“Tiền mất tật mang”
Đầu năm 2011, thời điểm bà Nguyễn Thị Dậu (SN 1957) mua căn nhà 5 tầng, diện tích 135m2 ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội, nhà đất này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do vướng quy hoạch. Tuy nhiên, bà Dậu vẫn yên tâm chi tiền, một phần vì chủ nhà là ông Trần Ngọc Hưng (SN 1962), khi đó đang giữ chức Phó vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương, cam đoan nhà đất không thuộc diện quy hoạch và giải tỏa của Nhà nước.
Hai bên ký hợp đồng mua bán nhà ở và quyền sử dụng đất ở, thỏa thuận giá trị chuyển nhượng là 12 tỷ đồng. Bà Dậu giao trước 11 tỷ đồng, số tiền 1 tỷ đồng còn lại sẽ thanh toán sau khi làm xong thủ tục cấp sổ đỏ hoặc ký hợp đồng tại phòng công chứng.
Vợ chồng ông Trần Ngọc Hưng cũng viết giấy cam kết trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận tiền chưa làm được sổ đỏ thì phải trả lãi 300 triệu đồng/tháng. Sau 6 tháng nếu không làm được sổ đỏ đứng tên bà Dậu, ông Hưng phải trả lại 11 tỷ đồng và chịu phạt số tiền 4 tỷ đồng. Tổng cộng là 15 tỷ đồng.
Sau khi nhận nhà, bà Dậu chuyển đến chỗ ở mới nhưng chỉ sinh hoạt trong thời gian ngắn. Do phải đi nước ngoài, bà Dậu giao nhà cho người cháu trông nom. Cuối năm 2011, khi cháu bà Dậu đang ở thì bị nhóm người lạ mặt đến đe dọa, đuổi ra khỏi nhà. Bà Dậu về nước, đến tìm chủ nhà hỏi chuyện nhưng bất thành.
Vụ việc bị bung bét năm 2014 khi vợ chồng ông Hưng bị bắt về hành vi bán nhà cho nhiều người, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. Suốt 6 năm qua, từ khi bị chiếm nhà đến những lần vợ chồng ông Trần Ngọc Hưng hầu tòa, bà Dậu mệt mỏi đoạn trường đòi nhà, đòi tiền.
Cũng lâm vào tình cảnh "khóc dở mếu dở", chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1967) cho biết, khi mua căn nhà trên, chị có đến kiểm tra nhưng chỉ thấy vợ chồng ông Hưng đang sinh sống ở đó. Tin tưởng ông Hưng có chức vụ, thấy nhà đẹp, giá phải chăng, chị Nhung đóng tiền đặt cọc 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Hưng tiếp tục chuyển nhượng căn nhà trên cho người khác để gán nợ với giá 11 tỷ đồng.
Rủi ro mua nhà bằng giấy viết tay
Với những người mua nhà, ông Hưng đều hứa hẹn nhưng thực tế, cho đến nay, căn nhà không được cấp sổ đỏ. Ông Hưng cũng không trả lại tiền mà chiếm đoạt của các bị hại. Ngoài ra, vợ chồng Trần Ngọc Hưng còn có hành vi thế chấp, bán căn nhà khác ở phường Nghi Tàm (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho nhiều người và chiếc ô tô nhãn hiệu Huyndai, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 51 tỷ đồng.
Tại phiên tòa ngày 4/4/2017, ông Trần Ngọc Hưng bị tuyên phạt mức án chung thân và vợ là Nguyễn Thị Bích 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, việc giải quyết vấn đề trách nhiệm dân sự được các bị hại đặc biệt quan tâm. Trong đó, căn nhà ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội là vật chứng của vụ án hình sự và đang có ba giao dịch liên quan.
Luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, giao dịch nhà đất của bà Nguyễn Thị Dậu là ngay tình, vì có việc mua bán, nhận tiền, giao nhà thật.
Đa số bị hại đều có chung quan điểm cần phát mại căn nhà trên, bán đấu giá để giải quyết quyền lợi của các bên. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân lại cho rằng, căn nhà trên không có sổ đỏ nên không thể định giá giá trị quyền sử dụng đất, đồng thời đề nghị giao cho vợ chồng Trần Ngọc Hưng hoàn tất thủ tục. Đề nghị này không được các bị hại đồng tình. Tuy vấn đề này được mổ xẻ rất nhiều tại tòa nhưng khi tuyên án Hội đồng xét xử hoàn toàn “bỏ lửng”, không đề cập tới.
Rõ ràng, tuy là một giao dịch ngay tình nhưng việc chứng minh và giải quyết vấn đề dân sự trong một vụ án hình sự bao giờ cũng rất phức tạp. Điều này thể hiện những rủi ro khi mua nhà bằng giấy tờ viết tay luôn hiện hữu. Qua thực tiễn xét xử, dễ nhận thấy, người mua nhà có thể mắc bẫy các đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp, khả năng đòi nợ rất nhỏ nhoi. Khi đó, việc mạo hiểm mua nhà bằng giấy tờ viết tay sẽ dễ mang lại quả đắng.