Thay đổi bản chất ngành nông nghiệp Việt Nam từ nuôi heo
Năm 2018, doanh thu của Mavin đạt khoảng 200 triệu USD, hệ thống trang trại chăn nuôi cung cấp ra thị trường gần 500.000 heo thịt sạch và an toàn. Cùng với những chỉ tiêu kinh doanh đã đạt được, điều
David cũng như các cổ đông sáng lập của Mavin tâm đắc nhất sau 15 năm hoạt động tại Việt Nam là đã góp phần thay đổi cả về bộ mặt và bản chất của nền nông nghiệp trên mảnh đất hình chữ S, theo cách mà người nông dân trước đó chưa bao giờ nghĩ tới, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi heo.
“Thịt heo chiếm tới 80% bữa ăn hàng ngày của người dân, nhưng ngành chăn nuôi heo vẫn chủ yếu là theo hộ gia đình, các trang trại nhỏ lẻ, tự phát. Cách chăn nuôi tự phát này dẫn đến một số khó khăn cho người nông dân như đầu ra bấp bênh, chưa có kiến thức cần thiết về kiểm soát dịch bệnh, dinh dưỡng, làm năng suất chăn nuôi thấp; muốn chăn nuôi quy mô lớn, thường người nông dân không có đủ vốn…”, David chia sẻ lý do lựa chọn đầu tư vào chăn nuôi heo.
Năm 2011, sau khi nhập nguồn giống từ Anh Quốc, Mavin xây dựng Trung tâm Heo giống công nghệ cao Hưng Việt (Hưng Yên) và bắt đầu hợp tác với người nông dân chăn nuôi heo quy mô lớn. Có thể nói, Mavin là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam phát triển mô hình hợp tác chăn nuôi.
Mô hình này có một số ưu điểm khắc phục ngay những vấn đề của các hộ gia đình: Thứ nhất, cung cấp con giống chất lượng, với heo giống cấp GGP (cụ/kỵ) và GP (ông/bà) được nhập khẩu từ Vương quốc Anh với mục đích phát triển đàn heo thương phẩm chất lượng cao, tăng trưởng mạnh, kháng bệnh tốt được xuất tới trại khi đạt trên 10 kg, do đó giảm thiểu dịch bệnh và hao hụt.
Thứ hai, áp dụng dây chuyền tiên tiến, công nghệ ăn tự động dẫn đến giảm chi phí xây dựng kho và văng vãi cám. Ðặc biệt, quy trình chăn nuôi tiên tiến, tự động hóa giúp giảm chi phí nhân công (1 nhân công/1.000 heo).
Thứ ba, người nông dân được hỗ trợ về thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và được bao tiêu sản phẩm đầu ra nhờ chuỗi cung ứng khép kín của Mavin. Nhà máy thực phẩm của Mavin tại Hà Nam là mắt xích cuối cùng trong chuỗi cung ứng này, do vậy đảm bảo đầu ra bền vững cho chủ trại. Thứ tư, người nông dân có thu nhập bền vững và ổn định, không phụ thuộc biến động thị trường.
Vào thời điểm khởi đầu, không ít ý kiến hoài nghi về tính hiệu quả, nhưng từ những mô hình điểm đầu tiên với kết quả rất thuyết phục, ngày càng có nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động tìm đến và đề nghị hợp tác. Nhờ vậy, hệ thống trang trại của Mavin đã mở rộng với tốc độ lên tới 150% trong các năm 2017 và 2018.
Với sự tiếp sức của Mavin, cách chăm heo của người nông dân đã thay đổi. Khái niệm chăn nuôi heo công nghiệp xuất hiện, trở thành một ngành nghề mang tính kỹ thuật cao, cần vốn lớn và đòi hỏi nhiều chuyên môn và kinh nghiệm.
Hiện Mavin có 4 trung tâm heo giống hạt nhân công nghệ cao tại Hưng Yên, Bình Ðịnh, Nghệ An, Ðồng Tháp và hợp tác với khoảng 100 hộ chăn nuôi, hàng năm cung cấp ra thị trường gần 500.000 heo thịt. “Sản phẩm của hệ thống trang trại này đảm bảo sạch sẽ, an toàn, đặc biệt là có thể truy xuất được nguồn gốc nhờ chăn nuôi khép kín theo chuỗi cung ứng”, David tự hào chia sẻ về kết quả.
Chinh phục thị trường
Từ các trang trại chăn nuôi, thịt heo được đưa vào chế biến ở Nhà máy thực phẩm của Mavin tại Hà Nam theo công nghệ tối tân nhất của Cộng hòa Liên bang Ðức.
Trong 3 năm đầu tiên từ 2013 - 2016, Thực phẩm Mavin đã có sự tăng trưởng rất nóng, đạt tới khoảng 300%/năm và nhanh chóng đứng thứ 3 về thị phần tại miền Bắc. Ðó là một chặng đường rất đáng nhớ của Công ty, khi cố gắng truyền đạt thông điệp “Sạch từ nguồn” tới khách hàng và dần dần chinh phục được niềm tin và sự yêu thích của người tiêu dùng.
Với một lính mới, thành quả này được đánh đổi bằng rất nhiều bài học. Theo David, cạnh tranh trong lĩnh vực thực phẩm vô cùng khốc liệt, trong khi đó biên lợi nhuận thấp. Trong những năm đầu tiên, chi phí để gia nhập thị trường của Công ty vô cùng lớn, khi phải thuê những chuyên gia thực phẩm cao cấp từ châu Âu để phát triển các sản phẩm xúc xích, pate, thịt xông khói… chuẩn vị châu Âu. Ðội ngũ bán hàng, mạng lưới đại lý mở rộng nhanh dẫn tới rất nhiều vấn đề trong quản trị điều hành.
