Trong một tuyên bố đăng tải trên Twitter ngày 13/12, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras chỉ trích ông Tusk đã can thiệp "không đúng lúc và vô nghĩa" vào vấn đề người di cư.
Ông Tsipras cũng cho biết các nước châu Âu sẽ không chấp nhận đưa vào tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh EU khai mạc ngày 14/12 "bất kỳ cụm từ nào" không đảm bảo nguyên tắc chia sẻ gánh nặng tương đương giữa các nước thành viên.
Trước đó, ngày 12/12, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề di cư Dimitris Avramopoulos cũng chỉ trích các thông điệp của ông Tusk đang "phá hủy" một trụ cột chính của EU là nguyên tắc thống nhất nội khối.
Trong một bức thư gửi tới các lãnh đạo châu Âu trước thềm hội nghị kéo dài 2 ngày, Chủ tịch Tusk cho rằng chương trình tái phân bổ người di cư giữa các nước EU được nhất trí trước đó là "không hiệu quả" và "vô cùng gây chia rẽ," gợi ý rằng các bên nên tập trung vào việc bảo vệ các đường biên giới của châu Âu.
Bên cạnh đó, ông Tusk cũng đề xuất đưa một công cụ tài chính mới vào gói ngân sách của EU bắt đầu từ năm 2021 để chống nạn di cư trái phép.
Theo một thỏa thuận năm 2015, những người di cư tới châu Âu tìm kiếm quy chế tị nạn tập trung tại hai nước Hy Lạp và Italy sẽ được phân bổ tới các nước khác trong khối theo một cơ chế phân bổ hạn ngạch nhằm giảm gánh nặng cho hai quốc gia cửa ngõ tiếp nhận người di cư vượt biển này.
Tuy nhiên, mục tiêu này cho đến nay vẫn chưa được hoàn thành do vấp phải một loạt trở ngại, trong đó có sự phản đối của một số nước Đông Âu như Cộng hòa Séc, Hungary và Ba Lan.
Các nước này đưa ra lý do lo ngại về nguy cơ khủng bố, đồng thời cho rằng mức hạn ngạch này là một phần nỗ lực của EU nhằm hạn chế chủ quyền của các nước này.
Ngày 7/12, EU đã kiện Cộng hòa Séc, Hungary và Ba Lan lên Tòa án tối cao của khối liên quan tới việc 3 nước này từ chối tiếp nhận hạn ngạch phân bổ người tị nạn, một lần nữa khắc sâu mâu thuẫn trong lòng EU về việc giải quyết dòng người nhập cư.
Estonia, nước chủ tịch luân phiên EU hiện tại, đề xuất áp dụng cơ chế phân bổ hạn ngạch bắt buộc vào thời điểm dòng người di cư gia tăng đột biến, song linh hoạt hơn bằng cách cho phép nước gửi và nhận người di cư được thỏa thuận với nhau về địa điểm phân bổ.
Tuy nhiên, sáng kiến này đã ngay lập tức bị nhiều thành viên EU bác bỏ.
Ủy ban châu Âu, nhánh hành pháp của EU, đề nghị áp dụng cơ chế phân bổ bắt buộc vào thời điểm di cư ồ ạt song dựa vào quy chế hỗ trợ tự nguyện trong những trường hợp ít khẩn cấp hơn.
Trong khi đó, Nghị viện châu Âu muốn tiến hành phân bổ bắt buộc trong mọi trường hợp, không phụ thuộc vào áp lực của dòng người di cư./.