Mặt bằng lãi suất cao làm xói mòn năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt

0:00 / 0:00
0:00
Môi trường lãi suất cao đang là yếu tố rủi ro lớn đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ quan điểm cá nhân.
Tọa đàm Tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023

Tọa đàm Tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023

Rất khó đạt được 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025; không thể thúc đẩy người dân, doanh nghiệp bỏ tiền vào đầu tư, kinh doanh; tăng rủi ro cho doanh nghiệp… là hệ quả đang được TS. Nguyễn Tú Anh dự liệu khi mặt bằng lãi suất neo cao.

“Thành lập doanh nghiệp là 1 dạng khởi nghiệp, đầy rủi ro. Môi trường lãi suất cao sẽ không khuyến khích thành lập doanh nghiệp, người có tiền gửi lãi suất ngân hàng. Trong môi trường lãi suất cao, rủi ro với doanh nghiệp đang hoạt động cũng tăng lên, nên khả năng tiếp cận vốn sẽ giảm đi, ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư…”, TS. Nguyễn Tú Anh phân tích tại Tọa đàm Tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023 do Viện Nghiên cứu chính sách (VEPR) của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia) tổ chức hôm nay, 11/5.

Như vậy, có thể thấy, lãi suất ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, ảnh hưởng đến nhu cầu kinh doanh, ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư, ảnh hưởng đến thị trường vốn. Đó là 4 kênh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế.

Đặt trong bối cảnh kinh tế 4 tháng đầu năm đang có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng, nhất là ở các trung tâm công nghiệp, đặc biệt là trung tâm chế xuất, xuất khẩu của Việt Nam, các động cơ chính, trung tâm động lực của nền kinh tế Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Đang có câu hỏi đặt ra rằng, đây là một tình huống cá biệt hay là một xu hướng. Nếu là xu hướng từ cao chuyển xuống thấp thì vấn đề rất lớn”, chuyên gia Nguyễn Tú Anh chia sẻ quan điểm cá nhân.

Tuy nhiên, câu hỏi có dư địa để giảm lãi suất không lại đang có nhiều ý kiến, nhất là khi lạm phát dù được kiểm soát, nhưng đang trong xu thế tăng.

TS. Tú Anh có quan điểm thẳng thắn, dư địa có, khi trong vòng 10 năm nay, Việt Nam chủ yếu là thặng dư cán cân vãng lai, tức là Việt Nam là nước xuất khẩu vốn.

Trong 2 năm 2021 và 2022 do phải chi phí cho nhập khẩu thuốc và thiết bị phòng chống dịch Covid và chi phí vận tải tăng vọt nên cán cân vãng lai trở nên bị âm, nhưng về xu hướng dài hạn thì Việt Nam sẽ vẫn thặng dư cán cân vãng lai và vẫn là nước xuất khẩu vốn.

Như vậy, ông cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có dư địa để giảm lãi suất khi ở vị thế một nước xuất khẩu vốn.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất hiện nay rất cao. Theo số liệu của NHNN thì dư nợ tín dụng bình quân trong cả năm 2022 là 1.135.100 tỷ đồng với lãi suất cho vay bình quân là 10%/năm. Ông Tú Anh tính toán, riêng chi phí lãi vay các doanh nghiệp và người dân Việt Nam đã phải chịu ít nhất là 1.135.091 tỷ đồng tương đương với 12% GDP của Việt Nam năm 2022.

TS. Nguyễn Tú Anh
TS. Nguyễn Tú Anh

“Nếu lãi suất cho vay giảm 1 điểm phần trăm thì hỗ trợ cho nền kinh tế sẽ lên tới hơn 113.000 tỷ đồng, lớn hơn các gói của Chương trình phục hồi”, ông Tú Anh phân tích.

Thêm vào đó, ông cũng đang trăn trở với tình hình tín dụng tăng thấp, cung tiền cũng có tốc độ tăng thấp kỷ lục trong 3 tháng đầu năm (trong khoảng 3,4% - 4,3%). Tốc độ tăng cung tiền giảm một mặt phản ánh sự sụt giảm mạnh trong tín dụng, mặt khác cũng phản ánh các nhu cầu về tiền cho chi tiêu của Chính phủ và người dân giảm.

“Từ năm 2016, cung tiền của Việt Nam luôn có xu hướng đi xuống, nhưng giảm không nhiều, nhưng từ năm 2020, tốc độ tăng cung tiền lao dốc. Chúng ta nói nhiều phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng và lạm phát. Nhưng tín dụng có phải là toàn bộ nguyên nhân gây lạm phát? Câu trả lời là không hẳn, tăng cung tiền mới là tạo ra lạm phát, còn tín dụng là 1 yếu tố của cung tiền", ông Tú Anh phân tích và cho rằng, cần phải giải bài toán tăng cung tiền.

Để so sánh, TS. Nguyễn Tú Anh lấy môi trường lãi suất của Trung Quốc. Theo đó, lãi suất đã giảm mạnh từ 7/2021 đến nay, lãi suất cho vay bình quân gia quyền tại Trung Quốc tháng 12/2022 là 4,14% và trong giai đoạn 12/2008-12/2022 lãi suất cho vay bình quân tại Trung Quốc cũng chỉ là 5,62%.

Điều đáng nói đó là từ khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì lãi suất cho vay tại Trung Quốc liên tục giảm và giảm khá nhanh qua đó thực sự giúp các doanh nghiệp Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19.

“Họ có bị áp lực tín dụng như chúng ta không? Có, cao hơn nhiều. Năm 2020, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam là 150% (tính theo GDP mới). Tại thời điểm đó, ở Trung Quốc, tỷ lệ này là 182%. Hiện nay, tỷ lệ này là 279,7%. Tuy nhiên, ở Việt Nam, quý IV/2022, khi doanh nghiệp bắt đầu khó khăn thì lãi suất lại tăng cao”, ông Tú Anh phân tích và đặt câu hỏi, có cửa nào để doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc không.

Về chi phí vốn, doanh nghiệp Việt Nam không có cửa cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc; công nghệ cũng không; lợi thế kinh tế nhờ quy mô không có; lợi thế kinh tế nhờ các liên kết ngành tạo ra các vùng công nghiệp lớn cũng không có; chi phí logistics càng không thể cạnh tranh được.

Nghĩa là, cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc hoàn toàn bằng không, nguy cơ. Ông Tú Anh lo ngại, nếu doanh nghiệp Việt Nam về ngắn hạn và dài hạn đều không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp Trung Quốc, thì năng lực cạnh tranh cả nền sản xuất hàng hóa của Việt Nam cũng sẽ rất khó khăn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt vượt qua, khi mà sức khỏe đang yếu, TS. Nguyễn Tú Anh khuyến nghị, cần có chính sách quyết liệt giữa ngành ngân hàng, tài chính để về mặt ngắn hạn đến trung hạn phải đưa được mặt bằng lãi suất Việt Nam giảm xuống thì mới nâng được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

"Có vậy mới có được tốc độ tăng trưởng đâu đấy khoảng 6-7% trong năm nay", ông Tú Anh nhấn mạnh.

Tin bài liên quan