Mất 400 ngày để giải quyết một vụ tranh chấp kinh tế

Hiện việc giải quyết một vụ án tranh chấp kinh tế ở nước ta mất rất nhiều thời gian, có những vụ kéo dài tới mấy năm, dù tình tiết không có gì phức tạp. Điều này ảnh hưởng lớn tới năng lực cạnh tranh của Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ ngại ngần khi đầu tư vì sợ khi xảy ra tranh chấp sẽ chậm được phán xử, làm mất cơ hội làm ăn của họ.

Kiến nghị rút ngắn thời gian xét xử, áp dụng các thủ tục tố tụng rút gọn được đưa ra tại nhiều hội thảo góp ý cho Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi

Kiến nghị rút ngắn thời gian xét xử, áp dụng các thủ tục tố tụng rút gọn được đưa ra tại nhiều hội thảo góp ý cho Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi

Không cải cách tư pháp khó tăng năng lực cạnh tranh

Ông Tưởng Duy Lượng, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, đồng thời là chuyên gia của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đã cung cấp một thông tin giật mình: "Hiện nay, ở nước ta, để giải quyết một vụ tranh chấp kinh tế trung bình mất khoảng thời gian 400 ngày để ra được bản án, đó là chưa kể có bản án rồi thì thời gian thi hành án cũng rất lâu, có những vụ việc tới mấy năm chưa thi hành được. Trong khi ở Singapore, kể từ khi thụ lý vụ kiện đến khi thi hành xong bản án chỉ có 150 ngày".

Cũng theo ông Lượng, giải quyết tranh chấp hợp đồng được Ngân hàng Thế giới xác định là một trong 10 chỉ số đo lường môi trường kinh doanh. Để cải thiện môi trường kinh doanh, ngoài việc rút ngắn thời gian và thủ tục trong việc lập doanh nghiệp, thì việc giải quyết các tranh chấp kinh tế phát sinh với thời gian nhanh nhất và chi phí thấp nhất cũng góp phần đắc lực để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Luật sư Hoàng Ngọc Thanh Bình, Đoàn luật sư TP. Hà Nội ước tính, thời gian từ khi nộp đơn khởi kiện đến xét xử sơ thẩm có thể kéo dài 16-18 tháng, phúc thẩm có thể phải mất thêm 14 tháng, tức tổng cộng là 30 tháng đối với tranh chấp thương mại và đến 32 tháng đối với tranh chấp dân sự. Đó là chưa kể đến thời gian giám định, khoảng cách của các lần triệu tập lấy lời khai, hòa giải, xét xử... Ngay cả khi vụ án đã được đưa ra xét xử nhưng phiên tòa vẫn có thể bị tạm ngừng mà không biết bao giờ mới được mở lại. Có nhiều vụ việc kéo dài hơn 30 tháng cho việc xét xử sơ thẩm mà tòa án không đưa ra một căn cứ hợp lý nào. Bên cạnh đó, lỗi vi phạm tố tụng của chính thẩm phán phụ trách cũng rất phổ biến, khiến số lượng án bị hủy bởi giám đốc thẩm ngày một tăng, khi án hủy thì đương sự là người phải hứng chịu. Có những vụ án kéo dài 15 năm do lỗi vi phạm tố tụng của các thẩm phán nhưng chưa có quy định nào của pháp luật xác định trách nhiệm bồi thường của cơ quan tiến hành tố tụng…

“Tất cả những điều này làm nản lòng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI khiđầu tư vào Việt Nam, bởi khi xảy ra tranh chấp thì chẳng biết bao giờ mới được phán xử”, luật sư Bình nói.

Tòa án chưa đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin

Hiện nay, hầu hết các ngành đều đưa ứng dụng thông tin vào hoạt động. Ngân hàng thì có ứng dụng Internet Banking, chuyển tiền hàng tỷ đồng chỉ cần ngồi tại nhà thao tác trên máy tính. Cơ quan thuế đang triển khai rầm rộ nộp thuế điện tử (tới nay đã có 95% doanh nghiệp kê khai nộp thuế điện tử). Hải quan cũng vậy, đã kết nối thông quan bằng máy tính, giảm tới 80% thủ tục so với trước. Các cơ quan hành chính đang triển khai chính phủ điện tử, trả lời người dân, thông báo kết quả qua mạng…

Riêng có ngành tòa án hầu như không áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, vẫn áp dụng phương thức quản lý theo sổ sách. Hiện nay, người dân phải đến tòa nộp đơn, tòa thông báo tới đương sự bằng giấy tờ, chưa có quy định về việc tiếp nhận đơn kiện gửi qua mạng, chưa có việc tống đạt giấy mời, quyết định qua mạng.

Nhìn ra các nước ASEAN, 6 nước dẫn đầu khu vực về năng lực cạnh tranh là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Brunei, Philippines đã áp dụng mô hình tòa án điện tử. Ở các quốc gia này đã áp dụng phương thức nộp hồ sơ khởi kiện trực tuyến, thanh toán án phí trực tuyến, thông báo tình trạng xử lý vụ án, công khai bản án và gửi bản án cho đương sự qua hệ thống điện tử.

Ở nước ta, cũng đã có nhiều tòa án xây dựng trang web, nhưng hầu hết chỉ để đưa tin hoạt động nội bộ, chưa dùng hệ thống mạng để phục vụ công việc chuyên môn. Chưa thấy trang Web nào của tòa án có hướng dẫn thủ tục cho người dân khi nộp đơn khởi kiện, thậm chí đến lịch xét xử cũng không thông báo. Đây là một sự lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước, ảnh hưởng tới sự công khai minh bạch trong thụ lý giải quyết vụ án.

“Nếu vụ việc ngay từ khi thụ lý đã được đưa lên mạng, quá trình giải quyết được thông báo tới đương sự công khai, người dân có thể theo dõi được vụ việc, đánh giá được sự khách quan trong giải quyết vụ việc, như vậy vừa đỡ được công sức đi lại của đương sự và các bộ phận chức năng của tòa, vừa giúp cho việc giám sát quá trình xét xử tốt hơn, bớt đi án oan sai”, luật sư Nguyễn Chính, Đoàn luật sư TP.HCM nhận xét.

Tin bài liên quan