Cũng theo cơ quan này, với cơ chế buộc công ty chứng khoán phải báo cáo tình hình cung cấp margin hàng tháng, lúc thị trường chứng khoán có diễn biến bất thường phải báo cáo hàng ngày, UBCK có thể giám sát liên tục dòng tiền vay chảy vào thị trường chứng khoán và thực tế, dòng tiền này khá ổn định, không trồi sụt bất thường như một số tin đồn.
Khi nhà đầu tư thông minh hơn
Theo quy định hiện hành, khối công ty chứng khoán chỉ phải công bố báo cáo tài chính quý ra thị trường, nên con số chính thức về lượng tiền margin chỉ được công khai 1 năm 4 lần, sau mỗi kỳ báo cáo quý.
Chưa kể, báo cáo quý luôn có độ trễ về thời điểm công bố (theo Thông tư 52/2012/TT-BTC là phải công bố trong vòng 20 ngày, kể từ ngày kết thúc quý), nên con số thực tế về dòng tiền vay luôn là một ẩn số với thị trường. Trong khi đó, tin đồn về dòng margin luôn là câu chuyện nhạy cảm với nhà đầu tư, nhất là lúc thị trường chứng khoán có diễn biến bất thường.
Sở dĩ loại thông tin này trở nên nhạy cảm, vì xu hướng đầu tư chủ đạo vẫn là ngắn hạn, ai cũng muốn vào nhanh, rút nhanh, nên rất sợ nếu margin quá nóng, biết đâu nhà quản lý lại dùng biện pháp can thiệp hành chính để khống chế, có thể ảnh hưởng đến khả năng “thoát thân” của họ.
Trong quá khứ, nhà đầu tư đã từng trải qua trạng thái này khi ngành ngân hàng bất ngờ khống chế dòng tiền chảy vào chứng khoán bằng một văn bản pháp quy.
Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK cho biết, UBCK hiện kiểm soát dòng tiền cho vay từ công ty chứng khoán xuất phát từ nguồn vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán và vốn mà công ty chứng khoán đứng ra vay để cho nhà đầu tư vay mua chứng khoán. Con số này khá ổn định, ở khoảng 10.000 tỷ đồng.
Các nguồn tiền khác rót vào thị trường chứng khoán như dòng tiền trực tiếp từ ngân hàng, các tổ chức tài chính, dòng tiền vay mượn tự do…, không qua công ty chứng khoán thì UBCK không kiểm soát được, do dòng tiền này không hiển thị trên báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, theo ông Sơn, dòng tiền bên lề không lớn, bởi nhà đầu tư bây giờ trưởng thành hơn rất nhiều, họ không dễ dàng vay mua chứng khoán như trước.
Bên cạnh đó, dịch vụ margin tại các công ty chứng khoán do phải cạnh tranh nhau, nên lãi suất thấp, thủ tục dễ dàng, nếu nhà đầu tư có nhu cầu thường sẽ chọn dịch vụ cấp thêm vốn từ chính các công ty chứng khoán. Cũng theo ông Sơn, cách kiểm soát margin tại công ty chứng khoán hiện nay khác rất nhiều so với quá khứ.
Vào giai đoạn thị trường chứng khoán tăng nóng, thay vì đẩy thêm tiền cho nhà đầu tư, nhiều công ty chứng khoán đã có khuyến nghị, đồng thời cắt giảm lượng tiền margin, để đảm bảo an toàn cho chính mình và khách hàng. Sự trưởng thành của nhà đầu tư cộng với cách quản trị thận trọng của các công ty chứng khoán khiến ông Sơn tin rằng, dòng tiền vay không thể gây rúng động thị trường chứng khoán.
Liệu có thể bỏ margin không?
Khi dòng margin chảy vào chứng khoán được đánh giá là ổn định, không có đột biến do sự trưởng thành của chính nhà đầu tư và khả năng quản trị tốt hơn của các công ty chứng khoán, liệu UBCK có tính đến việc bỏ quy định về margin hay không?
