Tính đến thời điểm này, sản lượng xuất khẩu xi măng đã về đích sớm, thậm chí vượt so với kế hoạch cả năm 2018.

Tính đến thời điểm này, sản lượng xuất khẩu xi măng đã về đích sớm, thậm chí vượt so với kế hoạch cả năm 2018.

Mặt trái của kỷ lục xuất khẩu xi măng, clinker - sự thâm hụt về tài nguyên, năng lượng...

Xuất khẩu xi măng, clinker trong 10 tháng đầu năm đạt mức tăng kỷ lục về cả sản lượng và tổng kim ngạch, nhưng đi kèm mặt trái là sự thâm hụt về tài nguyên, năng lượng và những tác động tới môi trường.

Xuất khẩu xi măng về đích sớm

Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng qua, cả nước xuất khẩu gần 23,4 triệu tấn xi măng và clinker, với tổng trị giá đạt gần 891 triệu USD, tăng tới 73,7% về sản lượng và 87,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính, 10 tháng đầu năm, xuất khẩu xi măng, clinker đạt khoảng 25 triệu tấn. 

Như vậy, sản lượng xuất khẩu sản phẩm xi măng tính đến thời điểm này đã về đích sớm, thậm chí vượt 5 - 6 triệu tấn so với kế hoạch cả năm 2018 (từ 18 - 19 triệu tấn).

Nhờ xuất khẩu tăng mạnh, đạt sản lượng cao nhất từ trước tới nay, nên lũy kế 9 tháng của năm 2018, lượng tiêu thụ xi măng trên cả nước đạt 72,82 triệu tấn, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 85% kế hoạch của cả năm.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, thị trường xuất khẩu xi măng đang rất thuận lợi, do Trung Quốc tăng nhập khẩu. Vừa qua, Trung Quốc đã đóng cửa bớt những nhà máy xi măng gây ô nhiễm, buộc một số nhà máy cắt giảm sản lượng. 

Điều này cũng khiến thứ tự các thị trường xuất khẩu xi măng có sự thay đổi. Trung Quốc đã vượt qua Băngladesh và Philippines để vươn lên vị trí dẫn đầu. Cụ thể, hết tháng 9/2018, xuất khẩu xi măng, clinker sang Trung Quốc đạt 6,56 triệu tấn, với kim ngạch 235 triệu USD. 

Bài toán cân đối cung - cầu và phát triển bền vững

Không như những ngành hàng khác, khi bán nhiều xi măng, clinker ra khỏi biên giới, đồng nghĩa với việc gia tăng xuất bán tài nguyên, năng lượng. Đây là hướng đi mà nhiều quốc gia đã không lựa chọn trong những năm gần đây.

Được biết, để sản xuất ra 1 tấn clinker, cần 1,2 triệu tấn đá vôi, 350 kg đất sét, 15 - 20kg đất giàu sắt, ô xít sắt, 110 - 120 kg than cám 3 và phải sử dụng khoảng 60 kWh điện. Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất 1 tấn xi măng PCB40 gồm 65% clinker, 4% thạch cao, hơn 30% còn lại là phụ gia, chất độn để nghiền xi măng, gồm: 10% đá vôi, 10% tro bay hoặc xỉ lò cao, kèm các loại đá phụ gia, sử dụng 40 kWh điện. 

Một điểm đáng lưu ý nữa là, tuy lượng xuất khẩu nhiều, nhưng giá bán xi măng, clinker lại sụt giảm. Theo VNCA, giá xuất khẩu FOB clinker đã giảm từ 35 - 40 USD/tấn (năm 2016) xuống 27 - 28 USD/tấn (đầu năm 2017), tương đương mức giảm 30%. Tương tự, giá xi măng xuất khẩu giảm từ hơn 55 USD/tấn (năm 2014) xuống còn 50 USD/tấn (đầu năm 2017) tương đương mức giảm 9%. 

Tại cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì, Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết, giá xi măng xuất khẩu của Việt Nam hiện vào loại thấp nhất khu vực. 

Cụ thể, xi măng dân dụng Việt Nam giá 48 - 50 USD/tấn, trong khi đó, giá sản phẩm cùng loại của Thái Lan là 65 USD/tấn, của Indonesia là 102 USD/tấn và của Philippines xấp xỉ 100 USD/tấn.

Đặc biệt, lượng xuất khẩu clinker cao gần gấp đôi xi măng, nhưng giá xuất khẩu clinker rất thấp, có thời điểm dưới 30 USD/tấn, chỉ mới tăng trở lại, đạt khoảng 35 USD/tấn từ cuối năm 2017 đến nay.

Ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc VICEM, cho biết: “Tổng công ty đã báo cáo Chính phủ và Bộ Xây dựng, nếu xuất khẩu clinker thì không nên xuất nhiều, vì đó là xuất nguyên liệu thô, giá rẻ. Nếu ta xuất khẩu 1 tấn xi măng thì giá trị gia tăng thêm được 1,8 lần, lại tận dụng được nguyên liệu, các loại phụ gia làm xi măng”.

Sở dĩ, lượng xi măng, clinker xuất khẩu ngày càng gia tăng có lý do từ dư thừa sản lượng. Tại thời điểm này, công suất thiết kế toàn ngành đạt 100 triệu tấn/năm, nhưng tiêu thụ nội địa chỉ đạt khoảng 60 triệu tấn/năm, buộc các doanh nghiệpphải bằng mọi cách xuất khẩu để không bị tồn kho, có dòng tiền trả nợ đầu tư.

Trong khi đó, công suất sản xuất của các nhà máy xi măng vẫn liên tục tăng lên, đồng thời có thêm những dự án đầu tư mới ra đời. Tuy số lượng nhà máy đang đầu tư không nhiều, nhưng đều có quy mô lớn, khi đi vào sản xuất sẽ còn tăng thêm áp lực tiêu thụ, làm mất cân đối cung - cầu lớn hơn nữa.

Thời gian tới, ngành xi măng sẽ đưa vào hoạt động thêm một số dự án như Xi măng Sông Lam dây chuyền 3, 4 (giai đoạn II) của  The Vissai, công suất 3,8 triệu tấn/năm; Xi măng Kaitô Hà Tiên của ThaiGroup, công suất 4,5 triệu tấn/năm; Xi măng Tân Thắng tại Hoàng Mai (Nghệ An), công suất 1,8 triệu tấn/năm.

VNCA dự báo, tiêu thụ xi măng trong nước năm 2020 vào khoảng 82 triệu tấn, nghĩa là sẽ dư thừa 36 - 47 triệu tấn.

Theo phân tích của giám đốc một doanh nghiệp xi măng tại Tây Ninh, xuất khẩu xi măng đang tăng trưởng nhờ Trung Quốc tăng nhập khẩu. “Đó là sự may mắn trong ngắn hạn, giúp tránh được nguy cơ phá sản của một số doanh nghiệp xi măng, nhưng chỉ cần phía Trung Quốc điều chỉnh nhà cung ứng, thì ngành xi măng sẽ ngấm đòn ngay. Bên cạnh đó, việc tiếp tục đi bán tài nguyên, năng lượng là hướng phát triển không bền vững, các nhà máy xi măng tăng công suất hoạt động cũng ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường”, vị giám đốc này nhận định.

Tin bài liên quan