Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Thái Nguyên tổ chức cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cho rằng chưa bao giờ Thái Nguyên đứng trước cơ hội chuyển mình về mô hình tăng trưởng lớn như lúc này.
“Với đầy đủ tiềm năng, thế mạnh, Thái Nguyên hoàn toàn có thể trở thành một cực tăng trưởng của miền Bắc và cả nước. Thái Nguyên từng là biểu tượng của công nghiệp nặng Việt Nam, tiếp nối truyền thống đó, Thái Nguyên đã, đang và sẽ tiếp tục chuyển đổi, khai thác hết các tiềm năng và cơ hội để phát triển vượt bậc cả về tốc độ, quy mô và chất lượng”, Thủ tướng khẳng định.
Từ thép Thái Nguyên tới những tổ hợp công nghiệp lớn…
Biểu tượng công nghiệp nặng của Thái Nguyên được Thủ tướng đề cập chính là thương hiệu một thời “thép Thái Nguyên”. Với tiềm năng lớn về khoáng sản từ sắt, mangan, titan và kim loại mầu như chì, kẽm, đồng, niken, nhôm, thiếc, vonfram, altimoan, vàng, thuỷ ngân..., Thái Nguyên sớm được chọn để đặt những nhà máy thép đầu tiên của Việt Nam.
Nhưng tiếc rằng, phải tận đến năm 2010, ngành khai khoáng của Thái Nguyên mới được nhắc tới một lần nữa khi dự án Núi Pháo được khởi động bởi một tập đoàn kinh tế lớn trong nước là Masan.
Nhớ lại những ngày này, TS. Nguyễn Đăng Quang chia sẻ rằng, đây là một dự án đầy thách thức, nhưng với khát khao đánh thức tiềm năng của mỏ khoáng sản vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc, cùng với sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân Thái Nguyên, Masan đã quyết tâm làm bằng được với một tinh thần Việt “Vietnam Can Do”.
“Qua 8 năm, hàng ngàn nhân viên Masan tự hào đã góp phần đánh thức mỏ Núi Pháo và đưa vào vận hành thành công mỏ vonfram lớn nhất thế giới của Việt Nam. Chúng tôi đã thực thi xuất sắc để trở thành nhà cung cấp các sản phẩm công nghiệp, chế biến sâu vonfram lớn nhất ngoài Trung Quốc với doanh thu năm 2018 dự kiến là 8.000 tỷ đồng, chiếm 36% thị phần vonfram ngoài Trung Quốc và đã đóng góp gần 3.200 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2015 - 2017”, TS. Nguyễn Đăng Quang nói và cho biết: “Không những vậy, chúng tôi còn đóng góp hàng năm 1 triệu USD vào các chương trình an sinh xã hội tại tỉnh Thái Nguyên”.
Với Núi Pháo, Thái Nguyên không chỉ được đánh dấu vào bản đồ vonfram thế giới với tư cách một “thủ phủ” cung cấp những sản phẩm chế biến sâu, đồng thời cũng tạo nên một biểu tượng về phát triển công nghiệp gắn với phát triển bền vững, xác lập một chuẩn mực mới trong trong ngành khai thác khoáng sản tại Việt Nam.
Đi qua mỏ Núi Pháo ngày hôm nay là hình ảnh những đồi núi đang được phủ xanh bên cạnh một tổ hợp công nghiệp hiện đại, chứ không phải là những dãy núi bị đào khoét nham nhở theo cách thức khai thác lạc hậu.
TS. Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan phát biểu tại Hội nghị
“Chúng tôi đã đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu tái định cư như Nam Sông Công, Hùng Sơn 3 và Đồng Bông. Các khu tái định cư này được đánh giá là cảnh quan đẹp và có cơ sở hạ tầng, dịch vụ tốt nhất tỉnh Thái Nguyên. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng thông qua các chương trình phục hồi kinh tế, đã có khoảng 6.000 người dân địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ các chương trình của chúng tôi”, TS. Quang cho biết.
