Masan Consumer (MCH) xin ý kiến cổ đông chuyển sàn sang HOSE

(ĐTCK) CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã MCH - UPCoM) công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, thời gian lấy ý kiến đến trước 14h ngày 28/2.
Masan Consumer (MCH) xin ý kiến cổ đông chuyển sàn sang HOSE

Masan Consumer trình xin ý kiến cổ đông thông qua kế hoạch huỷ giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch UPCoM và thực hiện niêm yết cổ phiếu của Công ty trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Trong đó, Công ty dự kiến sẽ giao Hội đồng quản trị và cho phép Hội đồng quản trị được uỷ quyền cho Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng giám đốc lựa chọn thời điểm và tổ chức thực hiện tất cả các thủ tục và ký kết các giấy tờ liên quan đến việc niêm yết trên sàn HOSE.

Vốn hoá của Masan Consumer đang cao nhất ngành thực phẩm và đồ uống tính tới ngày 18/2/2025
Vốn hoá của Masan Consumer đang cao nhất ngành thực phẩm và đồ uống tính tới ngày 18/2/2025

Được biết, cổ phiếu MCH đang giao dịch vùng 149.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hoá khoảng 156.665,97 tỷ đồng, thuộc công ty vốn hoá lớn nhất nhóm thực phẩm và đồ uống đang niêm yết trên cả ba sàn tại Việt Nam, đồng thời cũng là TOP 10 vốn hoá lớn trên sàn HOSE nếu chuyển sàn thành công.

Trước đó, tại Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư ngày 7/2/2025, ông Michael Hung Nguyen, Phó tổng giám đốc Masan Group (mã MSN – sàn HOSE) cũng chia sẻ lộ trình khi Công ty tiếp tục kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE đối với Masan Consumer, đây là bước mở khoá nhiều giá trị, tăng hiệu quả kinh doanh và đồng thời giúp công ty có thể tiếp cận thị trường vốn rộng lớn hơn. Trong đó, mục tiêu sẽ IPO trong năm 2025 nhưng còn tuỳ thuộc vào điều kiện thị trường và công ty đang nỗ lực thực hiện kế hoạch đề ra.

Về kế hoạch kinh doanh, trong năm 2025, Masan Consumer đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng doanh thu hai chữ số từ 10% đến 15%, đạt 33.500 tỷ đồng đến 35.500 tỷ đồng, điều này được thúc đẩy bởi các động lực tăng trưởng chiến lược và việc phát triển chuỗi cung ứng kỹ thuật số “Retail Supreme”. Những phát kiến này sẽ giúp số hóa bán lẻ truyền thống, việc lập kế hoạch cung & cầu, sản xuất, phân phối, từ đó cải thiện việc lên kế hoạch cung ứng, tăng năng suất của nhân viên bán hàng và tối ưu ROI của hoạt động tiếp thị.

Để thực hiện kế hoạch, Masan Consumer tiếp tục triển khai chiến lược cao cấp hóa trong ngành hàng Gia vị & Thực phẩm tiện lợi khi tăng cường vị thế dẫn đầu thị trường trong phân khúc cao cấp bằng cách chuyển đổi từ mì ăn liền sang các bữa ăn chế biến sẵn như “Lẩu Tự Sôi”, “Cơm Tự Chín” và “Lẩu Cầm Tay”. Những phát kiến trong ngành hàng Thực phẩm tiện lợi giúp nắm bắt tăng trưởng trong xu hướng tiêu dùng bên ngoài gia đình.

Thực thi các đổi mới trong ngành hàng đồ uống và HPC: Mở rộng danh mục WakeUp247 và giành thị phần trong phân khúc trà uống liền (RTD) với các sản phẩm mới của Tea365; tái cấu trúc danh mục để tập trung xây dựng các sản phẩm mới thuộc Chante và Net, tham gia sâu hơn vào thị trường chăm sóc cá nhân.

Thêm nữa, chiến lược Go Global đạt mức tăng trưởng 20% trở lên bằng cách tập trung vào các thị trường chính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU với danh mục sản phẩm gia vị, thực phẩm tiện lợi và cà phê hòa tan.

Tin bài liên quan