Các doanh nghiệp bảo hiểm đang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ

Các doanh nghiệp bảo hiểm đang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ

Mạnh tay thanh lọc thị trường bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cùng với các quy định chặt chẽ về việc bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng, bán bảo hiểm liên kết đơn vị, các cơ quan chức năng đang siết lại chất lượng việc đào tạo và cấp chứng chỉ bán bảo hiểm cho đại lý.

Tìm hiểu từ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho thấy, thời gian qua, Bộ Tài chính đã giảm số lượng các trung tâm thi tuyển đại lý từ hơn 40 trung tâm xuống còn hơn 20 trung tâm. Tần suất thi nhiều nơi cũng giảm từ 2 kỳ/tháng xuống còn 1 kỳ/tháng… Nếu như trước kia cơ quan quản lý chỉ quản lý việc cấp chứng chỉ hành nghề đại lý, thì giờ đây phụ trách luôn cả việc duyệt quyền bán các sản phẩm bảo hiểm đầu tư liên kết đơn vị (ILP).

Bên cạnh đó, để đảm bảo sự phát triển bền vững của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, quy định tại Nghị định 46/2023/NĐ-CP và Thông tư 67/2023/TT-BTC (hướng dẫn một số điều tại Luật Kinh doanh bảo hiểm) đã tập trung vào 3 trụ cột chính, gồm: tăng cường tính minh bạch trong cung cấp bảo hiểm qua ngân hàng; đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia của khách hàng; tăng cường giám sát và đảm bảo chất lượng của hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Cụ thể, Điều 62, Nghị định 46/2023/NĐ-CP đã bổ sung các yêu cầu đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng. Theo đó, tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng sẽ phải thiết lập một quầy giao dịch riêng để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, tách biệt với khu vực hoạt động nghiệp vụ khác của tổ chức tín dụng.

Đồng thời, tại Điều 52, 53, Thông tư 67/2023/TT-BTC tiếp tục bổ sung các quy định trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm các thông tin về sản phẩm bảo hiểm thông qua các tài liệu do doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng và cung cấp.

Đặc biệt, đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, quá trình tư vấn của đại lý phải được ghi âm, yêu cầu đại lý thông tin cho khách hàng về công cụ tính toán, giúp bên mua bảo hiểm có thể tự xây dựng được kế hoạch bảo hiểm và quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm khách hàng dự kiến tham gia trên trang thông tin điện tử (website) của doanh nghiệp bảo hiểm.

“Tuyển dụng đại lý bảo hiểm mới thời gian qua đã khó khăn hơn, bởi sức cầu yếu, thị trường suy giảm niềm tin vào bảo hiểm sau vụ khiếu nại của diễn viên Ngọc Lan, vụ SCB thì nay sẽ càng khó hơn”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chia sẻ.

Nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán cũng cho biết, một số công ty bảo hiểm đã và đang có kế hoạch đóng cửa nhiều văn phòng vì doanh thu sụt giảm. Điều này đồng nghĩa với việc đội ngũ phát triển - hỗ trợ kinh doanh, huấn luyện bị dôi dư. Có thể cuối năm nay, nhiều nhân viên bảo hiểm sẽ mất việc.

Theo một số liệu ước tính, thời điểm này, tuyển mới đại lý của thị trường đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ. Trong khi, tỷ lệ đại lý mới tuyển dụng trên 90% nghỉ việc trong vòng 12 tháng.

Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho biết, nếu tính cả thị trường, tổng đại lý bảo hiểm năm 2022 đạt 1.096.404 đại lý, giảm 2,1% so với năm 2021. Trong đó, đại lý bảo hiểm nhân thọ là 917.122 người, tăng 0,5% so với năm 2021. Đại lý bảo hiểm phi nhân thọ là 179.282 người, giảm 13,72% so với năm 2021.

Đối với bảo hiểm nhân thọ, riêng năm 2022, đã có hơn 3.100 đại lý vào danh sách vi phạm với nhiều hành vi. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, ngoài các vi phạm như cùng lúc làm đại lý cho nhiều hãng hay liên quan đến tài chính, có trường hợp đại lý tuyên truyền, quảng cáo sai về sản phẩm, dịch vụ.

“Cũng đến lúc cơ quan quản lý phải mạnh tay hơn để thị trường bảo hiểm phát triển chất lượng và bền vững, dù hậu quả của đợt thanh lọc sẽ khá nặng nề cho tất cả các doanh nghiệp. Thị trường bảo hiểm có thể ví von như đang trải qua một đợt “xạ trị”. Doanh nghiệp nào sức đề kháng mạnh thì sẽ qua. Các doanh nghiệp bảo hiểm hiện đều phải tập trung đào tạo, quản lý chất lượng tư vấn, nâng cao chất lượng dịch vụ để lấy lại uy tín. Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải cắt giảm mạnh chi phí để tồn tại..”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.

Tin bài liên quan