Bên cạnh đó, Núi Pháo đã tạo ra việc làm cho hơn 2.000 lao động trong nước và tại địa phương, nhưng dù lượng lao động lớn như vậy, những người quản lý ở đây đã đạt kỷ lục vận hành 18 triệu giờ lao động không có tai nạn lớn và đưa dự án Núi Pháo trở thành một trong những nhà máy an toàn nhất thế giới trong ngành khoáng sản, được phái đoàn APEC đến thăm như một dự án điển hình về vận hành khai thác khoáng sản.
… hàng đầu thế giới
Thái Nguyên có Núi Pháo trở thành biểu tượng của tinh thần “Vietnam Can Do” bằng ý chí và tinh thần Việt Nam, đưa những tài nguyên nằm im trong lòng đất đã trở thành nhà chế biến sâu hoá chất công nghiệp và kim loại với quy mô toàn cầu, chiếm 36% thị phần vonfram ngoài Trung Quốc.
Nhưng Thái Nguyên còn có nhiều hơn thế với một tổ hợp sản xuất điện thoại của Samsung, có quy mô sản xuất công nghiệp lớn nhất Việt Nam và đứng trong nhóm những nhà máy lớn nhất thế giới. Tổ hợp Samsung Electronics Vietnam Thai Nguyên – SEVT, tuy mới bắt tay vào sản xuất được 4 năm nhưng đã đạt quy mô nhân lực tới 70.000 người, mục tiêu xuất khẩu năm nay đạt 22 tỷ USD.
Samsung, tập đoàn lớn của Hàn Quốc và đang là nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới đã chọn Thái Nguyên làm nơi đặt cơ sở sản xuất quan trọng đã nói lên hết tiềm năng của địa phương này. Theo như lời của Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Shim Won Hwan, có 4 yếu tố để Samsung đi tới lựa chọn này.
Đầu tiên phải kể tới sự nhiệt huyết và quan tâm của lãnh đạo Tỉnh; thứ hai là yếu tố cơ sở hạ tầng khi Thái Nguyên được kết nối với các tuyến đường cao tốc và chỉ cách sân bay Nội Bài 30 phút; thứ ba là việc thu hút nhân lực tại địa phương khá tốt; và cuối cùng chính là tấm lòng hiếu khách của người dân địa phương.
Và còn nhiều hơn thế
Cũng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Thái Nguyên, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tỉnh Thái Nguyên đã trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 50 dự án với tổng số vốn khoảng 46.000 tỷ đồng.
Sau sự thành công của Samsung và Masan, nhiều dự án đầu tư đang tiếp tục tìm đến Thái Nguyên mà ngay như trong phát biểu của mình, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã một lần nữa nhắc tới thương hiệu cây chè nổi tiếng của Thái Nguyên, nhắc tới Hồ Núi Cốc với chuyện tình Chàng Công – Nàng Cốc để nói về tiềm năng du lịch của Thái Nguyên.
Mặc dù vậy, để phát huy được hết những tiềm năng thế mạnh, thì Thái Nguyên vẫn còn nhiều việc phải làm. Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc: “Thái Nguyên cần quan tâm đến việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp gia nhập thị trường. Đồng thời, giảm chi phí thời gian, giảm thanh kiểm tra trùng lặp, nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Đặc biệt, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, và bảo đảm tính nhất quán trong thực thi, tránh tình trạng trên thì thông, dưới chưa thoáng, lãnh đạo thì nóng, chuyên viên còn lạnh”.
Đây cũng là kiến nghị từ phía các doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đăng Quang trong bài phát biểu của mình cũng cho rằng: “Chúng tôi kiến nghị cải cách mạnh mẽ hơn nữa, giảm thiểu và rút ngắn các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn để mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thái Nguyên”.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Thái Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 4 định hướng chính cho tỉnh Thái Nguyên, gồm: Thái Nguyên cần trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, sáng tạo hàng đầu của miền Bắc và đất nước trong mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp dân doanh; tận dụng, phát huy vai trò động lực, vai trò đầu tàu của Samsung, tạo lan tỏa tích cực, thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài, xây dựng liên kết bền vững, nâng cao năng lực tham gia vào mạng lưới sản xuất đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước; đa dạng hóa nền kinh tế; phát triển bền vững cả kinh tế - xã hội và môi trường, quy hoạch đô thị, xây dựng chính quyền....