Từ cuối tuần qua, trên thị trường xuất hiện thông tin số dư margin tại các CTCK đang ở mức cao, thậm chí đạt xấp xỉ 90% tổng lượng margin tại thời điểm giữa tháng 3/2015, thời điểm được cho là lượng tiền margin đạt đỉnh. Thông tin này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, đặc biệt là khi các chỉ số chứng khoán đang ở vùng kháng cự.
CTCK MB (MBS) cho biết, số dư margin quan sát được hiện nay cách mức đỉnh của tháng 3/2015 khoảng 10 - 15%, trong đó lượng margin tập trung ở những mã cổ phiếu blue-chip, với khối lượng giao dịch lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu nằm trong danh sách thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Trao đổi với ĐTCK, nhiều CTCK đánh giá, giao dịch margin tập trung vào các mã cổ phiếu đầu ngành, vốn hóa lớn nên mức độ ảnh hưởng đến toàn thị trường không nhiều và ít có khả năng xảy ra tình trạng giải chấp nếu thị trường có diễn biến xấu.
Theo thông kê sơ bộ của ĐTCK, CTCK Sài Gòn (SSI) đang dẫn đầu về lượng margin với hơn 2.500 tỷ đồng, một số CTCK có lượng tiền margin đạt trên 1.000 tỷ đồng như CTCK TP. HCM (HSC), CTCK Bản Việt (VCSC), CTCK ACB (ACBS), CTCK VNDirect (VNDS)…
Thực tế, số liệu margin luôn được các nhà đầu tư quan tâm, nhất là khi thị trường trải qua một đợt sóng tăng, đặc biệt là khi VN-Index cán mốc 600 điểm. Đại diện một số CTCK cho rằng, rủi ro chính đối với thị trường hiện nay là margin giảm nhanh, tức nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra cổ phiếu, hoặc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng. Tuy nhiên, quan sát diễn biến những phiên giao dịch vừa qua cho thấy, mức độ margin hiện tại vẫn ở ngưỡng an toàn.
Ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc ACBS cho biết, hiện dư nợ margin tại Công ty trong khoảng 1.100 - 1.200 tỷ đồng, thấp hơn so với mức đỉnh khoảng 500 tỷ đồng và ngân sách của ACBS dành cho hoạt động này vẫn rất lớn. Trước những lo ngại về việc tỷ lệ margin đang ở mức cao, có thể gây ra nhiều rủi ro cho thị trường, ông Cần nhận xét, thị trường vừa trải qua một chu kỳ tăng khi VN- Index tăng từ 580 điểm lên 615 điểm thì những phiên điều chỉnh xảy ra cũng là hợp lý. Dự báo, sự điều chỉnh của thị trường sẽ không lớn và không kéo dài.
Những phiên giao dịch vừa qua, thị trường giảm điểm, nhưng rất ít CTCK thực hiện giải chấp cổ phiếu, vì tỷ lệ margin vẫn đảm bảo, nằm trong vùng cho phép.
Trong khi đó, chuyên gia chứng khoán Hoàng Thạch Lân cho rằng, tuần trước, thị trường tăng điểm chủ yếu là nhờ một số mã blue-chip như VNM, FPT… tăng giá, trong khi đa phần cổ phiếu khác lại giảm. Khi thị trường phụ thuộc quá lớn vào một số mã trụ cột thì rủi ro sẽ gia tăng. Theo ông Lân, dư nợ margin lớn là một trong những yếu tố tác động tiêu cực đến TTCK và lo ngại của nhà đầu tư bán ra cổ phiếu không phải là không có cơ sở. Ngay cả cổ phiếu VNM và FPT, một bộ phận NĐTcũng có tâm lý sẵn sàng bán ra.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI) chia sẻ, dư nợ margin tại TVSI hiện cao hơn so với thời điểm cuối quý III/2015. Tuy nhiên, TVSI cũng như các CTCK khác không quá mạo hiểm khi mở rộng margin, mặc dù ngân sách dành cho hoạt động này vẫn còn dư.
Theo ông Dũng, margin tăng đồng nghĩa với hoạt động đầu cơ tăng, nhưng ở góc độ CTCK, bản thân TVSI luôn kiểm soát chặt hoạt động cho vay. Hàng tháng, Công ty có những đánh giá tổng thể để loại bỏ hoặc thêm bớt cổ phiếu trong rổ được phép sử dụng margin. Nếu có sự thay đổi về tỷ lệ hay các mã cổ phiếu thêm bớt, Công ty sẽ báo cho khách hàng để khách hàng có phương án xử lý kịp thời, chứ không đột ngột cắt ngay.
Là một trong những CTCK có tỷ lệ margin cao, đại diện CTCK VNDirect cho biết, Công ty đang duy trì tỷ lệ cho vay theo quy định cao nhất là 50%, nhưng đối với một số mã, khi giá cổ phiếu tăng mạnh thì Công ty sẽ có sự điều chỉnh giảm tỷ lệ cho vay phù hơp nhằm hạn chế sức mua, tránh rủi ro khi thị trường đột ngột đảo chiều.
Nhiều ý kiến đánh giá, dư nợ margin ở thời điểm hiện tại đang ở mức tương đối cao, nhưng không quá rủi ro do chi phí vốn thấp. Tuy vậy, rủi ro là hiện hữu đối với một số mã cổ phiếu nếu thị trường giảm giá kéo dài.