Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Manulife) vừa công bố báo cáo tài chính riêng giữa niên độ, giai đoạn tài chính 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, 6 tháng đầu năm nay doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 11.090 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 6%, đạt 2.543 tỷ đồng. Các khoản thu nhập khác cũng tăng mạnh 71% lên 1.550 tỷ đồng.
Trừ đi các loại chi phí, Manulife Việt Nam báo lãi sau thuế gần 1.950 tỷ đồng, giảm gần 29% so với nửa đầu năm 2022. Đáng chú ý, tổng chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm 6 tháng đầu năm của Manulife tăng vọt lên hơn 8.800 tỷ đồng, tương đương mức tăng 45% so với cùng kỳ.
Điều này có thể lý giải là do Manulife đã phải giải quyết yêu cầu huỷ hợp đồng và bồi thường cho các khách hàng SCB xảy ra từ sau sự cố khủng hoảng của ngân hàng này. Bên cạnh đó, chi trả quyền lợi cho khách hàng mỗi năm đều tăng do số hợp đồng bán mới tăng lên.
Theo Manulife, trong vòng 3 năm qua, chi trả quyền lợi bảo hiểm của Công ty tăng trung bình khoản 35%/năm. Doanh nghiệp bảo hiểm đến từ Canada này cũng ghi nhận lợi nhuận hoạt động tài chính lên tới hơn 2.237 tỷ đồng, tăng mạnh 76% so với cùng kỳ. Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của Manulife đạt 111.544 tỷ đồng, tăng gần 5.200 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, nổi bật là các khoản đầu tư tài chính ngắn và dài hạn của công ty bảo hiểm này với tổng số tiền là 90.636 tỷ đồng.
Trong các khoản đầu tư của Manulife, công ty này đã chi 67.560 tỷ đồng để mua trái phiếu , chiếm tỷ trọng 74,3% và tăng 14,8% so với đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp này bỏ ra 55.860 tỷ đồng để mua trái phiếu Chính phủ hoặc được Chính phủ bảo lãnh. Số tiền còn lại là hơn 11.429 tỷ đồng được Manulife đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính quyền địa phương. Con số này đã giảm hơn 200 tỷ đồng so với nửa đầu năm 2022. Khoản đầu tư vào trái phiếu đã mang về cho công ty này khoảng 1.600 tỷ đồng tiền lãi.
Trong giai đoạn 2021-2022, không đứng ngoài sóng trái phiếu doanh nghiệp, Manulife đã bắt đầu tham gia đầu tư loại hình này, khác với những năm 2015-2020, công ty chỉ đầu tư trái phiếu Chính phủ (lãi suất không cao nhưng đi kèm là tính rủi ro thấp). Tuy nhiên, ngay khi thị trường chứng khoán hồi phục trong nửa đầu năm,Công ty đã chi thêm gần 1.800 tỷ đồng để đầu tư vào kênh cổ phiếu, nâng tổng số tiền lên 9.570 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính hàng năm của Manulife Việt Nam cho thấy, Công ty khá tích cực tham gia trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu như năm 2015-2016, Công ty chỉ nắm hai mã bluechip là VNM của Vinamilk và GAS của PV Gas với giá trị chỉ vào khoảng vài chục tỷ (trong khi tổng giá trị tiền và tương đương tiền nắm giữ là hàng ngàn tỷ đồng) thì từ năm 2017, Manulife Việt Nam đầu tư mạnh hơn vào chứng khoán với giá trị danh mục vượt hơn 1.100 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng của giá trị danh mục đầu tư cổ phiếu ghi nhận tăng trung bình 70%/năm trong giai đoạn 2015-2022.
Manulife Việt Nam là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài đầu tiên hoạt động tại thị trường Việt Nam. Hiện 100% vốn của của công ty thuộc sở hữu của Tập đoàn Tài chính Manulife (trụ sở tại Canada). Công ty này cho biết, đang phục vụ hơn 1,5 triệu khách hàng với mạng lưới 80 văn phòng trên khắp cả nước.
Báo cáo tài chính vừa công bố cho thấy, Công ty đã chi 670 tỷ đồng cho lương nhân viên trong 6 tháng đầu năm 2023. Theo tìm hiểu, chi phí này không chỉ bao gồm lương, thưởng cho đội ngũ nhân viên chính thức mà còn bao gồm chi phí chi trả cho đội ngũ nhân viên thu phí, nhân viên thời vụ, nhân viên thuê ngoài. Bên cạnh đó, chi phí lương này ngoài lương cơ bản còn bao gồm kinh phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm thất nghiệp, các chương trình gắn kết nhân viên và các khoản hỗ trợ khác cho nhân viên...