Ông Vũ Viết Ngoạn

Ông Vũ Viết Ngoạn

Mấu chốt là phải cải thiện hiệu quả đầu tư

(ĐTCK) Bên lề Quốc hội, đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa), Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề tăng đầu tư công, chi tiêu công để kích cầu.

Thưa ông, để hỗ trợ DN, Chính phủ đã nỗ lực giảm lãi suất, dù vậy ngân hàng vẫn trong tình trạng thừa vốn, còn DN không hấp thụ được vốn? Theo ông, gỡ nút thắt này bằng cách nào?

Trước hết, tôi đánh giá cao nỗ lực của các ngân hàng trong thời gian qua. Trong kinh doanh ngân hàng thì chênh lệch lãi suất đầu vào, lãi suất đầu ra là yếu tố quan trọng, nhưng khoản chênh này đã giảm liên tục từ năm 2011 đến nay. Tuy nhiên, lãi suất và chính sách tín dụng chỉ là một phần trong hệ thống các chính sách để đẩy tín dụng ra. Còn nhiều giải pháp khác như chính sách tài khóa để khơi thông sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, tăng tổng cầu. Nhưng chính sách tín dụng cũng như lãi suất phải là một trong các công cụ cần thiết.

 

Lạm phát đã giảm mạnh và có dấu hiệu của thiểu phát, theo ông, liệu đây có phải là thời điểm thích hợp lựa chọn chính sách: tăng trưởng hay là kiềm chế lạm phát?

Chúng ta vẫn phải đảm bảo mục tiêu mang tính chất nền tảng là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nhưng căn cứ vào tình hình thực tiễn thì tôi cho là chính sách có thể điều chỉnh, tăng thêm liều lượng hỗ trợ DN, thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Bởi tình hình hiện nay, mục tiêu lạm phát 6 - 6,5% của Chính phủ và dưới 8% của Quốc hội là tương đối dễ đạt được.

 

Để chặn đà suy thoái, có ý kiến cho rằng nên nới trần nợ công, tăng đầu tư của Nhà nước. Ông đánh giá việc này thế nào khi mà đầu tư công còn kém hiệu quả?

Năm nay, nên bố trí thêm nguồn vốn để tăng đầu tư công, tất nhiên là tăng chi đầu tư công có thể làm tăng bội chi ngân sách. Theo cơ chế hạch toán hiện nay, chúng ta có thể tăng chi bằng nguồn trái phiếu chính phủ, nguồn này hiện vẫn chưa tính vào dự toán cân đối ngân sách. Do đó, theo tôi, có thể xem xét tăng chi từ nguồn này. Tất nhiên chúng ta phải tính toán sao cho hài hòa giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.

Trong tình hình hiện nay, cần phải làm ấm nền kinh tế, kích thích tăng trưởng đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 5,5% GDP, nhưng mức độ tăng chi đầu tư công thế nào là hợp lý để nợ công không bị vượt quá chỉ tiêu thì phải tính toán liều lượng.

Song song với tăng chi đầu tư công thì phải cải thiện hiệu quả đầu tư, đây là vấn đề cơ bản của nền kinh tế, tất nhiên, cải thiện năng suất đầu tư cần có thời gian.

 

Vậy theo ông, liều lượng thế nào là vừa đủ?

Con số cụ thể thì phải để tính toán. Năm nay, theo dự toán bố trí chi đầu tư phát triển bằng ngân sách thấp hơn con số thực hiện của năm trước. Như vậy, tôi cho rằng, tăng thêm vài chục nghìn tỷ đồng bằng nguồn trái phiếu chính phủ là cần và hợp lý. Quan trọng hơn là đầu tư vào đâu, nếu đầu tư vào hạ tầng cơ sở, dự án sắp hoàn thành sẽ tạo hiệu ứng cao. Hai là nên nhìn lại giải ngân ODA, lâu nay giải ngân ODA thường chậm hơn nguồn vốn bên ngoài, nên nếu chúng ta bố trí thêm nguồn vốn đối ứng của các dự án ODA thì có thể đẩy nhanh giải ngân ODA, góp phần tạo tăng tổng vốn đầu tư xã hội.