Hủy niêm yết, phá sản
Vụ việc Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) Lê Văn Dũng bị khởi tố là vụ án thao túng giá chứng khoán đầu tiên ở Việt Nam được khởi tố điều tra. Sau khi “mất tướng”, bức tranh tài chính của DVD dần hé lộ. Nhà đầu tư ngỡ ngàng khi nhận được thông tin TAND TP. HCM đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DVD của Ngân hàng ANZ và đã ban hành quyết định cho phép mở thủ tục phá sản. Trong khi trước đó, trong năm 2009, DN này vẫn công bố lợi nhuận sau thuế lên tới gần 109 tỷ đồng.
UBCK ngay sau đó cũng có quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu DVD (kể từ ngày 5/9/2011), do liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin định kỳ theo quy định (không công bố các loại báo cáo từ năm 2010). Giá cổ phiếu DVD trong phiên giao dịch cuối cùng rớt xuống còn 3.500 đồng, trong khi thời điểm “nóng” nhất, mã này có giá lên tới 150.000 đồng/CP.
Tương tự, “án” hủy niêm yết bắt buộc cũng là cái kết của CTCK Tràng An (TAS) và CTCK SME khi CEO của 2 công ty này vướng vòng lao lý.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SME bị bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước khi CEO này bị bắt, SME đã lâm vào tình trạng làm ăn bết bát, cổ phiếu vào diện bị kiểm soát đặc biệt và chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần; bị thu hồi giấy chứng nhận hoạt động lưu ký chứng khoán... Theo BCTC gần nhất Công ty công bố là quý III/2011, SME lỗ 6 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 23 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu còn 203,5 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 225 tỷ đồng. Tính đến cuối quý III/2011, các khoản phải thu ngắn hạn của SME là gần 667 tỷ đồng.
Còn với CTCK Tràng An, ngày 18/1/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Hà Nội đã có thông báo khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Tổng giám đốc TAS vì có hành vi: chỉ đạo nhân viên dưới quyền xác nhận khống các mã chứng khoán, hợp thức hồ sơ nhận uỷ thác đầu tư của khách hàng để vay, rồi chiếm đoạt tiền của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội.
Ngày 16/4/2013, UBCK đã có quyết định đình chỉ hoạt động của TAS do không đáp ứng các điều kiện quy định về thành lập và hoạt động CTCK, thời gian đình chỉ là 6 tháng, từ 16/4 - 16/10/2013. Tuy nhiên, ngày 29/8/2013, Sở GDCK Hà Nội đã có quyết định hủy niêm yết bắt buộc 13,9 triệu cổ phiếu TAS do Công ty vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
Trước ngày hủy niêm yết, giá cổ phiếu SME của CTCK SME chỉ còn 300 đồng/CP, trong khi cổ phiếu TAS của Tràng An cũng chỉ còn 900 đồng/CP.
Vẫn hoạt động ổn định
Mặc dù vậy, không phải công ty nào cũng có kết cục đáng buồn khi lãnh đạo DN bị khởi tố. Ngày 21/8/2012, thị trường tài chính Việt Nam nói chung và Ngân hàng Á Châu (ACB) nói riêng rúng động mạnh trước vụ việc ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB, bị bắt để điều tra một số sai phạm liên quan đến hoạt động kinh tế của ông này. Ngay sau đó, một số lãnh đạo của ACB cũng bị khởi tố và bắt tạm giam.
Mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của vụ việc này ngay lập tức được thể hiện. Chỉ trong 3 phiên giao dịch sau đó, TTCK đã bốc hơi hàng tỷ USD. Không chỉ có vậy, nguy cơ ACB mất thanh khoản là hiện hữu nếu người gửi tiền tiết kiệm đổ xô đi rút.
Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của Ngân hàng cũng như sự trấn an dư luận từ phía Ngân hàng Nhà nước, hoạt động của ACB dần ổn định. Kết thúc năm 2012, mặc dù kết quả kinh doanh có sụt giảm hơn so với các năm trước, ACB vẫn đạt gần 1.043 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; lợi nhuận sau thuế đạt 784 tỷ đồng. Năm 2013, ACB đạt 1.035 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, 826 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 3%. Sự quyết tâm từ HĐQT mới của Ngân hàng trong việc công khai và xử lý nợ xấu, có thể làm lợi nhuận của ACB giảm trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, tài sản của ACB sẽ thực tế và chất lượng hơn.
6 tháng đầu năm 2014, ACB ghi nhận lợi nhuận sau thuế 573 tỷ đồng, hoàn thành gần 78% kế hoạch lợi nhuận năm. Con số này chưa hẳn là cao so với những năm trước, nhưng nó cũng là con số đáng mơ ước của nhiều nhà băng trong điều kiện thị trường hiện nay, đặc biệt là sau khi ACB trải qua một biến cố chưa từng có trong lịch sử hoạt động của ngân hàng này.