Mấu chốt là ổn định kinh tế vĩ mô

0:00 / 0:00
0:00
Để duy trì đà phục hồi của nền kinh tế, một trong những ưu tiên hàng đầu là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16% so với cùng kỳ. Ảnh: Đ.T

Trong 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16% so với cùng kỳ. Ảnh: Đ.T

Kinh tế phục hồi tích cực, nhưng rủi ro hiện hữu

Sau khi phục hồi tích cực để có tốc độ tăng trưởng 6,42% trong nửa đầu năm, nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu tháng đầu tiên của quý III/2022 với đà phục hồi được duy trì, thậm chí còn tăng tốc mạnh hơn.

Rất nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô mà Tổng cục Thống kê vừa công bố có thể chứng minh điều này. Chẳng hạn, Chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2022 ước tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 7,6% của năm ngoái và 2,6% của năm 2020.

Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 431,94 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, còn cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, với 764 triệu USD.

Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại, dịch vụ đã đạt tốc độ phục hồi ấn tượng.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2022 ước tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Thậm chí, trong tháng 7/2022, do nhu cầu tăng cao, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước, còn dịch vụ du lịch lữ hành gấp 35,5 lần.

Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ năm 2021 giảm 0,3%.

Cả cầu trong nước và nước ngoài đều tăng cao, tạo động lực cho sản xuất - kinh doanh trong nước. Đó là lý do khiến sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng tích cực, còn số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động bình quân/tháng đã đạt trên 19.100 doanh nghiệp.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã một lần nữa nhấn mạnh về xu hướng phục hồi tích cực của nền kinh tế. “Nhưng tình hình thế giới, khu vực có nhiều rủi ro, thách thức, tạo áp lực lớn đối với ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của Việt Nam, nhất là những yếu tố tác động dây chuyền làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, như giá xăng dầu, nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao; tỷ giá, lãi suất có xu hướng tăng; một số chính sách hỗ trợ hết thời hạn…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Lấy ví dụ về Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tuy con số này chỉ tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nếu so với cuối năm 2021 thì tăng 3,59%, gấp gần 2,3 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 (1,59%).

Trên thực tế, giá cả thị trường hiện nay chịu áp lực rất lớn từ giá xăng dầu. Từ tháng 7/2022, giá xăng dầu đã có xu hướng giảm, chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh thuế và do các yếu tố từ thị trường quốc tế. Việc giảm giá xăng dầu còn bấp bênh, kém bền vững, vì phụ thuộc vào diễn biến thị trường quốc tế, trong khi căng thẳng về nguồn cung toàn cầu chưa có chuyển biến rõ nét. Giá xăng dầu diễn biến phức tạp sẽ gây áp lực lên lạm phát của Việt Nam.

Thách thức ổn định kinh tế vĩ mô

“Áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm có thể làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kết quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội; gia tăng chi phí sinh hoạt, tăng thêm khó khăn cho người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp”.

- Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Không chỉ là áp lực lạm phát, rất nhiều yếu tố khác cũng đang gây áp lực lên kinh tế Việt Nam. Chuyện giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều khó khăn là một ví dụ. Hay chuyện mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tăng, chuyện chi phí đầu vào sản xuất tăng cao, rồi thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán… diễn biến phức tạp cũng là những yếu tố “gây khó” cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, một rủi ro rất lớn khác mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt là tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, trong khi áp lực lạm phát tăng cao.

Cách đây ít hôm, để kiểm soát lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,75%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 4 trong năm nay của Fed, đưa mức lãi suất tham chiếu tại Mỹ lên mức 2,25 - 2,5%, cao nhất kể từ tháng 12/2018.

Việc Fed tăng lãi suất chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, nhất là trong bối cảnh ngay cả các nền kinh tế lớn cũng đang lúng túng trong tìm kiếm các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng, khi nguy cơ suy thoái kinh tế và mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu trở nên hiện hữu.

Rủi ro, thách thức của nền kinh tế Việt Nam là rất lớn. Có lẽ, đó là lý do mà ngay sau khi Fed quyết định tăng lãi suất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã triệu tập một số bộ trưởng và đại diện các bộ, ngành để họp bàn về những giải pháp, đối sách phù hợp cả trước mắt và lâu dài để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

“Nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 hiện nay là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngay sau cuộc họp này, chiều thứ Bảy (30/7), Thủ tướng Chính phủ lại tiếp tục chủ trì cuộc họp bàn về Đề án Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chống suy thoái và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đề án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo.

“Việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức đối với Việt Nam, cả trong ngắn, trung và dài hạn; gây áp lực tăng chi phí sản xuất, giá bán đầu ra, hình thành mặt bằng giá mới, có thể làm chậm lại đà phục hồi cả về phía cung và phía cầu, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận.

Không chỉ vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, điều này còn có thể tiềm ẩn rủi ro đến cân đối ngân sách nhà nước trong trung và dài hạn, thậm chí có thể ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu tài chính công, vay, trả nợ công; gia tăng áp lực điều hành ổn định tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, cán cân thanh toán, quản lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng...

“Ngay cả việc chưa tận dụng được cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khiến thu hút đầu tư mới giảm, cũng có thể ảnh hưởng đến cán cân vãng lai, khả năng dự trữ ngoại hối, tỷ giá, khả năng thu hút công nghệ cao, nguồn tài chính toàn cầu… của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Rủi ro, thách thức còn lớn, nên đòi hỏi nhiều hơn nữa các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chống suy giảm kinh tế và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tin bài liên quan