Nhu cầu tín dụng sẽ tăng
Giai đoạn 2014 - 2023, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, dưới 3%. Trong 4 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,81% so với cùng kỳ năm 2023, vẫn trong tầm kiểm soát (lạm phát mục tiêu bình quân năm 2024 là 4 - 4,5%).
Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thực tế, cơ quan này tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm thêm lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Từ đầu năm 2024 đến nay, lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng xoay quanh 5%/năm, giảm mạnh so với mức bình quân năm 2023. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở mức thấp đã kéo tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn có xu hướng tăng, bên cạnh tác động của công nghệ thanh toán và hành vi khách hàng thanh toán phi tiền mặt gia tăng.
Dự báo, chi phí vốn của ngân hàng có thể được duy trì ở mức thấp trong một thời gian nữa, tạo điều kiện giảm lãi suất đầu ra, qua đó đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế.
Nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân hiện tương đối ổn định, nhất là đối với mục đích mua nhà, song do tác động của kinh tế khó khăn, thu nhập bị ảnh hưởng nên tín dụng phân khúc này khó kỳ vọng tăng cao. Đối với doanh nghiệp, lĩnh vực xuất khẩu dần hồi phục nên nhu cầu tín dụng bắt đầu quay trở lại. Nhu cầu vốn dự kiến sẽ được cải thiện mạnh mẽ nếu mặt bằng lãi suất cho vay giảm thêm.
Lãi suất cho vay bình quân các hợp đồng giải ngân trong tháng 3/2024 của BIDV là 6,49%/năm, Vietcombank là 6,4%/năm, Agribank là 7,47%/năm, VietinBank là 6,3%/năm, Sacombank là 7,09%/năm, ACB là 6,78%/năm, Eximbank là 7,76%/năm, TPBank là 7,4%/năm, SHB là 7,9%/năm…
Trước đó, trong tháng 1/2024, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,8 - 10,1%/năm.
Tín dụng đã tăng trưởng dương trở lại trong tháng 3 và 4/2024, sau khi tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm. Tính đến cuối tháng 4/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 1,52%, tuy thấp so với mức định hướng tăng trưởng cả năm là 14 - 15%, nhưng kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm (năm 2023, tín dụng tăng trưởng 13,71%, tập trung vào cuối năm).
Cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn, nhưng cần lưu ý nợ xấu
Cuối năm 2023, lượng tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng đạt mức cao kỷ lục là 13,5 triệu tỷ đồng, dù lãi suất giảm mạnh. Mặc dù vậy, mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp kéo dài khiến một phần dòng tiền chực chờ chảy vào các kênh đầu tư khác.
Trong các kênh đầu tư phổ biến, thị trường bất động sản gần đây có chuyển động tích cực hơn, nhưng không dễ phục hồi ngay. Giá vàng trong nước tăng nóng và có mức chênh rất cao so với giá vàng thế giới, khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Trong khi đó, chứng khoán được xem là kênh đầu tư hấp dẫn, nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Ngành ngân hàng có triển vọng tăng trưởng, nhưng nợ xấu là vấn đề cần lưu ý. Tính đến cuối quý I/2024, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tại nhiều nhà băng tăng so với cuối năm 2023 như MSB tăng từ 2,87% lên 3,18%, Eximbank tăng từ 2,65% lên 2,86%, VietinBank tăng từ 1,13% lên 1,35%, Vietcombank tăng từ 0,99% lên 1,22%, ACB tăng từ 1,22% lên 1,47%, MB tăng từ 1,6% lên 2,5%, ABBank tăng 2,91% lên 3,92%...
Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đang được đề xuất gia hạn hiệu lực thêm 6 tháng, tức kéo dài đến hết năm 2024, nên doanh nghiệp có thêm thời gian để trả nợ và ngân hàng được gia hạn nhóm nợ. Nợ xấu không bị nhảy nhóm nên ngân hàng không phải gia tăng trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, nếu kinh tế không hồi phục rõ nét, sức khỏe doanh nghiệp vẫn còn yếu, khả năng trả nợ chưa cao, thì khi Thông tư 02 hết hiệu lực, ngành ngân hàng khó có thể tránh khỏi nợ xấu tiếp tục tăng. Vì thế, ngay từ bây giờ, các ngân hàng cần tập trung kiểm soát nợ xấu, nỗ lực xử lý thu hồi nợ và gia tăng trích lập dự phòng.