Đòi hỏi không chỉ từ cơ quan quản lý
Dù dư địa giảm lãi suất cho vay không còn nhiều khi lãi suất huy động bắt đầu tăng trở lại (với mức tăng bình quân khoảng 0,5%/năm ở nhiều ngân hàng trong tháng 6/2024). Tuy nhiên, nhận định được đưa ra từ một nhà phân tích tài chính, thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số, đơn giản các thủ tục cho vay, tiết giảm chi phí, trong nửa cuối năm, các ngân hàng có thể sẽ giảm lãi suất cho vay thêm 0,5 - 1%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị các tổ chức tín dụng nỗ lực giảm 1 - 2%/năm lãi suất cho vay, phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II/2024 đạt 5 - 6%.
Trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn không đổi, ở mức 3%/năm và 4,5%/năm kể từ tháng 6/2023, dù VND chịu áp lực mất giá khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức cao trong thời gian dài để ứng phó với tình trạng lạm phát dai dẳng. Dù vậy, trong bối cảnh tiêu dùng nội địa yếu, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn…, tín dụng vẫn tăng trưởng chậm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính tới ngày 24/6/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%, còn cách xa mục tiêu 15% của cả năm 2024.
Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối Cho vay bán lẻ, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức thấp ít nhất từ nay đến quý IV/2024, dù chi phí đầu vào tăng nhẹ theo lãi suất huy động.
Theo ông Vũ, hiện hầu hết các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động và động thái này có thể bắt đầu tác động từ quý IV/2024 lên lãi suất cho vay, khiến cho các ngân hàng, để có thể đẩy mạnh hoạt động tín dụng, buộc phải tiếp tục thu hẹp tỷ suất lợi nhuận, tiết giảm chi phí hoặc giảm mục tiêu lợi nhuận cả năm… thì mới có thể duy trì mức lãi suất thấp như hiện nay.
“Cân nhắc tất cả các yếu tố trên, tôi cho rằng, các động lực và năng lực duy trì lãi suất thấp, hoặc ít nhất là chỉ tăng nhẹ của các ngân hàng vẫn cao hơn là khả năng lãi suất tăng nhanh trong thời gian tới. Mặt bằng lãi suất huy động đang tăng nhẹ, song lãi suất cho vay sẽ còn duy trì ở mức thấp”, ông Vũ cho biết thêm.
Nhận định được đưa ra từ ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank, thường thì khi chi phí đầu vào bắt đầu tăng theo lãi suất huy động, ngân hàng sẽ cân nhắc tăng lãi suất đầu ra, song tín dụng còn chậm nên lãi vay khó có thể sớm tăng, mà giữ ít nhất từ nay đến cuối năm để kích cầu vốn. Kể cả với cho vay mua nhà, lãi suất cho vay chỉ còn 5 - 6%/năm nhưng dư nợ cho cá nhân vay mua nhà tại ABBank và một số nhà băng khác hiện khó tăng cao. Ngay cả tại Vietcombank, tín dụng mua nhà cũng giảm.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho rằng, ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất huy động, nhưng chưa bao giờ cạnh tranh cho vay khốc liệt như hiện nay, nên để mở rộng được tín dụng, lãi suất cho vay khó tăng.
Nhu cầu vốn tăng trở lại
Chưa bao giờ cạnh tranh cho vay khốc liệt như hiện nay, nên để mở rộng được tín dụng, lãi suất cho vay khó tăng.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB
Theo CEO ACB, trong quý II/2024, tăng trưởng tín dụng của nhà băng này cao gấp đôi so với quý đầu năm và kỳ vọng tích cực hơn trong mùa cao điểm kinh doanh cuối năm. ACB đang nỗ lực để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước cấp đầu năm 2024 là 14%.
Ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Tiếp thị doanh nghiệp kiêm Giám đốc Trung tâm Giao dịch Hội sở, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng cho hay, tín dụng Ngân hàng Shinhan tăng 13% trong nửa đầu năm nay. Theo ông Lâm, sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp trong năm 2023 và quý đầu năm 2024 rất yếu, đến quý II/2024, tình hình có được cải thiện nhưng hiện tập trung chủ yếu ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, những dự án đầu tư lớn và đầu tư công.
“Nền kinh tế trong nước đã dần khởi sắc trong quý II/2024, nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh đã dần tăng. Với chính sách điều hành tỷ giá ổn định, dẫn đến việc lãi suất huy động của ngân hàng và các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhẹ. Ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, xu hướng lãi suất cho vay khả năng sẽ duy trì mức thấp ít nhất đến quý IV/2024, nhằm kích thích cầu vốn tín dụng của khách hàng trở lại các quý tới”, ông Lâm nói.
Số liệu được Ngân hàng Nhà nước đưa ra, tính đến 14/6/2024, tín dụng tăng trưởng 3,79% so với cuối năm 2023. Trước đó, đến cuối tháng 5/2024, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2,41% so với cuối năm 2023; 2 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống giảm so với cuối năm 2023. Cụ thể, cuối tháng 1, tín dụng giảm 0,6%; cuối tháng 2 giảm 0,72%; đến cuối tháng 3, tín dụng mới quay đầu tăng trưởng 1,34% và tăng dần trong các tháng sau đó khi cuối tháng 4 đạt 2,01%.
Dự báo về nhu cầu vốn của khách hàng trong 6 tháng cuối năm, một lãnh đạo ngân hàng cho hay, có một số đặc điểm đáng chú ý. Về nhu cầu vay vốn, kỳ vọng sẽ tăng so với trước, nhất là từ giữa quý III sang đến hết quý IV, chủ yếu bởi tình hình kinh tế vĩ mô và năng lực vay vốn của người dân sẽ biến động tích cực hơn.
Bên cạnh đó, Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn cũng vừa được chấp thuận kéo dài đến ngày 31/12/2024, giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới. Tuy nhiên, trong một môi trường kinh doanh luôn biến động nhanh như hiện nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 14 - 15% không dễ đạt được.
Dự báo được một chuyên gia tài chính - ngân hàng đưa ra, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng trong năm có thể chỉ khoảng 11 - 12%...
Trong bối cảnh đó, ngân hàng nào có mức tăng trưởng tín dụng thấp 6 tháng đầu năm sẽ muốn đẩy mạnh trong các tháng còn lại. Vì vậy, vị chuyên gia trên cho rằng, có thể sự cách biệt trong bức tranh tăng trưởng giữa các tổ chức tín dụng 6 tháng đầu năm sẽ giảm dần nửa cuối năm. Tuy vậy, lãi suất vay không nhất thiết biến động cùng chiều với lãi suất huy động, mà còn bởi nhiều yếu tố khác, tùy vào mục tiêu và năng lực của mỗi ngân hàng, vào ý chí và sự điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.