“Sau 3 năm này, chúng tôi đã phải ngồi lại, rà soát từng vấn đề, cơ cấu nhân sự, tổ chức lại hệ thống và hướng hoạt động đến yếu tố hiệu quả hơn là theo đuổi quy mô”, David cho biết.
Bên cạnh đó, Mavin cũng phải cơ cấu lại danh mục sản phẩm, chỉ giữ những sản phẩm thực sự hiệu quả. “Khi phát triển các sản phẩm từ thịt heo, với niềm tin về nguồn gốc sạch sẽ và công nghệ sản xuất tiên tiến có thể đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi từng sản xuất cả các sản phẩm truyền thống của Việt Nam như giò, chả…
Nhưng thực tế, các sản phẩm này rất khó tìm được chỗ đứng trên thị trường. Ðó là một bài học đáng nhớ mà chúng tôi có được về tập quán tiêu dùng của khách hàng khác với niềm tin của doanh nghiệp”, người đứng đầu chuỗi chăn nuôi, sản xuất thực phẩm Mavin nói.
Với quy mô gần 2.000 nhân viên và 9 công ty thành viên, Mavin hiện cung cấp sản phẩm từ thịt heo cho hệ thống khách sạn như InterContinental, Sofitel, Crown Plaza, cùng hệ thống siêu thị VinMart, Lotte Mart, FiviMart, Aeon, BigC…
Năm 2018, Mavin là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đạt được kỳ tích vượt qua các rào cản kỹ thuật khắt khe để xuất khẩu sản phẩm thịt heo ra nước ngoài. Ðiểm đến đầu tiên là Myanmar và theo chia sẻ của người đứng đầu Công ty, điểm đến tiếp theo sẽ là Nhật Bản và các nước Ðông Dương.
Không chỉ dừng lại ở thịt heo, hiện Mavin đã triển khai mô hình chăn nuôi này cho cả các lĩnh vực khác như thủy sản, vịt và tới đây là gà. Thực phẩm Mavin cũng đã sẵn sàng để thêm vào danh mục sản phẩm của mình những sản phẩm phục vụ xuất khẩu như cá phi-lê...
Chủ tịch Mavin không giấu tham vọng của mình khi cho rằng, hoạt động cốt lõi của Mavin là thực phẩm và mục tiêu cuối cùng là sản xuất ra những thực phẩm an toàn, không chỉ cho người Việt, mà còn ghi danh thực phẩm Việt trên bản đồ thế giới.
Chuỗi giá trị khép kín được hình thành từ một sự cố
Bắt đầu lập nghiệp tại Việt Nam cùng với những người bạn từ năm 2004 bằng việc mở một nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên, sau một thập kỷ, Austfeed Việt Nam đã nhanh chóng phát triển, mở rộng thành 3 nhà máy tại Hưng Yên và Bình Ðịnh, doanh thu trung bình đạt từ 70 - 80 triệu USD mỗi năm.
Ông David John Whitehead.
Trớ trêu là một chuyên gia về thực phẩm như David lại gặp phải sự cố đáng nhớ trong lĩnh vực thực phẩm. Ðó là một lần, ông dẫn con gái từ Úc sang thăm, đến một nhà hàng lớn ở Hà Nội. Ngay khi ăn xong, con ông đã bị nhiễm khuẩn salmonella phải nhập viện và lập tức phải quay trở về Úc. Sau biến cố đó, David cho rằng, nhà hàng to đẹp thôi chưa đủ khiến thực khách yên tâm về an toàn thực phẩm, mà nguồn cung cấp thực phẩm mới là yếu tố quan trọng. Ý tưởng chinh phục thị trường Việt Nam bằng thực phẩm sạch hình thành từ đây.
Thêm mảng thực phẩm, Austfeed Việt Nam bắt đầu theo đuổi và khép kín chuỗi giá trị “Từ nông trại tới bàn ăn” với việc sở hữu Công ty Thuốc thú y Cai Lậy tại Tiền Giang, sau đó mở các trang trại nuôi heo, với con giống được nhập khẩu từ Anh, rồi sau đó thành lập Công ty Thực phẩm Mavin, chuyên sản xuất các sản phẩm từ thịt tại tỉnh Hà Nam, với nguồn thịt cung cấp từ chính các trang trại trong cùng hệ thống.
Austfeed Việt Nam hiện được chuyển đổi mô hình thành Tập đoàn và đổi tên thành Mavin (mang ý nghĩa là sự thông thái/chuyên gia). Thực tế, nếu xét về quy mô, hiện Mavin chưa phải là công ty lớn trong ngành chăn nuôi, song người đứng đầu Công ty, ông David John Whitehead tự tin vào năng lực cạnh tranh của mình.
Ông nói: “Những công ty lớn nhất trong ngành có sự hỗ trợ từ tập đoàn nước ngoài, chúng tôi là công ty đặt trụ sở ở Việt Nam, vận hành toàn bộ ở đây nên có kiến thức bản địa. Ðó lại là một lợi thế quý giá”. Sự tự tin này có được từ chặng đường khởi nghiệp của vị doanh nhân người Úc có duyên nợ với ngành nông nghiệp Việt Nam.