Mặt bằng bán lẻ lấy lại phong độ

Mặt bằng bán lẻ lấy lại phong độ

(ĐTCK) Sau thời gian dài ủ rũ, thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội đã dần lấy lại phong độ.

Nguồn cung mặt bằng bán lẻ Hà Nội tăng mạnh 18% trong quý III/2013, nhưng công suất thuê trung bình cũng tăng 3% so với quý trước và 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, sau thời gian dài ủ rũ, thị trường mặt bằng bán lẻ đã dần lấy lại phong độ.

Cung tăng, cầu cũng tăng

Theo đánh giá của ông Richard Leech, Giám đốc điều hành của CBRE, thị trường bán lẻ Việt Nam đang có những dấu hiệu tích cực khi nhiều thương hiệu bán lẻ quốc tế muốn mở rộng kinh doanh.

Auchan, một trong những chuỗi đại siêu thị lớn nhất thế giới của Pháp đang cân nhắc đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 10 năm tới. Trong tháng 7, tập đoàn thức ăn nhanh lớn nhất thế giới, McDonald tuyên bố lựa chọn đối tác nhượng quyền thương mại để phát triển thương hiệu này tại Việt Nam . Cửa hàng đầu tiên của McDonald tại Việt Nam dự kiến sẽ mở cửa vào đầu năm 2014. Starbucks & Burger King cũng có kế hoạch tiếp tục mở rộng tại thị trường Hà Nội.

Một tin tích cực khác là Sài Gòn Co.op được đánh giá là một trong 500 nhà bán lẻ tốt nhất tại châu Á. Siêu thị thứ 2 của chuỗi siêu thị Co.op mart tại Hà Nội sẽ được khai trương vào cuối năm 2013 với tổng diện tích khoảng 10.000 m2. Ngoài ra, Sài Gòn Co.op và nhà bán lẻ Singapore Fairprice cũng đã nhận được giấy phép liên doanh và nhiều khả năng sẽ mở 2 siêu thị Co.opXtra và Co.opXtraPlus trong năm 2014.

Mặt bằng bán lẻ lấy lại phong độ ảnh 1

Giá thuê tầng trệt của các trung tâm thương mại ngoài trung tâm tăng 23,7% trong quý III/2013 - Ảnh minh họa: Internet

Ông Richard Leech cũng cho biết, một nhà đầu tư Nhật Bản đã mua 10% cổ phần, trị giá khoảng 3 triệu USD và một quỹ quốc tế cũng đã đầu tư 4,2 triệu USD để mua 18,5% cổ phần của một công ty cung cấp điện máy lớn trong nước.

Những động thái trên cho thấy niềm tin của các thương hiệu bán lẻ quốc tế đối với thị trường bán lẻ Việt Nam , đồng thời cũng tạo điều kiện cho thị trường phát triển hơn nữa.

Trước xu hướng này, các chủ đầu tư mặt bằng bán lẻ Việt Nam đã có những động thái đón đầu. Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall - Royal City với tổng diện tích sàn lên tới 230.000 m2 đã được Vingroup chính thức khai trương. Dự án quy mô lớn này không những khiến tổng nguồn cung tăng mạnh, mà còn đem đến thị trường Hà Nội một mô hình mua sắm và giải trí mới đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Sau Vincom Mega Mall - Royal City , Vingroup sẽ tiếp tục giới thiệu một dự án trung tâm thương mại ngầm khác là Vincom Mega Mall - Times City giai đoạn 1. Với 80 nhà hàng rộng 12.200 m2, Thủy cung Vinpearl Aquarium rộng 4.000 m2, Vinpearl Games 2.000 m2, Platinum Cineplex 5.400 m2, Vincom Mega Mall - Times City sẽ đem đến cho người dân Hà Nội một sân chơi kết hợp giữa mua sắm và giải trí tiếp theo.

Thị trường Hà Nội cũng được dự báo đang có nguồn cung lớn vào dịp cuối năm nay với khoảng 400.000 m2 từ 9 dự án.

 

Chất lượng tạo nên sự khác biệt

Theo nghiên cứu của CBRE, công suất thuê trung bình của toàn thị trường trong quý III/2013 đạt khoảng 88%, tăng 3% so với quý trước và 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ dự án mới có tỷ lệ lấp đầy cao, tới gần 90%, giúp tỷ lệ lấp đầy trung bình của trung tâm thương mại tăng 4% so với quý trước, đạt 89%. Trong khi đó, trung tâm mua sắm tổng hợp có tỷ lệ lấp đầy khoảng 77%, giảm nhẹ 2% so với quý trước và giảm mạnh 18% so với cùng kỳ năm ngoái do một số khách thuê đóng cửa.

Giá thuê trung bình của toàn thị trường đạt khoảng 46 USD/m2/tháng, giảm 8,2% so với quý trước. Giá thuê trung bình tầng trệt của các trung tâm mua sắm tại khu vực trung tâm giảm 2%, đạt 89,7 USD/m2/tháng, trong khi tăng 23,7% tại khu vực ngoài trung tâm, đạt 38,5 USD/m2/tháng. Tuy nhiên, nếu không tính Royal City , giá thuê của trung tâm thương mại tại khu vực ngoài trung tâm giảm 1%. Giá thuê của trung tâm thương mại tổng hợp giảm 1,8% do giá thuê giảm tại Parkson Keangnam, trong khi giá thuê của khối đế bán lẻ không biến động nhiều.

Theo ông Richard Leech, trong quý III/2013, thị trường mặt bằng bản lẻ Hà Nội có 519 cửa hàng mở mới, trong khi có 220 cửa hàng đóng cửa. Khách thuê có xu hướng chuyển từ các dự án cũ tới các trung tâm thương mại mới mở cửa. Trong đó, có tới 33% các cửa hàng mới mở thuộc ngành ẩm thực. Đặc biệt, vị trí cửa hàng ở góc phố tiếp tục được các thương hiệu nước ngoài nhắm đến để mở rộng kinh doanh.

"Dù lượng cung tương lai được dự báo tăng mạnh, nhưng số lượng không phải lúc nào cũng là quan trọng, mà chất lượng mới tạo nên yếu tố khác biệt", ông Richard Leech nhấn mạnh.