Tại Đại hội, Ban lãnh đạo MSR nhấn mạnh thông điệp “khai mở kho báu quốc gia” và “thay đổi để dẫn đầu thị trường” khi nói về tham vọng đối với Dự án Núi Pháo - mỏ đa kim có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc mà MSR đang sở hữu và vận hành.
Theo ông Dominic John Heaton, Tổng giám đốc MSR, Công ty và Dự án Núi Pháo đã có một năm thành công. Với sự đầu tư chiến lược của các cổ đông và đối tác, MSR đã trở thành một trong những DN khai thác và sản xuất vonfram lớn nhất thế giới, chiếm 30% tổng lượng cung toàn cầu. Trước những biến động tiêu cực của thị trường, lợi nhuận MSR vẫn tăng hơn 3 lần, đạt 152 tỷ đồng trong năm 2015.
MSR cũng đã chuẩn bị cho một năm đầy biến động phía trước bằng việc thực thi hàng loạt các biện pháp để kiểm soát tốt hơn rủi ro. Trên 90% sản lượng dự tính của Công ty năm 2016 đã được ký kết hợp đồng bao tiêu bởi các khách hàng chính thống, trực tiếp tiêu thụ sản phẩm và có uy tín.
Về chiến lược thực thi nguồn vốn, MSR điều chỉnh cơ cấu vốn phù hợp với danh mục hoạt động của các dự án. Việc dành 8.100 tỷ đồng để tái cấu trúc khoản nợ hiện nay, cùng với việc chuyển đổi MSR thành công ty đại chúng được xem là một bước tiến trong năm 2015. Việc đưa cổ phiếu giao dịch trên UPCoM cho phép MSR cắt giảm chi phí huy động vốn, bởi hoạt động này cung cấp “tiền tệ lỏng” cho người đi vay và các nhà đầu tư chiến lược, nhờ đó họ có thể quản lý rủi ro tốt hơn.
Cũng tại Đại hội, cổ đông MSR đã thông qua KQKD 2015 với doanh thu 2.658 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ đồng. Đồng thời, nhất trí việc MSR không chia cổ tức năm 2015 và không phải chi trả thù lao cho HĐQT. Chia sẻ về kế hoạch này, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết, MSR quyết định giữ lại nguồn vốn để tái đầu tư cho tương lai, thực hiện mục tiêu chiếm lĩnh thị trường vonfram thế giới,
Về kế hoạch 2016, MSR đặt mục tiêu doanh thu thuần dao động từ 4.500-5.100 tỷ đồng, tăng tương ứng từ 69-92% so với thực hiện 2015; lợi nhuận sau thuế đạt từ 220-660 tỷ đồng, tăng trưởng từ 45-334%.