Hệ thống giám sát của các Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký (VSD) thường xuyên cập nhật, phát hiện các giao dịch bất thường

Hệ thống giám sát của các Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký (VSD) thường xuyên cập nhật, phát hiện các giao dịch bất thường

Mạnh tay với vi phạm để thị trường chứng khoán lành mạnh hơn

(ĐTCK) Từ cuối năm 2015 đến nay, UBCK đã xử phạt 5 trường hợp thao túng giá cổ phiếu với tổng số tiền phạt 2,8 tỷ đồng. Chế tài xử phạt nghiêm khắc hành vi này đã có tác dụng răn đe và đang góp phần giúp TTCK vận hành công bằng, minh bạch và hiệu quả hơn.

Đưa nhiều vụ việc ra ánh sáng

Ngày 11/5/2016, UBCK ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Bùi Thị Ngọc Yến (địa chỉ: 86 Hai Bà Trưng, TP. Pleiku, Gia Lai) số tiền 550 triệu đồng do đã có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Cụ thể, từ ngày 1/7/2015 đến ngày 30/9/2015, bà Bùi Thị Ngọc Yến đã sử dụng 9 tài khoản để giao dịch cổ phiếu CTCP Đầu tư phát triển và thương mại Viễn Đông (mã VID) nhằm mục đích thao túng giá cổ phiếu VID.

Trước đó, vào tháng 3, UBCK đã ra quyết định xử phạt bà Nguyễn Thị Mỹ Kim (Q. 8, TP. HCM) số tiền 550 triệu đồng vì đã có hành vi thao túng giá chứng khoán. Cụ thể, từ ngày 17/4/2015 đến ngày 31/8/2015, bà Nguyễn Thị Mỹ Kim đã sử dụng 6 tài khoản để giao dịch cổ phiếu PDR của CTCP Bất động sản Phát Đạt.

Để thao túng giá đối với một mã chứng khoán, nhiều tài khoản được mở và giao dịch tại nhiều CTCK để nhà đầu tư cũng như cơ quan giám sát không nhận ra sự bất thường. Những tài khoản này đồng thời mua bán nhiều cổ phiếu khác nhau, chứ không chỉ mua bán một số ít cổ phiếu.    

Cuối năm 2015, UBCK đã xử phạt ông Trần Thanh Hữu, Thành viên HĐQT CTCP Cmistone Việt Nam (mã CMI) với mức phạt tiền tối đa của khung hình phạt đối với cá nhân có hành vi thao túng giá chứng khoán là 600 triệu đồng. Ông Hữu đã có hành vi thao túng giá cổ phiếu CMI trong thời gian từ ngày 26/9/2013 đến ngày 13/1/2014. Ngoài ra, ông Hữu còn bị phạt thêm 105 triệu đồng do sử dụng 2 tài khoản khác nhau để thực hiện giao dịch mua-bán cổ phiếu CMI, nhằm che dấu quyền sở hữu thực sự để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định và hành vi thực hiện giao dịch chứng khoán không đúng quy định của pháp luật.

Một số cá nhân khác cũng bị UBCK xử phạt hành chính vì hành vi thao túng giá cổ phiếu như ông Trịnh Công Sơn (Q. Long Biên, Hà Nội) và bà Võ Thị Thu Hằng (Pleiku, Gia Lai). Trong năm 2015, hai cá nhân này đã lập nhiều tài khoản giao dịch, tạo cung cầu ảo đối với cổ phiếu NHP và DLG. Mức phạt dành cho mỗi người là 550 triệu đồng. 

Vì một thị trường minh bạch

Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi giao dịch có dấu hiệu thao túng giá chứng khoán luôn được các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán chú trọng và tăng cường. Từ việc giám sát đến xử lý vi phạm đều được thực hiện theo một quy trình hai cấp.

Cụ thể, Sở GDCK là đơn vị giám sát tuyến đầu, phát hiện đối với các giao dịch có dấu hiệu bất thường, Vụ Giám sát thị trường chứng khoán của UBCK là đơn vị giám sát tuyến hai, sau khi phân tích sâu, thu thập thông tin tài liệu, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm thì UBCK sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra. Do UBCK không có thẩm quyền điều tra, nên một số trường hợp có dấu hiệu thao túng giá chứng khoán sẽ phối hợp với cơ quan công an để xác minh làm rõ.

