Masan: Hé lộ kế hoạch chuyển sàn Masan Consumer và đã có đối tác mua 85% tồn kho đồng của Masan High-Tech Materials

Masan: Hé lộ kế hoạch chuyển sàn Masan Consumer và đã có đối tác mua 85% tồn kho đồng của Masan High-Tech Materials

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiều ngày 7/2, CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN – sàn HOSE) và CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã MCH – sàn UPCoM) lần lượt tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư, chuyên gia phân tích về cập nhật tình hình kinh doanh quý IV/2024 và hé lộ kế hoạch tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025.

Kết thúc năm 2024, Masan ghi nhận doanh thu đạt 83.178 tỷ đồng; EBITDA đạt 15.921 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ; và lợi nhuận sau thuế sau phân bổ cổ đông thiểu số (NPAT Post-MI) đạt 1.999 tỷ đồng, tăng 377,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, riêng Masan Consumer, năm 2024, đơn vị này ghi nhận doanh thu thuần tiếp tục tăng 9,4% lên 30.897,23 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tăng 10,1% lên 7.803,28 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 45,9% lên 46,6%.

Nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng, tính tới cuối năm 2024, tiền và các khoản tương đương tiền của Masan ghi nhận đạt tới 19.226 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Nợ ròng/EBITDA 12 tháng gần nhất đạt 2,9x, so với mức 3,9x của quý IV/2023, đạt mục tiêu Nợ ròng/EBITDA dưới 3,5x do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh được cải thiện và nguồn tiền từ các hoạt động tài trợ vốn của công ty. Dòng tiền tự do (FCF) 12 tháng gần nhất tăng lên 9.580 tỷ đồng tính đến năm tài chính 2024, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước.

Bước sang năm 2025, tùy thuộc vào phê duyệt nội bộ của Công ty, điều kiện kinh tế vĩ mô và sự phục hồi của thị trường tiêu dùng, Masan dự kiến doanh thu thuần hợp nhất năm 2025 sẽ nằm trong khoảng từ 80.000 - 85.500 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng LFL từ 7% - 14% so với cùng kỳ (sau điều chỉnh cho việc tách hợp nhất HCS). Trong năm 2025, tổng doanh thu hợp nhất, không bao gồm MHT, dự kiến sẽ nằm trong khoảng từ 74.013 - 78.013 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng từ 8% - 14% so với cùng kỳ. NPAT Pre-MI dự kiến đạt từ 4.875 - 6.500 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh mẽ từ 14% - 52% so với mức 4.272 tỷ đồng trong năm 2024.

Masan tiếp tục tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận với trọng tâm là mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi. Trong đó, Masan Consumer tiếp tục đạt mức tăng trưởng doanh thu hai chữ số trong khi vẫn duy trì lợi nhuận cao; WinCommerce tập trung vào tăng trưởng có lợi nhuận bằng cách đẩy nhanh mở mới cửa hàng trong khi vẫn duy trì tăng trưởng LFL mạnh mẽ. Ngoài ra, phát triển và ứng dụng công nghệ xuyên suốt để thúc đẩy hiệu quả hoạt động và tăng cường sự kết hợp trong nền tảng tiêu dùng bán lẻ của Masan. Điều này được thực hiện thông qua chương trình hội viên WIN và sự tăng cường sự hợp tác giữa các thương hiệu mạnh Masan với WinCommerce; giảm đòn bẩy tài chính hơn nữa để cải thiện bảng cân đối kế toán và giảm chi phí tài chính; giảm sở hữu trong các mảng không cốt lõi sau khi bán H.C. Starck để đơn giản hóa cấu trúc tập đoàn và trở thành một nền tảng tiêu dùng bán lẻ tập trung hơn.

Masan Consumer tiếp tục kế hoạch tăng trưởng hai con số

Riêng đối với Masan Consumer, đơn vị đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng doanh thu hai chữ số từ 10% đến 15% vào năm 2025, đạt 33.500 tỷ đồng đến 35.500 tỷ đồng, điều này được thúc đẩy bởi các động lực tăng trưởng chiến lược và việc phát triển chuỗi cung ứng kỹ thuật số “Retail Supreme”. Những phát kiến này sẽ giúp số hóa bán lẻ truyền thống, việc lập kế hoạch cung & cầu, sản xuất, phân phối, từ đó cải thiện việc lên kế hoạch cung ứng, tăng năng suất của nhân viên bán hàng và tối ưu ROI của hoạt động tiếp thị.

Để thực hiện kế hoạch, Masan Consumer tiếp tục triển khai chiến lược cao cấp hóa trong ngành hàng Gia vị & Thực phẩm tiện lợi khi tăng cường vị thế dẫn đầu thị trường trong phân khúc cao cấp bằng cách chuyển đổi từ mì ăn liền sang các bữa ăn chế biến sẵn như “Lẩu Tự Sôi”, “Cơm Tự Chín” và “Lẩu Cầm Tay”. Những phát kiến trong ngành hàng Thực phẩm tiện lợi giúp nắm bắt tăng trưởng trong xu hướng tiêu dùng bên ngoài gia đình.

Thực thi các đổi mới trong ngành hàng đồ uống và HPC: Mở rộng danh mục WakeUp247 và giành thị phần trong phân khúc trà uống liền (RTD) với các sản phẩm mới của Tea365; tái cấu trúc danh mục để tập trung xây dựng các sản phẩm mới thuộc Chante và Net, tham gia sâu hơn vào thị trường chăm sóc cá nhân.

