Khoản đầu tư  800 tỷ đồng của PVN vào Oceanbank đã mất trắng  do Ngân hàng âm vốn chủ sở hữu, phải bán lại cho NHNN với giá 0 đồng

Khoản đầu tư 800 tỷ đồng của PVN vào Oceanbank đã mất trắng do Ngân hàng âm vốn chủ sở hữu, phải bán lại cho NHNN với giá 0 đồng

Mất vốn nhà nước, vì người đại diện vốn hay vì ai?

(ĐTCK) Để xảy ra tình trạng thất thoát vốn nhà nước, người đại diện vốn đương nhiên phải chịu trách nhiệm giải trình, thậm chí phải đối diện trách nhiệm hình sự. 

Tuy nhiên, có những vụ án mất vốn nhà nước lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng trong thời gian dài thì dư luận không chỉ quan tâm đến sai phạm của người đại diện. Nhiều người băn khoăn, vậy vai trò quản lý của chủ sở hữu ở đâu khi buông lỏng trách nhiệm?

Theo luật định, người đại diện vốn nhà nước là người được chủ sở hữu cử làm đại diện một phần hoặc toàn bộ vốn góp của nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, công ty để thực hiện toàn bộ hoặc một số quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của cổ đông nhà nước hoặc thành viên góp vốn. Tùy theo tỷ lệ sở hữu, chủ sở hữu có thể ủy quyền tối đa 3 người đại diện.

Hiện tại, về khung pháp lý, việc quản lý người đại diện phần vốn nhà nước được quy định tại  Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, Nghị định số 106/2015/NĐ-CP về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, Thông tư số 12/2014/TT-BTC ban hành quy chế hoạt động của người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Người đại diện được coi như những “cánh tay nối dài” của chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Hiệu quả của đồng vốn được bảo toàn hay rơi rụng, có liên quan rất lớn tới việc thực thi quyền và trách nhiệm của những cánh tay đặc biệt này.

Lãnh đạo một tổng công ty nhà nước từng cho biết, nếu tổng công ty này không sát sao với đồng vốn của mình tại doanh nghiệp mà Nhà nước có vốn góp, “để mắt” tới các công ty thế hệ cháu, chắt thì việc “rơi vốn” rất dễ xảy ra.

Thậm chí, ở một số doanh nghiệp có vốn nhà nước, các giao dịch với bên có liên quan khá phổ biến, nhưng không được công bố. Đây có thể là kẽ hở để tiền doanh nghiệp chảy vào túi cá nhân. Một bằng chứng là mỗi khi nhận lệnh “doanh nghiệp lỗ, người đại diện sẽ mất chức”, y như rằng, năm ấy doanh nghiệp có lãi, nhưng 2 - 3 năm sau tình trạng lỗ lại tái diễn.

Từ căng thẳng vụ SDH…

Gần đây, vụ việc Công ty cổ phần Xây dựng Hạ tầng Sông Đà (SDH) tổ chức đại hội cổ đông bất thường đề nghị miễn nhiệm Ban lãnh đạo cũ trước thềm đại hội cổ đông thu hút sự chú ý của thị trường. Ngoài việc không chấp nhận chuyển nhượng 3 dự án bất động sản lớn, nhóm cổ đông lớn (sở hữu 36,32% vốn điều lệ) còn có ý kiến nghi ngờ số liệu trên báo cáo tài chính của Công ty, nguồn vốn không được bảo toàn.

SDH vốn là doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Trạm Bê tông thương phẩm thuộc Công ty  Sông Đà 9 (SD9) – doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng công ty Sông Đà. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, SDH có vốn góp chủ sở hữu là 209,5 tỷ đồng.

Trong đó, SD9 sở hữu 1,86 triệu cổ phần của SDH (chiếm khoảng 8,8% vốn điều lệ). Năm 2009, cổ phiếu SDH bắt đầu giao dịch và ghi nhận mức giá lên đến 49.900 đồng/cổ phiếu. Nhưng đến nay giá cổ phiếu rớt mạnh chỉ còn 2.600 đồng/cổ phiếu.

Đặc biệt, từ ngày 21/4/2017, cổ phiếu của SDH lâm vào diện bị cảnh báo do Công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm 2015. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty rất bết bát. Năm 2015, SDH có lợi nhuận sau thuế âm 23,2 tỷ đồng; quý I/2017, con số này là âm 2,7 tỷ đồng, nợ thuế, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội.

