Lãi suất giảm không đều
Mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm nhẹ sau quyết định hạ lãi suất điều hành lần thứ 2 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi thanh khoản của hệ thống đang dư thừa, còn tín dụng tăng trưởng ì ạch.
NHNN tiếp tục không thực hiện giao dịch trên thị trường mở, nhưng liên tục mua vào ngoại tệ trong 2 tuần trở lại đây, đồng nghĩa một lượng lớn tiền đồng được bơm vào hệ thống ngân hàng.
Với việc thanh khoản dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đi ngang ở mức 0,26%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,35%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng trì trệ và các doanh nghiệp tiếp tục lao đao trước làn sóng Covid-19 thứ 2, NHNN đã ban hành văn bản số 5596/NHNN-VP yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất với cả các khoản vay hiện hữu và vay mới.
Lãi suất tiền gửi sau các đợt giảm mạnh và đồng loạt trong tháng 6, 7 hiện đã chững lại ở mức 3,15-4,25%/năm với kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-6,5%/năm với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng và 5- 7,3%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.
Tuy nhiên, mức giảm lãi suất của các ngân hàng là không đồng đều, thậm chí có ngân hàng chỉ giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn, trong khi các kỳ hạn trên 12 tháng vẫn neo ở mức khá cao.
Khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, hiện mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường có thể chia thành 3 nhóm.
Thứ nhất là tại 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối với mức lãi suất khá tương đồng và đang ở mức thấp nhất trên thị trường hiện nay.
Cụ thể, ngày 10/8, nhóm ngân hàng này đồng loạt giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ 3,7%/năm xuống 3,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng từ 4%/năm xuống 3,8%/năm, kỳ hạn 9 tháng từ 4,6%/năm xuống 4,5%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng giữ nguyên ở mức 4,4%/năm và 6%/năm và các kỳ hạn trên 12 tháng đến 24 tháng đều giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.
Thứ hai là nhóm ngân hàng cổ phần có quy mô lớn, với mức lãi suất huy động cao nhất từ 6,4-6,8%/năm với các kỳ hạn trên 24 tháng trở lên.
Đơn cử, VPBank công bố biểu lãi suất huy động mới nhất cho khách hàng cá nhân được điều chỉnh giảm đồng loạt 0,1 điểm phần trăm tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Với tiết kiệm thường, VPBank niêm yết lãi suất kỳ hạn 1-36 tháng theo hạn mức tiền gửi: Nhỏ hơn 300 triệu đồng lãi suất từ 3,5-5,9%/năm; từ 300 triệu đến dưới 3 tỷ đồng là 3,6-6,1%/năm; từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng là 3,7-6,1%/năm; từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng là 3,7-6,2%/năm) và từ 50 tỷ đồng trở lên là 3,7-6,4%/năm).
Tại VIB, khung lãi suất dao động trong phạm vi 3,9-6,8%/năm. Cụ thể, khi gửi tiền tiết kiệm tại kì hạn từ 1-5 tháng, khách hàng sẽ được hưởng chung lãi suất tiền gửi là 3,95%/năm; 6 tháng là 6%/năm không phân biệt số tiền gửi.
Kỳ hạn 12 và 13 tháng được áp dụng chung mức 6,69%/năm áp dụng với khoản tiền gửi mới từ 500 tỷ đồng trở lên.
Gửi tiết kiệm kỳ hạn 15 tháng, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 6,1-6,3%/năm; 18 tháng là 6,3-6,5%/năm tùy thuộc vào số tiền gửi; hai kỳ hạn dài nhất là 24 tháng và 36 tháng được VIB áp dụng cùng mức lãi suất 6,6-6,8%/năm.
Thứ ba là các ngân hàng cổ phần vừa và nhỏ với mức lãi suất cao nhất lên tới 8,5%/năm. Đơn cử, BAC A BANK đang trả lãi suất cao nhất là 7,1%/năm cho các kỳ hạn 12-36 tháng.
Các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 6-8 tháng được hưởng lãi suất 6,8%/năm, kỳ hạn 9-11 tháng là 6,9%/năm.
Hay như Viet Capital Bank đang áp dụng lãi suất 7,3%/năm cho kỳ hạn 12-18 tháng; 7,4%/năm cho kỳ hạn 24 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn trên 36 tháng.
Đáng chú ý, Viet Capital Bank áp mức lãi suất cao nhất là 8,5%/năm với điều kiện số tiền gửi trên 500 tỷ đồng ở kỳ hạn 13 tháng.
Sẽ còn phân hóa
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, mặc dù thanh khoản của hệ thống đang dư thừa, nhưng mức độ là không đồng đều, tập trung chủ yếu ở các ngân hàng lớn.
Bên cạnh đó, các ngân hàng nhỏ còn gặp nhiều bất lợi trong việc huy động vốn do uy tín, thương hiệu yếu hơn và mạng lưới cũng không phủ rộng như các ngân hàng lớn.
“Để có thể huy động được vốn, các ngân hàng nhỏ thường phải trả lãi suất cao hơn so với các ngân hàng lớn”, TS. Hiếu nói.
Ngoài các yếu tố trên, sự phân hóa về lãi suất còn do tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm của các ngân hàng không đồng đều, bởi có ngân hàng tín dụng chỉ tăng trưởng ở mức rất thấp, thậm chí còn tăng trưởng âm.
Đơn cử, tại BAC A BANK, tín dụng 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 1,48%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,21%. Ngay cả “ông lớn” Vietcombank tăng trưởng tín dụng 6 tháng cũng chỉ ở mức 4,9%, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ 2019 (đạt 10,1%), trong khi huy động tiền gửi tăng 5,7%.
Hay như VPBank, tín dụng tăng 5% trong nửa đầu năm nay, giảm đáng kể so với mức 11,56% của cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, cũng có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng tích cực trong bối cảnh dịch bệnh như LienVietPostBank ở mức gần 8,4%.
“Tình trạng dư thừa thanh khoản của từng ngân hàng phụ thuộc lớn vào đầu ra tín dụng, lãi suất tiền gửi có thể phân hóa và kéo rộng khoảng cách giữa các nhóm ngân hàng. Trong đó, các ngân hàng có đầu ra tín dụng yếu có thể giảm tiếp lãi suất, đặc biệt là các kỳ hạn ngắn”, báo cáo về thị trường tiền tệ của Công ty Chứng khoán SSI nhận định.
Nhận định này là có cơ sở bởi NHNN đã chính thức ban hành Thông tư số 08/2020/TT-NHNN vào ngày 14/8/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cụ thể, vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn theo lộ trình sau: Từ 1/1/2020 đến 30/9/2021 là 40%; từ 1/10/2021 đến 30/9/2022 là 37%; từ 1/10/2022 đến 30/9/2023 là 34% và từ 1/10/2023 là 30%. Thông tư này có hiệu lực từ 1/10/2020.
“Việc lùi lộ trình đối với tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung - dài hạn là cần thiết để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm tiếp mặt bằng lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch”, TS. Hiếu nói.