Đối với chế tài xử phạt hành vi thao túng giá chứng khoán, Nghị định 108/2013/NĐ-CP đã quy định mức phạt rất cao và nghiêm khắc, phạt tiền tối đa đối với tổ chức đến 1,2 tỷ đồng, đối với cá nhân đến 600 triệu đồng. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị tịch thu toàn bộ khoản thu lợi trái pháp luật (nếu có). Chế tài xử phạt nghiêm khắc này đã có tác dụng răn đe và đang góp phần giúp thị trường vận hành một cách công bằng, minh bạch và hiệu quả hơn.

So với giai đoạn trước, thì đến nay, các giao dịch có dấu hiệu thao túng giá đã giảm. Tuy vậy, để phát hiện và đưa ra xử phạt được các vụ thao túng giá, đòi hỏi nỗ lực rất lớn không chỉ của các cơ quan giám sát TTCK mà còn nhiều cơ quan liên quan khác, do hành vi thao túng giá ngày càng tinh vi và phức tạp hơn nhiều.

Để thao túng giá đối với một mã chứng khoán, nhiều tài khoản được mở và giao dịch tại nhiều CTCK để nhà đầu tư cũng như cơ quan giám sát không nhận ra sự bất thường. Những tài khoản này đồng thời mua bán nhiều cổ phiếu khác nhau, chứ không chỉ mua bán một số ít cổ phiếu. Giá cổ phiếu cũng không được đẩy trần liên tục như trước, mà đan xen những phiên tăng-giảm để khó nhận ra sự bất thường trong giao dịch. Do đó, để chứng minh được vi phạm là câu chuyện vô cùng khó khăn và vất vả, nhiều vụ việc kéo dài hàng năm trời.

Bên cạnh phát hiện và xử phạt những hành vi làm giá, thao túng giá cổ phiếu, UBCK còn mạnh tay xử phạt các vi phạm về báo cáo và công bố thông tin, vi phạm về quản trị doanh nghiệp của một số công ty đại chúng, vi phạm của CTCK cho vay ký quỹ chưa đúng quy định. Điểm đáng mừng là hệ thống giám sát của các Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký (VSD) hiện đã vận hành thông suốt, thường xuyên cập nhật, phát hiện các giao dịch bất thường. Đây chính là cơ sở dữ liệu, thông tin ban đầu để các cơ quan của UBCK vào cuộc  phân tích, làm rõ và kiểm tra xử lý vi phạm về giao dịch trên thị trường.

Giám sát chặt chẽ, yêu cầu giải trình, kiểm tra và xử phạt nghiêm khắc, những động thái này có tác dụng răn đe rất lớn với các chủ thể tham gia thị trường. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, tới đây sẽ có thêm những vụ việc được đưa ra ánh sáng, tạo ra sự công bằng minh bạch trên thị trường. Thông điệp tại cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp mới đây rất mạnh mẽ, đó là thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, thực hiện vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Để làm được điều đó, cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát để thị trường vận hành ngày càng công bằng, minh bạch và hiệu quả.     

Năm 2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự mới, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Theo đó, yếu tố cấu thành tội phạm đối với tội Thao túng giá chứng khoán đã có sự thay đổi. Điều 211 quy định, nhà đầu tư có hành vi thao túng giá chứng khoán (1) thu lợi bất chính, hoặc (2) gây thiệt hại cho nhà đầu tư ở mức độ cụ thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, yếu tố xác định tội phạm mở rộng hơn, nếu không xác định được mức thiệt hại cho nhà đầu tư thì có thể căn cứ vào mức thu lợi bất chính để truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, mức thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự (phạt tiền tối đa đến 4 tỷ đồng hoặc phạt tù) tối đa đến 7 năm.

Năm 2011, vụ án tại CTCP Dược Viễn Đông (mã DVD) đã được đưa ra xét xử. Trong tài liệu vụ án, hậu quả từ hành vi thao túng giá chứng khoán được xác định là thiệt hại phi vật chất như: gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về TTCK; làm mất niềm tin của nhà đầu tư vào TTCK; làm ảnh hưởng đến sự công bằng, tính minh bạch, công khai và an toàn của TTCK.

Tin bài liên quan