Trả lời câu hỏi này của Đầu tư Chứng khoán, ông Sơn khẳng định là không, bởi ngay cả các thị trường chứng khoán tiên tiến như tại Mỹ, vẫn có những quy định để kiểm soát dòng tiền vay đổ vào chứng khoán. “Sở dĩ phải có quy định về margin là để đảm bảo an toàn chung của hệ thống và cũng vì UBCK cấp phép cho các công ty chứng khoán hoạt động, nên luôn lo cho rủi ro của các công ty chứng khoán”, ông Sơn nói.
Thực tế, sau một quá trình dài tái cấu trúc, các công ty chứng khoán đã hoạt động “chắc tay” hơn, xuất phát từ sức ép phải thực thi một loạt văn bản pháp quy kể từ năm 2010 đến nay (xử lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đảm bảo an toàn tại Thông tư 226/2010/TT-BTC và Thông tư 165/2012/TT-BTC - nay hợp nhất tại Thông tư số 91/2013/TT/BTC; siết chặt quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ của công ty chứng khoán, quy định về kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro, quản trị điều hành công ty chứng khoán - tại Thông tư 210 và 212/2012/TT-BTC…).
Một minh chứng cho sự “chắc tay” của công ty chứng khoán là hoạt động thanh toán diễn ra suôn sẻ, hầu như không có công ty chứng khoán nào thiếu hụt hay mất khả năng thanh toán dù có nhiều phiên có giá trị giao dịch lên đến 5.000 - 6.000 tỷ đồng. Một trong những lý do dẫn đến sự tiến bộ này, theo UBCK, là thái độ của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam: công bố công khai tên tuổi các công ty chứng khoán vi phạm thanh toán, dù vi phạm lớn hay nhỏ.
Thị trường không phải không có những sự ấm ức, trách móc nhà quản lý trong cách ứng xử này, nhưng rõ ràng, chính việc cứ sai là cảnh báo khiến tất cả các công ty chứng khoán đều phải thận trọng đến mức cao nhất. Nếu để bị “bêu tên” trước công chúng đồng nghĩa với việc mất uy tín, giảm niềm tin của khách hàng.
Sự “chắc tay” của các công ty chứng khoán cũng khiến niềm tin của nhà đầu tư vào công ty chứng khoán tăng lên. Vài năm trước đây, khi một số công ty chứng khoán yếu kém như Tràng An, Trường Sơn, Golden Brigde… để xảy ra tình trạng mất tiền trong tài khoản của khách hàng, an toàn tài sản của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán trở thành câu chuyện nóng đến mức, nhà quản lý buộc công ty chứng khoán phải cung cấp 2 hệ thống: hoặc nhà đầu tư để tiền tại công ty chứng khoán trong tài khoản tổng gửi tại ngân hàng; hoặc nhà đầu tư để tiền trực tiếp tại ngân hàng, công ty chứng khoán có trách nhiệm kết nối với ngân hàng để xử lý thanh toán khi có giao dịch.
Sau một thời gian dao động, đến nay, hầu hết nhà đầu tư đã chọn cách để tiền trong tài khoản tổng của công ty chứng khoán, một phần vì sự thuận tiện khi giao dịch, nhưng phần khác là do tự thân công ty chứng khoán và nhà quản lý đã kiểm soát được các rủi ro thanh toán trên thị trường.
Thông tin từ UBCK cho biết, đến cuối tháng 7/2014, lượng tiền mặt nhà đầu tư để trong tài khoản tổng của khối công ty chứng khoán là trên 10.000 tỷ đồng, tăng 22,1% so với đầu năm. Dòng tiền mới sẽ góp phần tạo nên sự sôi động của thị trường chứng khoán, đồng thời hỗ trợ các công ty chứng khoán gia tăng khả năng lợi nhuận.
Tính đến cuối tháng 6/2014, vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán là 38.000 tỷ đồng, tổng lợi nhuận của 60 công ty có lãi là 1.800 tỷ đồng. Dù khả quan hơn mấy năm trước, nhưng tỷ lệ ROE của khối công ty chứng khoán còn rất thấp (4,7%).
Sau quá trình dài sống trong sự khắc nghiệt của tái cấu trúc, nhiều người tin rằng, tương lai của khối công ty chứng khoán sẽ sáng dần lên, nhưng không theo cách “bốc lửa” như năm 2007 - 2008.