Margin: Chốt tỷ lệ cho vay tối đa ở mức 30%

Margin: Chốt tỷ lệ cho vay tối đa ở mức 30%

(ĐTCK-online) Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK cho biết, căn cứ điều kiện hiện tại và để đảm bảo thị trường vận hành giai đoạn đầu an toàn, hiệu quả…, thì cơ quan quản lý giữ nguyên mức yêu cầu chỉ cho vay 30% giá trị.

>> Cởi trói giao dịch

Margin: Chốt tỷ lệ cho vay tối đa ở mức 30% ảnh 1

Ông Phạm Hồng Sơn

Ngày 1/8, thời điểm Thông tư 74/2011/TT-BTC về giao dịch chứng khoán có hiệu lực đang đến gần. Tuy nhiên, dự thảo quy chế giao dịch ký quỹ (margin) vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) về hướng xử lý những nút thắt cuối cùng trong văn bản này.

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Quy chế về giao dịch margin có nhiều điểm gây khó khăn trong triển khai. Vậy đến thời điểm này, những ý kiến đó đã được tiếp thu và chỉnh sửa đến đâu, thưa ông?

Hiện tại, đa số CTCK đồng tình với quan điểm của UBCK đưa ra như trong dự thảo. Vấn đề khúc mắc chủ yếu mang tính câu chữ và nằm ở những điểm quy định nhỏ. UBCK sẽ có những điều chỉnh phù hợp nhằm đưa giao dịch ký quỹ vào thực tế một cách an toàn, hiệu quả và thuận lợi nhất có thể.

 

Ông có thể nói chi tiết về những điểm sửa đổi này?

Trước hết, về danh mục chứng khoán được phép cho giao dịch ký quỹ. Theo dự thảo ban đầu, CTCK căn cứ trên các yêu cầu về chất lượng chứng khoán để đưa ra danh mục cho vay giao dịch ký quỹ. Tuy nhiên, UBCK nhận được một số ý kiến cho rằng, Sở GDCK là người hiểu rõ nhất về thông tin các mã chứng khoán, do đó nên để Sở trên cơ sở tiêu chuẩn đã được công bố để đưa ra danh sách các mã được phép giao dịch ký quỹ. Sau đó, trên cơ sở danh sách này, các CTCK sẽ tự đưa ra danh sách chứng khoán mà mình cho vay vốn. Chúng tôi đang nghiên cứu sửa đổi theo hướng này.

Về điều kiện CTCK được phép triển khai margin, chúng tôi giữ nguyên quy định cũ và được các thành viên thị trường ủng hộ, đó là CTCK phải đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn tài chính và phải có nghiệp vụ môi giới. Công ty nào vi phạm quy định về tỷ lệ an toàn tài chính hoặc tỷ lệ cho vay sẽ bị đình chỉ cung cấp dịch vụ margin trong 6 tháng.

Về tỷ lệ ký quỹ, có ý kiến cho rằng, nên nới lỏng. Ví dụ, theo thông lệ quốc tế là 50/50 hoặc có thể 40/60 (cho vay 40% giá trị giao dịch). Nhưng căn cứ điều kiện hiện tại và để đảm bảo thị trường vận hành giai đoạn đầu an toàn, hiệu quả…, thì cơ quan quản lý giữ nguyên mức yêu cầu chỉ cho vay 30% giá trị. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên thị trường, đó là tỷ lệ cho vay sẽ trên cơ sở giá trị của toàn danh mục, chứ không phải từng cổ phiếu cụ thể.

Về lãi suất cho vay, chúng tôi sửa đổi theo hướng tỷ lệ cho vay theo thỏa thuận thể hiện trên hợp đồng, đảm bảo nguyên tắc phù hợp với các quy định pháp luật khác có liên quan.

Liên quan đến hệ thống giao dịch ký quỹ của CTCK, quan điểm của UBCK là công ty nào không có hệ thống phần mềm đáp ứng được yêu cầu thì không được triển khai. Hệ thống này phải đáp ứng được yêu cầu tách biệt hoàn toàn so với tài khoản giao dịch tiền mặt thông thường và đảm bảo kiểm soát được và an toàn.

Đối với chế độ báo cáo và hạn chế cho vay, chúng tôi chủ trương giữ nguyên như dự thảo ban đầu. Điều này nhận được sự đồng tình của đa số thành viên thị trường, bởi mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho chính các CTCK, chứ không phải là sự cấm cản của cơ quan quản lý.

 

Như vậy, 30% sẽ là tỷ lệ tối đa mà các CTCK cho NĐT vay để đầu tư chứng khoán?

Quy định này chỉ có giá trị cho từng giai đoạn. Như trong dự thảo đã nêu rõ, từng giai đoạn sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh của giai đoạn đó. Ví dụ, nếu lượng cho vay đầu tư chứng khoán của các CTCK quá lớn trong bối cảnh rủi ro thị trường được cho là cao, thì chúng tôi thậm chí có thể yêu cầu các CTCK tạm ngừng cung cấp mới dịch vụ này, không được phép cho vay thêm nữa. Ngược lại, nếu trong giai đoạn cần khuyến khích thị trường thì tỷ lệ cho vay có thể nâng lên, ví dụ 50% giá trị giao dịch.

 

Liệu Quy chế giao dịch margin có kịp ban hành khi Thông tư 74 có hiệu lực không, thưa ông?

Chắc chắn là có. Do Quy chế có hiệu lực kể từ ngày ký, nên phải chờ sau ngày 1/8, khi Thông tư 74/2011/TT-BTC có hiệu lực, thì chúng tôi mới có thể ký ban hành quy chế này.

 

Việc giám sát thực hiện Quy chế của các CTCK sẽ như thế nào để đảm bảo công bằng, thưa ông?

Những quy định mang tính chặt chẽ như trên là nhằm giúp các CTCK có một chuẩn mực để họ tự nhìn vào đó mà đánh giá mức độ rủi ro của mình và tự tuân thủ. Đó là để bảo vệ các CTCK, tạo ra con đường cho CTCK đi. Chúng tôi sẽ kiểm tra định kỳ và đột xuất, CTCK nào vi phạm sẽ bị phạt.