Chiến lược Go Global đạt mức tăng trưởng 20% trở lên bằng cách tập trung vào các thị trường chính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU với danh mục sản phẩm gia vị, thực phẩm tiện lợi và cà phê hòa tan.

Và duy trì mức tồn kho lành mạnh tại các nhà phân phối trong chiến dịch One Masan Tết, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 15% trong quý 1 năm 2025.

Ông Michael Hung Nguyen, Phó tổng giám đốc Masan Group cũng chia sẻ lộ trình khi Công ty tiếp tục kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE đối với Masan Consumer, đây là bước mở khoá nhiều giá trị, tăng hiệu quả kinh doanh và đồng thời giúp công ty có thể tiếp cận thị trường vốn rộng lớn hơn. Trong đó, mục tiêu sẽ IPO trong năm 2025 nhưng còn tuỳ thuộc vào điều kiện thị trường và công ty đang nỗ lực thực hiện kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, liên quan tới việc chia cổ tức khủng trong năm 2024, Ông Michael Hung Nguyen cũng cho biết Công ty tự tin với sức khoẻ tài chính nên thực hiện chia sẻ dòng tiền cổ tức và đồng thời có kế hoạch IPO vì vậy có thể tiếp cận thị trường vốn lớn hơn nên không cần phải giữ lượng tiền mặt lớn.

Được biết, chỉ riêng trong năm 2024, Masan Consumer đã thực hiện trả cổ tức năm 2023 tháng 7/2024 với tỷ lệ 55%, tháng 9/2024 tiếp tục trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 168% và tạm ứng cổ tức năm 2024 vào tháng 12/2024 với tỷ lệ 95%.

Mở mới khoảng 400-700 siêu thị mini trong năm 2025

Đối với WinCommerce, trong năm 2025, đơn vị này dự kiến đạt doanh thu thuần từ 35.600 tỷ đồng đến 36.900 tỷ đồng, tăng trưởng từ 8% đến 14% so với cùng kỳ năm trước và đạt lợi nhuận sau thuế dương cả năm. Điều này sẽ được thúc đẩy bởi việc mở rộng mạng lưới cửa hàng, tăng tốc tăng trưởng doanh thu LFL.

Trong đó, dự kiến đẩy nhanh lại việc mở cửa hàng mới với 400-700 siêu thị mini trong năm 2025 cùng chiến lược tập trung theo khu vực; đẩy nhanh tăng trưởng LFL cho các siêu thị mini thông qua chiến lược phân loại tối ưu. Tăng cường hợp tác với các thương hiệu mạnh của Masan để tạo ra các chiến lược phân loại và ra mắt sản phẩm riêng biệt, cũng như khuyến mãi và tiếp thị được cá nhân hóa cho các hội viên WIN; đạt được mức tăng trưởng LFL một chữ số cao cho các siêu thị thông qua việc cải tạo thành công theo mô hình mới: WinMart Urban và WinMart Rural; thí điểm phiên bản mới của chương trình Hội viên WIN với các chương trình khuyến mãi và lợi ích mới cho người tiêu dùng bên cạnh chương trình hiện hành trong nửa đầu năm 2025. Chương trình Hội viên WIN mới sẽ được triển khai trên toàn quốc trong nửa cuối năm 2025; và thí điểm dịch vụ ngân hàng đại lý để hiện thực hóa chiến lược Point-of-Life.

Ngoài ra, trong năm 2025, Masan MEATLife dự kiến sẽ mang về doanh thu từ 8.250 tỷ đồng đến 8.749 tỷ đồng, tăng trưởng từ 8% đến 14% so với cùng kỳ. Kết quả này sẽ đạt được trên hành trình liên tục chuyển đổi để trở thành công ty chế biến thịt của Masan MEATLife và việc hợp tác sâu hơn với WinCommerce;

Cũng trong năm 2025, Phúc Long Heritage đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng từ 1.910 tỷ đồng đến 2.200 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng so với cùng kỳ từ 18% đến 36%, bằng cách thúc đẩy tăng trưởng LFL và cải thiện biên lợi nhuận.

Masan High-Tech Materials đã tìm được đối tác mua 85% tổng tồn kho đồng

Trong năm 2025, Masan High-Tech Materials dự kiến doanh thu đạt tăng trưởng LFL từ 3% đến 19% so với cùng kỳ năm trước sau khi tách HCS. Masan High-Tech Materials đặt mục tiêu đạt doanh thu từ 6.487 tỷ đồng đến 7.487 tỷ đồng, lợi nhuận được cải thiện nhờ giá hàng hóa tăng.

Gần đây, Trung Quốc cấm xuất khẩu nhiều khoáng sản quan trọng cho sản xuất công nghiệp Mỹ, trong đó có cả Vonfram và Bismuth. Masan đang chờ đợi chỉ số giá mới xuất hiện sau lệnh cấm này, có thể sẽ có những thuận lợi mà Masan High-Tech Materials khai thác được.

"Lệnh cấm của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh Vonfram và Bismuth trên thế giới nên chúng tôi sẽ có những lợi thế nhất định. Tuy nhiên, cũng cần thời gian để xem lệnh cấm này có thể tác động như thế nào đến chúng tôi trong năm nay", Ông Lê Bá Nam Anh, Giám đốc chiến lược và phát triển của Masan Group cho biết.

Lãnh đạo Masan cũng cho biết thêm, Masan High-Tech Materials cũng đã tìm được một đối tác trong nước mua 42.000 tấn đồng trong nỗ lực giải phóng hàng tồn kho đồng của công ty. Con số này tương đương 85% hàng tồn kho đồng với giá trị khoảng 50 triệu USD.

Tin bài liên quan