Margin làm “đau tim” công ty chứng khoán

Margin làm “đau tim” công ty chứng khoán

(ĐTCK) Cho vay giao dịch ký quỹ (margin) là một trong những vũ khí cạnh tranh, giúp gia tăng thị phần môi giới cũng như đem lại nguồn thu kếch xù, nhưng cũng không ít phen công ty chứng khoán lo mất vốn.

“Ngồi trên đống lửa” với tin đồn Novaland

Trong câu chuyện với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một công ty chứng khoán cho biết, vị này vừa trải qua cú sốc tâm lý ngay khi Công ty hoàn tất cho nhóm khách hàng vay margin với cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) với giá trị trên 200 tỷ đồng.

Điều đáng nói là, trước khi giải ngân khoản vay này, nội bộ công ty đã xảy ra sự tranh cãi khá quyết liệt về việc có đồng ý cho khách hàng vay hay không, khi những thông tin liên quan đến đất công tại khu vực TP.HCM đã và đang nóng lên suốt thời gian qua. Đáng nói hơn nữa là, chỉ ngay sau khi hoàn tất việc giải ngân, thông tin trực tiếp về Novaland xuất hiện, cổ phiếu NVL giảm sàn.

“Chưa xác định được những thông tin trên có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào, nhưng Ban lãnh đạo Công ty phải chịu sức ép rất lớn trong việc giải trình với cổ đông về việc thông tin này có ảnh hưởng như thế nào đến khả năng thu hồi khoản vay. Cũng may là sau đó, Novaland có công văn giải trình thông tin báo chí về các dự án và đà giảm cổ phiếu đã chững lại, giúp mọi người đỡ căng thẳng”, vị này nói.

Câu chuyện tin đồn liên quan đến Novaland không chỉ xảy ra tại công ty chứng khoán nói trên, mà ở một số công ty chứng khoán lớn khác cũng chịu sức ép không nhỏ. Theo thông tin phóng viên tìm hiểu được, nhiều công ty chứng khoán đã phải họp khẩn để đánh giá các khoản vay margin của khách hàng liên quan đến cổ phiếu NVL ngay khi thông tin bất lợi được lan truyền. 

“Đau tim” vì lo thu hồi nợ

Trên thực tế, chuyện công ty chứng khoán phản ứng nhanh với tin đồn là điều đã xảy ra nhiều trong quá khứ. Theo dõi thư gửi nhà đầu tư của nhóm công ty chứng khoán trong Top 15 thị phần, có thể thấy, các công ty chứng khoán thường có xu hướng thận trọng với những tin đồn liên quan đến doanh nghiệp.

Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) có lẽ là công ty “chăm” cập nhật danh mục cho vay nhất, khi những mã cổ phiếu tăng/giảm thất thường và mã cổ phiếu bất ngờ có tin đồn thất thiệt (ở mức nghiêm trọng) đều ngay lập tức bị giảm hoặc cắt cho vay ký quỹ.

Danh mục cho vay ký quỹ tại nhiều công ty lên đến hàng trăm mã, tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, công ty chứng khoán đều có thể phản ứng ngay lập tức với tin đồn.

Với những doanh nghiệp mà sự hiểu biết giữa doanh nghiệp và công ty chứng khoán ở mức sâu sắc thì việc xuất hiện tin đồn đa phần không quá ảnh hưởng đến thực trạng cho vay margin cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, công ty chứng khoán có lẽ sợ tin đồn về các doanh nghiệp hơn cả cổ đông của chính các doanh nghiệp đó.

Trong cho vay margin, còn một trạng thái nữa, dường như diễn ra nhiều hơn ở các công ty chứng khoán lớn, đó là cho vay theo từng thương vụ.

Về lý thuyết, việc cho vay giao dịch ký quỹ phát sinh khi nhà đầu tư có nhu cầu vay mua cổ phiếu. Thế nhưng, thực tế vận hành cho thấy, lượng lớn tiền của các công ty chứng khoán cho vay ký quỹ lại đến từ khoản cho vay mang tính cầm cố cổ phiếu.

Theo đó, công ty chứng khoán và nhà đầu tư có thỏa thuận về việc nhà đầu tư có bao nhiêu cổ phiếu và muốn được vay với kỳ hạn, lãi suất như thế nào.

Sau khi thỏa thuận thành công, nhà đầu tư sẽ chuyển cổ phiếu về công ty chứng khoán và rút tiền ra, chịu phí. Trong không ít trường hợp, đây là nguyên nhân dẫn đến việc công ty có cho vay giao dịch ký quỹ với cổ phiếu, nhưng nhà đầu tư cá nhân thông thường không thể vay được vì đã hết hạn mức với cổ phiếu này.

Đây cũng là lý do phát sinh những cuộc “mặc cả”, khiến công ty chứng khoán hoặc khách hàng đôi khi trở thành “con tin” của chính các khoản cho vay ký quỹ. Lãnh đạo một công ty chứng khoán cho biết, cá nhân ông rất khó xử khi rơi vào hoàn cảnh bị “buộc phải cấp margin” cho cổ phiếu, vì nhân viên môi giới lấy thương vụ về và “dọa” sẽ mang khách hàng đi nơi khác nếu không được đáp ứng hạn mức.

“Chúng tôi biết có những thỏa thuận ăn chia phía sau các thương vụ này, nhưng với sức ép về thị phần và chỉ tiêu kinh doanh, đôi khi Công ty vẫn phải chấp nhận đánh đổi rủi ro. Nhiều thương vụ ngay sau giải ngân là tin đồn xuất hiện và ban lãnh đạo “đau tim” vì lo thu hồi nợ”, vị này chia sẻ.

Được biết, con số cho vay kỹ quỹ tại các công ty chứng khoán tính đến cuối năm 2018 là 44.200 tỷ đồng.

Tin bài liên quan