Mắt ngọc của làng

Mắt ngọc của làng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đi làm xa quê, sát sạt Tết tôi mới về nhà. Trong cái rét bay bay về phía Xuân sang, men theo con đường đất nhỏ, rẽ trái qua gốc cây đa cổ thụ tôi đã gặp “Tết” ở đó rồi. Giếng làng ngay đầu cổng vào đang rộn ràng những thanh âm sột soạt rửa lá dong, đãi gạo, nhặt đỗ...

Bà tôi kể rằng, này xửa ngày xưa, khi bắt đầu ý định lập làng, các cụ đã cẩn thận tìm thầy phong thủy xem thế đất, long mạch tốt để đào giếng đầu tiên, bởi giếng không chỉ là nguồn mạch sự sống, mà còn là nơi trời đất giao hòa, mang ý nghĩa tâm linh vô cùng quan trọng.

Làng nào có giếng thì làng đó mới “tụ thủy tụ phúc”, tự khắc có sinh khí tốt lành mà phát triển. Nếu may mắn đào được giếng thiêng, đầy mà không tràn, càng múc càng trong, thì làng dẫu có khó khăn cũng phải làm lễ cảm tạ đất trời, thần linh phù hộ.

Giếng hay được lựa chọn ở đầu làng, giữa xóm hoặc hai bên đình chùa vì các vị trí ấy là đôi mắt rồng thiêng, sẽ cho linh khí tốt. Ấy vậy mà làng tôi giếng lại nằm chính giữa làng, cạnh một chiếc ao. Không biết có phạm vào lý thuyết phong thủy không nhưng mọi đường ngang ngõ dọc trong làng đều dẫn tới chiếc giếng ấy.

Cả làng ba bốn chục nóc nhà nhờ có dòng chảy của giếng mà sinh sôi, nảy nở thành cả nghìn nóc. Cứ thế, nguồn nước ngọt mát như nguồn sữa mẹ nuôi lớn bao thế hệ dân làng. Ai đi xa cũng nhớ về quê hương, nhớ về nơi đã cùng nhau uống chung mạch ngọt nước giếng làng.

Nhờ có nguồn nước trong mát ấy mà nồi cơm lúc nào cũng trắng bông, nồi canh ngọt vị, củ khoai, củ sắn cũng ngọt như tẩm mật. Người đi làm đồng xa về giữa trưa nắng oi ả, múc một gàu nước lên uống một hơi, rồi rửa mặt, thấy sảng khoái vô cùng.

Mùa Đông, nước giếng ấm áp trào lên từ lòng đất không làm đôi tay mẹ, tay bà bị đỏ tấy vì lạnh. Con gái làng tôi dong dỏng cao, tóc dài thướt tha, sắc sảo, đảm đang. Người ta bảo được như vậy là nhờ cả vào giếng làng. Trai làng trước kia muốn đỗ đạt phải lấy nước giếng pha trà, từ đó tinh thần sảng khoái, học hành tinh thông, hiển đạt.

Người mẹ nào sinh xong không có sữa cho con bú thì ra lấy nước giếng uống vào, thì thầm xin với thần linh thì sữa sẽ tràn trề ướt áo. Truyền thuyết ấy bây giờ vẫn được lưu truyền và những người mẹ trẻ duy tâm vẫn làm theo.

Giếng không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước ăn, sinh hoạt, mà còn để gặp mặt, chuyện trò. Chuyện xóm làng, nhà cửa, chuyện riêng tư được người dân tâm sự bên miệng giếng. Nhờ vậy mà cũng có nhiều đôi trai gái nên duyên từ đây.

Lý giải về vị trí đặc biệt của giếng, bà nội tôi đã từng có lần nhắc lại lời các cụ rằng: Khi xưa lập làng thầy phong thủy đã chỉ chỗ đó đào giếng để tạo thế mắt rồng. Một bên mắt là giếng làng, một bên là chiếc ao trước cửa đình. Con đường chính chạy giữa giếng và ao uốn lượn như thân rồng đang phun mưa. Cả làng lúc đầu ai ai cũng lạ lẫm vì xưa nay chưa thấy làng nào dám đào giếng cạnh ao bao giờ. Không may chạm vào long mạch của nhau thì nước đục, tù, có khi phá vỡ long mạch, cả làng vạ lây.

Chưa kể giếng xưa kia tuy hình dạng và kích thước phong phú, nhưng giếng miền Bắc Bộ chỉ tròn như mặt trăng, rộng 3-5 mét, sâu cỡ 10 mét. Nhưng thầy phong thủy lại cho đào giếng rộng như chiếc ao con, xung quanh dùng gạch đá ong ghép lại.

Tuy có rất nhiều lời bàn ra tán vào, nhưng cuối cùng giếng vẫn được cho đào. Từ ngày đó tới nay đã qua hàng trăm năm, nước giếng làng cạnh ao may mắn thay vẫn trong vắt. Nước ao cạn, nhưng nước giếng vẫn đầy. Dòng nước nguồn chảy thấm qua tầng tầng, lớp lớp đá ong đã tạo nên thứ nước có vị ngọt mát hiếm có. Giếng đúng như con mắt của làng, phong thủy tốt giúp dân làng làm ăn thuận lợi, còn trai gái làng khỏe mạnh, giỏi giang.

