Mất mốc 1.000 điểm, dòng tiền sẽ đi về đâu?

Mất mốc 1.000 điểm, dòng tiền sẽ đi về đâu?

(ĐTCK) Chỉ số VN-Index đã để mất ngưỡng 1.000 điểm, nhưng quan sát thị trường cho thấy, tâm lý nhiều nhà đầu tư vẫn vững vàng, xuất phát từ niềm tin vào tăng trưởng của nền kinh tế và nội lực từ doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2018 tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước. Mức này tuy thấp hơn mức tăng 7,45% của quý I, nhưng cao hơn mức tăng 6,73% của quý II.

Bức tranh chung của nền kinh tế như vậy khiến nhiều người tin rằng, tăng trưởng GDP đã chấm dứt suy giảm sau 3 quý liên tiếp kể cuối năm ngoái.

Ðáng chú ý là kết quả tích cực mà quý III đạt được có một phần do ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cũng như các chính sách cắt giảm sản lượng sản xuất của Trung Quốc, bao gồm dệt may, thép, thủy sản, bên cạnh yếu tố chính là nội lực của doanh nghiệp, của nền kinh tế Việt Nam đang vững dần lên.

Thực tế, sau những lo ngại ban đầu về tác động tiêu cực của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhà đầu tư đã vững tâm hơn, thậm chí còn nhận ra những ngành được hưởng lợi từ diễn biến này.

Dòng tiền thông minh đã đẩy cổ phiếu ở nhiều nhóm ngành như thủy sản, dệt may…lên mặt bằng giá mới. Có nhiều mã đã tăng 50 - 70% chỉ trong tháng 9 vừa qua.

Ngành xây dựng tưởng chừng gặp nhiều khó khăn như dự báo từ đầu năm, nhưng thực tế quý III đã nổi lên thành ngành chính, tăng trưởng trung bình 9,2%, góp sức cho tăng trưởng chung của nền kinh tế (quý II tăng 8,7%).

Giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội quý III/2018 tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong 4 quý gần nhất, trong đó vốn ngân sách nhà nước tăng 14,9%, gấp đôi quý II và vốn đầu tư tư nhân vươn lên mức cao nhất nhiều năm, 18,8%. Sự chuyển động này đã phản ánh vào giá cổ phiếu của nhiều nhà thầu xây dựng.

Giải ngân từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và tư nhân tăng cao không chỉ tích cực cho ngành xây dựng, mà còn mang nhiều ý nghĩa khác.

Chẳng hạn, lo ngại về nút thắt trong giải ngân đầu tư công có thể sẽ được vơi nhẹ và khi khối kinh tế tư nhân tăng đầu tư, vươn lên vững chắc, sẽ là nền tảng để có tầm ảnh hưởng lớn hơn đến tăng trưởng kinh tế, cân đối lại với một nguồn vốn quan trọng khác là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Niềm tin khối tư nhân sẽ có vai trò đóng góp lớn hơn vào tăng trưởng GDP kể từ năm 2019 đang lớn dần khi ngày càng có nhiều dự án lớn của doanh nghiệp niêm yết đang và sẽ đi vào hoạt động.

Chẳng hạn, dự án Vinfast của Vingroup đã hoàn thành toàn bộ 12 nhà xưởng; dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất của Hòa Phát đã chạy thử dây chuyền cán đầu tiên; Gemadept đang đẩy mạnh đầu tư cảng mới; Nam Long đang cùng lúc triển khai 3 dự án khu đô thị với lượng hàng tung ra không đủ bán…

Nhiều doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh đang nỗ lực thể hiện khả năng tăng trưởng cao xuất phát từ khát vọng phát triển của người lãnh đạo và sự phân bổ của nguồn lực vốn.

Vì thế, tuy VN-Index để mất mốc 1.000 điểm dưới áp lực của những lo ngại về tỷ giá tăng, thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh…, nhưng trên thị trường có không ít nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào tương lai của chứng khoán Việt.

Khi các doanh nghiệp mạnh tập trung xây dựng nội lực, xây dựng niềm tin thị trường, dòng tiền thông minh sẽ sớm nhận ra để song hành cùng doanh nghiệp. VN-Index là chỉ số đại diện, có thể tăng, giảm từng ngày, từng giờ theo rổ chung toàn thị trường, nhưng trong lòng nó, dòng tiền khó rời xa các mã cổ phiếu tốt.

Tin bài liên quan