Tập đoàn hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam - Masan Group vừa công bố dự báo kết quả kinh doanh quý II/2018. Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn kỳ vọng đạt mức 9.454 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế, trả lãi và khấu hao (EBITDA) đạt 2.452 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông Công ty là 679 tỷ đồng, tăng 211% so với quý I.
Theo thông tin từ Tập đoàn, Masan Group đang là nền tảng tiêu dùng duy nhất đáp ứng nhu cầu của 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Với lịch sử 22 năm hoạt động, các sản phẩm của Masan đang ở vị trí dẫn đầu trong nhiều ngành hàng tiêu dùng với hệ thống phân phối hiệu quả và rộng khắp với gần 300.000 điểm bán hàng trên toàn quốc.
Masan Consumer
Trong tổng doanh thu quý II của Tập đoàn Masan, Masan Consumer Holdings (MCH) dự kiến đóng góp 4.060 tỷ đồng, tăng 16% so với mức 3.485 tỷ đồng trong quý II/2017.
Trong quý II/2018, MCH sẽ tung ra 7 phát kiến sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Song song với đó, MCH cũng sẽ tập trung đầu tư 9% doanh thu cho việc xây dựng thương hiệu. Đây là bước đi chiến lược của MCH và là một bước tiến lớn so với cùng kỳ năm trước khi MCH chỉ tung ra 1 phát kiến mới và chỉ đầu tư 4% doanh thu vào xây dựng thương hiệu vào quý II/2017.
Đà tăng trưởng của MCH còn được duy trì bởi việc chuyển đổi người tiêu dùng sang sử dụng các sản phẩm cao cấp. Các dòng sản phẩm gia vị cao cấp đóng góp 15% doanh thu ngành hàng gia vị so với 10% vào quý II/2017. Mì ly Omachi với cây thịt đóng góp 10% doanh thu của nhãn hiệu Omachi trong ngành thực phẩm tiện lợi.
MCH hiện đang đứng thứ hai ở Việt Nam về “số lần chọn mua” (CRP) theo báo cáo Brand Footprint 2018 của Kantar Worldpanel. MCH sở hữu 6/10 thương hiệu mạnh về thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam, nhiều nhất trong ngành. Việc thăng hạng của các nhãn hiệu Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử trong danh sách Top 10 thương hiệu thực phẩm mạnh ở 4 thành phố so với lần xếp hạng năm 2017 của Kantar Worldpanel là kết quả của chiến lược “premiumization” (cao cấp hóa danh mục sản phẩm) trong thời gian vừa qua.
Lĩnh vực đồ uống cũng được kỳ vọng tăng trưởng trên 20% trong quý II/2018, trong đó riêng nước tăng lực tăng trưởng 30%. Đây cũng là ngành hàng tăng trưởng tiềm năng của Masan trong những năm gần đây.
Masan Nutri-Science
Doanh thu của Masan Nutri-Science (MNS) được dự báo sẽ đạt 3.499 tỷ đồng trong quý II này, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng tăng 9% so với quý trước.
Sau đợt khủng hoảng giá heo hơi nghiêm trọng vừa qua, thị trường hiện đang có dấu hiệu phục hồi. Giá heo hơi hiện đang ở mức khoảng 45.000/kg và đã duy trì mức trên 35.000/kg trong suốt một tháng vừa qua. Điều này cho thấy, nguồn cung heo trong nước đang thấp hơn nhu cầu, do đó mức tăng giá này được cho là bền vững.
Do giá heo tăng trở lại, các hộ chăn nuôi đã quay trở lại chế độ chăn nuôi chú trọng năng suất. Đây là điều kiện thuận lợi để MNS tăng thị phần sản phẩm cao cấp với dòng sản phẩm Bio-zeem Đỏ và thúc đẩy chuyển đổi từ thức ăn chăn nuôi tự trộn sang thức ăn công nghiệp trung cấp Bio-zeem Xanh.
Nhằm tăng nhận diện thương hiệu trong bối cảnh chăn nuôi khởi sắc, MNS sẽ tái phát sóng các dòng sản phẩm cao cấp trên tivi, tăng đầu tư cho marketing lên trên 70% so với quý I/2018.
Masan Resources
Masan Resources (MSR) được kỳ vọng đạt doanh thu thuần 1.895 tỷ đồng trong quý II/2018, tăng trưởng 37% so với mức 1.383 tỷ đồng trong quý liền trước.
Do nhu cầu lớn và nguồn cung hạn chế giúp duy trì giá vonfram ở mức cao. Hiện giá vonfram ở mức trên 300 USD/mtu từ đầu năm 2018, so với chỉ khoảng 150 USD/mtu vào năm ngoái.
Tỷ lệ thu hồi vonfram cao hơn cũng đóng góp vào mức tăng trưởng hai chữ số của MSR. Tỷ lệ thu hồi dự kiến tăng từ 64% trong năm 2017 lên trên 68% trong quý II này.
Techcombank
Công ty liên kết của Masan Group là Techcombank hiện là ngân hàng số 1 Việt Nam về hiệu quả kinh doanh, với tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) trên 20% và tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) dưới 40%. Techcombank dự kiến sẽ niêm yết vào tháng 6/2018, kỳ vọng đạt giá trị thị trường 6,5 tỷ USD.