Giống như nhiều làng quê Bắc bộ khác, làng tôi cũng có tục “xin nước cầu may”. Giao thừa vừa sang, nước giếng sẽ được rước về đình làm lễ cúng Thánh, lễ tắm tượng Phật. Sau đó, dân làng gánh nước về dùng dâng cúng tổ tiên, cầu một năm mới no ấm, an lành, mưa thuận gió hòa. Nước giếng tinh khiết được đổ vào chén dâng lên bàn thờ như thứ nước lộc mang về sự sung túc cho gia đình. Phần còn lại được đổ vào bể như muốn hòa trộn sự mát lành của mạch nước thiêng với nguồn nước gia đình để được hưởng phúc lộc dồi dào cả năm.

Những nghi thức này được tiến hành cực kỳ trang trọng và đã được nối tiếp hàng trăm năm nay. Nếu thần linh có thực thì hẳn thần giếng cũng hài lòng trước tấm lòng thành kính của dân làng.

Giếng làng là biểu tượng giao hòa Thiên - Địa - Nhân, vừa hướng nội vừa hướng ngoại, hòa nhập mà không hòa tan. Giếng cũng như con người. Lòng giếng đầy mà không tràn, nước giếng càng múc càng trong, cho đi mà mạch nguồn không cạn...

Năm nay bận bịu việc cơ quan nên sát Tết mới về nhà. Trong cái rét bay bay về phía Xuân sang, men theo con đường đất nhỏ, rẽ trái qua gốc cây đa cổ thụ tôi đã gặp “Tết” ở đó rồi. Giếng làng to như chiếc gương ngay đầu cổng vào đã thấy mọi người đang rộn ràng sửa soạn cho tết mới. Nhà nào cũng mang lá dong, gạo nếp, đỗ xanh... ra rửa sạch chuẩn bị gói bánh chưng.

Làng tôi luôn tự hào có chất bánh chưng ngon chính là nhờ dùng nước “giếng thần” luộc mà thành. Khi bóc, cả bánh và lá dong đều xanh mướt mà không dính. Bánh lại có độ rền, lâu thiu, lâu mốc kể cả khi gặp thời tiết nồm ẩm. Thông thường muốn bánh chưng Tết có được các đặc tính trên, lại nhừ, nhuyễn thì phải luộc ít nhất 12 tiếng đồng hồ. Nhưng khi dùng nước giếng làng nấu bánh thì thời gian chỉ còn cỡ 9-10 tiếng.

Khi tôi về tới sân, thấy trong nhà không một bóng người, cửa vẫn mở toang. Chắc giờ này cha mẹ đi chợ chưa về. Tôi vội vã cất đồ rồi ra phía trái nhà tìm cái đòn gánh và hai chiếc thùng đi gánh nước giếng về rửa mặt, nấu trà. Gắn bó với làng tròn 30 năm, tôi đã thuộc lòng những viên đá lớn bé, xếp thành từng vòng tròn quanh giếng - những viên đá xanh xanh màu rêu vì đã ngâm dưới nước lâu ngày.

Gánh gồng hai thùng nước qua từng con đường, ngõ xóm, tôi nhớ lại một tết nào đó của ngày xưa, tôi theo bà đội lễ sang nhà thờ, bà hỏi tôi có biết vì sao lập làng người ta phải đào giếng mà không dùng nước sông không?

Vì giếng và sông tuy cùng mang nguồn nước trường dưỡng loài người, nhưng chúng có sự khác biệt rõ ràng. Sông trải dài qua cả một vùng miền. Giếng tụ lại cho một khoảnh đất nhỏ. Sông chảy miên man ngày đêm như dòng thời gian bất tận. Giếng nhận nước từ mạch ngầm thấm qua lòng đất, rồi chảy theo cách riêng. Sông hào phóng đại lượng. Giếng khiêm tốn, chắt chiu... Sông dài ngàn dặm, dòng chảy vô tư. Giếng chỉ một khoanh, một khoảnh.

Quan trọng nhất, giếng là biểu tượng giao hòa Thiên - Địa - Nhân, vừa hướng nội vừa hướng ngoại, hòa nhập mà không hòa tan. Giếng cũng như con người. Lòng giếng đầy mà không tràn, nước giếng càng múc càng trong, cho đi mà mạch nguồn không cạn...

Nghĩ đến đây tôi chợt nhận ra, trong dòng chảy thời gian, mỗi giếng là một số phận, có cái đoản mệnh, có cái đa đoan. Làng tôi bây giờ tuy đã ồn ào khác xưa, không giấu nổi những xâm lấn phố phường, nhưng vẫn tôn tạo và gìn giữ giếng làng như một báu vật. Đó là một sự may mắn của thế hệ mai sau như chúng tôi bây giờ.

Gánh nước đến nhà, thấy cha mẹ đã đi chợ về cả rồi. Mẹ giục tôi nhanh tay múc nước giếng nấu chè, nấu xôi, chờ bố dọn bàn thờ xong còn làm cơm cúng cho kịp. Bữa cơm chiều 30 Tết luôn có một cái gì đó hết sức thiêng liêng. Nó trở thành sợi dây vô hình nối người còn sống và người đã khuất. Chính điều đó lý giải vì sao quê hương, gia đình luôn là nỗi niềm thương nhớ da diết của mỗi người khi Tết đến, Xuân về.

Tin bài liên quan