Thoái vốn vội vã
DXD vốn là công ty con của Tổng công ty Mỏ Việt Bắc (MVB), với tỷ lệ sở hữu 51%. MVB là doanh nghiệp Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nắm giữ tới 98,19% cổ phần, niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX từ cuối tháng 10/2020.
Theo các quy định về thoái vốn hiện hành, việc chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thực hiện theo các phương thức giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch của thị trường chứng khoán do sở giao dịch chứng khoán tổ chức và đảm bảo giá giao dịch (giá sàn) không thấp hơn giá khởi điểm.
Nghị định 140/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định 91/2015/NĐ-CP, Nghị định 32/2018/NĐ-CP về việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần và quy định về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 30/11/2020, quy định, “thời hạn sở giao dịch chứng khoán công bố thông tin về giao dịch cổ phiếu chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp cho các nhà đầu tư tối thiểu là 20 ngày trước ngày chuyển nhượng vốn”.
Với phần vốn nhà nước chiếm 98,19%, MVB là đối tượng phải tuân thủ quy định tại Nghị định 140/2020/NĐ-CP. Căn cứ vào thông tin được đăng tải trên website của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thì ngày 1/7/2021, MVB đăng ký bán 51% cổ phần tại DXD và đến ngày 13/7/2021, Công ty đã hoàn tất thoái vốn. Như vậy, chưa đủ thời hạn tối thiểu theo quy định, MVB đã tiến hành thoái vốn tại DXD.
Bên cạnh đó, Nghị định 140/2020/NĐ-CP quy định “việc chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán theo các phương thức giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch của thị trường chứng khoán do sở giao dịch chứng khoán tổ chức phải có bản công bố thông tin theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 140/2020/NĐ-CP”.
Cụ thể, chủ sở hữu vốn phải công bố tình hình, đặc điểm của công ty cổ phần có vốn góp chuyển nhượng; phương án tổ chức thực hiện chuyển nhượng vốn; mục đích chuyển nhượng vốn…
Trên website của MVB và cổng thông tin của HNX, MVB chỉ công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 26/3/2021 về phương thức chuyển nhượng vốn.
Tuy nhiên, trên cả website của MVB và cổng thông tin của HNX, MVB chỉ công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 26/3/2021 về phương thức chuyển nhượng vốn, không có bản công bố thông tin về việc chuyển nhượng vốn theo quy định của pháp luật.
Sở dĩ thương vụ thoái vốn tại DXD của MVB nhận được sự quan tâm của giới đầu tư thời gian qua là vì DXD chỉ có vốn điều lệ 10,1 tỷ đồng nhưng đang quản lý và sử dụng nhiều khu đất mặt tiền đường lớn, như khu đất rộng 4.000 m2 ở huyện Đông Anh, Hà Nội; khu đất rộng 252 m2 ở phường Quán Triều, TP. Thái Nguyên và khu đất 456 m2 ở phường Cẩm Phú, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Với mức giá khớp lệnh 19.500 đồng/cổ phiếu (cao hơn 67 đồng/cổ phiếu so với giá khởi điểm 19.433 đồng/cổ phiếu), ước tính, giá trị chuyển nhượng hơn nửa triệu cổ phiếu, tương ứng 51% cổ phần DXD là 10,1 tỷ đồng.
Những thông tin về thương vụ thoái vốn chỉ được công bố sơ sài dẫn tới câu hỏi, việc định giá được tiến hành ra sao, trên cơ sở nào? Các tài sản vô hình như thương hiệu, lợi thế kinh doanh, đất đai được tính như thế nào vào giá trị doanh nghiệp?
Theo ông Đỗ Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị DXD, MVB đã thuê đơn vị định giá, còn hơn 4.000 m2 ở huyện Đông Anh, Hà Nội là đất thuê, chưa có sổ đỏ.
Tuy nhiên, Nghị định 140/2020/NĐ-CP chỉ rõ, khi xác định giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần thì phải xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước đầu tư, bao gồm cả giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê (thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thuê trả tiền hàng năm).
“Thay máu” lãnh đạo và “ở ẩn”
Sau khi cổ đông nhà nước thoái vốn, DXD công bố 3 cá nhân là Nguyễn Ngọc Tú, Vũ Văn Thái và Trần Thị Huệ đã trở thành cổ đông lớn của Công ty.
Ngày 25/9/2021, sau hai lần tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, DXD đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bầu Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát mới, sửa đổi Điều lệ và hủy tư cách công ty đại chúng.
Ông Vũ Văn Thái được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của DXD. Hồ sơ cho thấy, ông Thái là công nhân của Công ty từ năm 2008 - 2021. Ngoài ra, ông Thái hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Nồi hơi và thiết bị công nghiệp Đông Anh.
Theo thông tin trên mạng đấu thầu quốc gia, Công ty cổ phần Nồi hơi và thiết bị công nghiệp Đông Anh là nhà thầu xây dựng công trình cho MVB và Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh vật tư thiết bị VVMI (công ty con của MVB) các năm 2019 - 2020.
Tại Điều lệ sửa đổi, DXD được đổi tên thành Công ty cổ phần Xây lắp Đông Anh, ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.
Một số nhà quan sát thị trường tin rằng, động thái trên là tiền đề cho việc triển khai dự án bất động sản trên lô đất lớn tại Đông Anh.
Với việc hủy tư cách công ty đại chúng, Công ty sẽ không phải tuân thủ các nghĩa vụ công bố thông tin, đồng thời dễ dàng hơn cho cổ đông lớn thu gom cổ phần của các cổ đông nhỏ, thuận lợi cho việc triển khai các dự án bất động sản sau này.
Tiền thân của DXD là Xí nghiệp Xây lắp Đông Anh, với ngành nghề chính là sản xuất vật liệu xây dựng. Năm 2020, Công ty ghi nhận doanh thu 78 tỷ đồng, lợi nhuận xấp xỉ 73 triệu đồng.
Hồi giữa tháng 7/2021, khi thương vụ thoái vốn diễn ra, giá trị cổ phiếu DXD vụt tăng lên 19.500 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó sụt giảm mạnh. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/9/2021, cổ phiếu DXD chỉ còn 10.700 đồng/cổ phiếu.
Phiên giao dịch ngày 28/9/2021, các cổ đông liên tục đăng ký bán ra cổ phiếu gồm ông Trịnh Hoàng Nam, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty đã đăng ký bán 11.761 cổ phiếu; bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – thành viên Ban Kiểm soát đăng ký bán 697 cổ phiếu; cha bà Hằng – thành viên Ban Kiểm soát đăng ký bán 2.447 cổ phiếu. Ngày 27/9/2021, ông Nguyễn Tiến Việt, Kế toán trưởng đã bán 5.125 cổ phiếu.