Sôi động cuộc đua thâm nhập thị trường
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tính đến tháng 9/2018 của Việt Nam tăng trưởng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế, thị trường bán lẻ đang trên đà tăng trưởng tại Việt Nam có sức hấp dẫn lớn với các doanh nghiệp ngoại. Một loạt các nhà bán lẻ nổi tiếng đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Pháp đã “đổ xô” vào Việt Nam nhằm tranh giành thị phần.
Trong đó, không thể không nhắc tới những dấu mốc quan trọng tại thị trường Việt Nam đối với các nhà bán lẻ ngoại. Vào cuối năm 2014, Berli Jucker Plc (BJC) thâu tóm Metro Cash & Carry Vietnam với giá 655 triệu euro, trở thành thương vụ M&A lớn nhất cho tới thời điểm đó, đánh dấu sự hiện diện của doanh nghiệp Thái Lan tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Sau đó không lâu, một ông lớn khác từ Thái Lan - Central Group cũng thâu tóm Nguyễn Kim và tiếp theo là BigC.
Tháng 10/2015, Emart - nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc đã chính thức bước chân vào TP.HCM khi ra mắt khu trung tâm mua sắm trị giá 60 triệu USD. Chưa kể, Lotte Mart đã khá thành công tại đây với 11 siêu thị và có kỳ vọng gia tăng thị phần với con số 60 cửa hàng cho đến năm 2020.
Phần lớn các nhà đầu tư Nhật Bản xem sự thành công của Aeon tại Việt Nam là một dấu hiệu tích cực. Aeon đã mở cửa 4 trung tâm thương mại tại Việt Nam và tham vọng gia tăng con số này lên 20 vào năm 2020. Trong khi đó, Trung tâm Thương mại Saigon Centre tại TP.HCM đã chào đón sự ra đời của vị khách thuê chủ chốt - Takashimaya vào tháng 7/2016.
Ra mắt thêm 3 cửa hàng Simply Mart tại TP.HCM, AuchanSuper - thương hiệu bán lẻ đến từ Pháp cũng có kế hoạch mở thêm 17 chuỗi siêu thị đến cuối năm sau tại Sài Gòn và 20 cửa hàng đến năm 2020 ở các tỉnh khu vực phía Bắc.
Các nhãn hiệu thời trang lớn như Gap, Mango, Topshop đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ Việt Nam. Đầu tháng 9/2016, Zara đã khai trương cửa hàng flagship đầu tiên tại TP.HCM, sau đó là Hà Nội. Không chỉ Zara, H&M cũng đã hoàn tất thủ tục tiến quân về Việt Nam trong năm 2017.
Nhân tố cốt lõi phát triển ngành bán lẻ
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng phòng Nghiên cứu, Savills TP.HCM nhận định, nhân tố cốt lõi của sự phát triển ngành bán lẻ Việt Nam là người tiêu dùng đang có xu hướng thay đổi nhanh chóng về hành vi. Điều này buộc các nhà phát triển bán lẻ cần phải thấu hiểu và nắm bắt được xu hướng để đưa ra ý tưởng phát triển về kiến trúc dự án, cũng như cơ cấu khách thuê phù hợp.
Cùng chung nhìn nhận, báo cáo của JLL chỉ ra mức thu nhập khả dụng tăng, tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu đã thúc đẩy Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, lượng du khách quốc tế ngày càng tăng và yếu tố cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải thiện giúp Việt Nam trở thành miếng bánh hấp dẫn đối với nhiều nhà bán lẻ. Trong bối cảnh này, nguồn cung và cầu mặt bằng bán lẻ khả quan ở TP.HCM và Hà Nội trong quý III/2018 báo hiệu triển vọng khả quan cho thị trường mặt bằng bán lẻ từ nay đến đầu năm 2019.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng, không ít dự án phải đóng cửa hoặc giảm diện tích bán lẻ, nhất là phân khúc trung tâm bách hóa. Không ít trung tâm thương mại phải cải tạo lại kiến trúc, không ngừng làm mới và đưa ra nhiều chương trình/sự kiện giảm giá để thu hút người mua sắm, từ đó cải thiện tình hình kinh doanh. Sự phát triển của thương mại điện tử cũng là một thách thức cho các nhà đầu tư phát triển diện tích bán lẻ.
Trong cuộc đua tranh giành thị phần mặt bằng bán lẻ, nhiều người lo lắng về sự “yếu thế” của nhà đầu tư nội trước bước tiến của các ông lớn từ Nhật Bản và Thái Lan. CEO JLL cho rằng, lo lắng là tất yếu vì người tiêu dùng hiện đại có thói quen mua sắm thông minh, chất lượng và mẫu mã đa dạng sẽ là tiêu chí ưu tiên chọn lựa, mà hai tiêu chí này hoàn toàn là lợi thế của các nhà bán lẻ ngoại, trong khi là hạn chế của nhiều nhà bán lẻ nội.
Theo quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị và trung tâm thương mại của Bộ Công thương đến 2020, tầm nhìn đến 2030, tỷ trọng bán lẻ hàng hóa qua mạng lưới siêu thị cũng như trung tâm thương mại đến năm 2018 chỉ chiếm 30% và đạt 45% đến 2020. Hiện nay, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn trên phạm vi cả nước, đặc biệt là tại các địa bàn không thuộc Hà Nội và TP.HCM.