và phương án thoái vốn đã được bộ phận đại diện vốn nhà nước tại VEA báo cáo về Bộ Công thương.

“Đến nay Bộ Công thương chưa phê duyệt giá khởi điểm, nên đề nghị bộ phận đại diện vốn nhà nước tại VEA làm rõ một số nội dung liên quan đến giá khởi điểm, cũng như phương án thoái vốn. Bộ phận đại diện vốn nhà nước tại VEA đang rà soát lại giá khởi điểm và báo cáo giải trình với Bộ Công thương để thoái vốn nhà nước tại VEA diễn ra trong thời gian sớm nhất”, ông Chuyện cho hay.

Mối lo 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho

Tồn kho lớn đang là mối lo với sự phát triển của VEA, bởi vậy một câu hỏi “nóng” được nhiều cổ đông đặt ra cho Ban lãnh đạo VEA là định hướng phát triển Nhà máy ô tô VEAM như thế nào?

Giải đáp mối quan ngại, ông Ngô Văn Tuyển cho biết, hoạt động sản xuất của Nhà máy ô tô VEAM được thực hiện dựa trên kế hoạch tạm thời đã được HĐQT thông qua. Tuy nhiên, hiện nay Nhà máy còn lượng tồn kho gần 3.000 ô tô, tương ứng với vốn tồn kho hơn 1.000 tỷ đồng, dẫn đến mất cân đối về tài chính.

Kế hoạch của Nhà máy ô tô VEAM là ưu tiên đẩy mạnh tiêu thụ ô tô có tiêu chuẩn Euro 2 (đang tồn kho khoảng 2.400 chiếc được sản xuất từ năm 2017 trở về trước). Đối với xe tiêu chuẩn Euro 4, lượng sản xuất phải gắn liền với tiêu thụ và không hạn chế về số lượng.

“Thông tin HĐQT của VEA chưa phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2019 của Nhà máy ô tô VEAM là không chính xác. Sau khi ĐHCĐ năm 2019 quyết nghị các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019, HĐQT sẽ phê duyệt chính thức kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các chi nhánh và công ty TNHH 100% vốn VEA, trong đó có Nhà máy ô tô VEAM”, ông Chuyện nói.

Tình trạng trên đang tác động bất lợi đến kế hoạch chuyển sàn niêm yết cổ phiếu sang HOSE của VEA. Trả lời câu hỏi của cổ đông bao giờ VEA hoàn tất việc chuyển sàn, ông Chuyện cho biết, năm 2018, VEA đã thuê đơn vị tư vấn thực hiện các thủ tục niêm yết cổ phiếu trên HOSE, nhưng chưa hoàn thành do không đảm bảo điều kiện “không có các yếu tố ngoại trừ trọng yếu trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 2 năm liền kề liên tiếp”. Công ty đang khắc phục tình trạng này để có thể niêm yết cổ phiếu trên HOSE trong năm 2019.

Tin bài liên quan