Tình trạng này đã kéo dài 3 năm nay, theo phản ánh của cổ đông, bản thân Hội đồng quản trị Công ty vi phạm hàng loạt quy định về quản trị công ty niêm yết. SD9 hiện vẫn có 51% vốn của Tổng công ty Sông Đà, doanh nghiệp 100% nhà nước, có người đại diện nằm trong Hội đồng quản trị của SDH, nhưng hầu như không có động thái nào để bảo vệ lợi ích của SD9.  Cho đến nay, doanh nghiệp đã gần như bên bờ vực phá sản, phần vốn góp của SD9 đã “bay hơi” tới 70% tại đây.

Đến những vụ thổi bay hàng trăm tỷ đồng

Có rất nhiều vụ án, cơ quan điều tra đã chứng minh và chỉ rõ những sai phạm của người đại diện vốn nhà nước đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc cấu kết với lãnh đạo doanh nghiệp chiếm đoạt tài sản, tư lợi.

Điển hình, mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã truy tố đối với 7 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Công ty cổ phần Than Tây Nam Đá Mài (viết tắt là Công ty Than Đá Mài) rút ruột công ty mẹ là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin, 100% vốn nhà nước) hơn 95,1 tỷ đồng.

Theo quyết định thành lập doanh nghiệp năm 1999, Công ty Than Đá Mài chuyên khai thác thu gom than cứng, than non, hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ, vận tải hàng hóa… với vốn điều lệ 160 tỷ đồng. Trong đó, Vinacomin nắm giữ 65,37% vốn điều lệ và ông Phạm Văn Hà (sinh năm 1964, ở thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh) được cử là đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn từ tháng 3/2009 đến tháng 8/2014. Ông Hà được bầu là Giám đốc Công ty Than Đá Mài, phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Song, trong thời gian đương nhiệm, từ năm 2009 đến 2010, ông Phạm Văn Hà đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới lập báo cáo, chứng từ nâng khống khối lượng vận chuyển đất đá và than nguyên khai để quyết toán với Vinacomin.

Từ các số liệu khống, Công ty Than Đá Mài được hưởng trái phép số tiền 95,1 tỷ đồng. Con số này cũng được ghi nhận là thiệt hại mà Vinacomin phải gánh chịu từ hành vi sai phạm của người đại diện. Đến nay, Vinacomin đã yêu cầu Công ty Than Đá Mài nộp lại, hậu quả đã được khắc phục toàn bộ.

Theo kết luận giám định của Bộ Tài chính, hành vi của ban lãnh đạo Công ty Than Đá Mài làm tăng chi phí sản xuất - kinh doanh, giảm lợi nhuận trước thuế của Vinacomin trong các năm 2009, 2010.

Hay trong câu chuyện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) “mất trắng” hơn 800 tỷ đồng đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank), mới đây, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố thêm hành vi của bị can Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc Oceanbank, đại diện phần vốn góp của PVN tại Oceanbank từ năm 2008 - 2010) về tội tham ô tài sản liên quan đến số tiền 49,3 tỷ đồng của PVN. 

Trong phiên tòa xét xử vụ án tại Oceanbank đầu năm nay, đại diện ủy quyền của PVN trình bày trước tòa, theo quy định, hàng tháng, quý, năm, người đại diện phải báo cáo về tình hình hoạt động của Oceanbank cho Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) PVN. Ngoài ra, PVN còn thực hiện chế độ giám sát thông qua giám sát bên ngoài.

Các ban thường xuyên kiểm tra, báo cáo, đánh giá. Vậy nhưng, trong suốt thời gian dài, PVN không phát hiện Oceanbank hoạt động bết bát. Đến năm 2014, Oceanbank âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần, đồng nghĩa là toàn bộ số tiền PVN đầu tư trở thành 0 đồng.

Cơ quan tố tụng cũng xác định, Nguyễn Xuân Sơn cấu kết với Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank) chi lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng dầu khí từ năm 2009 - 2014. Hậu quả đã khiến Oceanbank thiệt hại số tiền hơn 1.500 tỷ đồng.

Hiện tại, về khung pháp lý, việc quản lý người đại diện phần vốn nhà nước được quy định tại Nghị định số 106/2015/NĐ-CP về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, Thông tư số 12/2014/TT-BTC ban hành quy chế hoạt động của người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Luật định đã có, hành vi sai phạm của người đại diện phần vốn nhà nước nếu có sẽ được cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng vào cuộc. Tuy nhiên, đằng sau những câu chuyện này còn cho thấy sự buông lỏng quản lý của chủ sở hữu.

Tin bài liên quan