Mạnh tay “cứu” nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Các bước họp bàn đầu tiên về “gói hỗ trợ lần 2” cho nền kinh tế đã chính thức được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
“Gói hỗ trợ lần 2” được kỳ vọng phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế.

“Gói hỗ trợ lần 2” được kỳ vọng phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Lần này, kỳ vọng của người đứng đầu cơ quan tham mưu cho Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế là, gói hỗ trợ phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. Và không chỉ là kích thích tăng trưởng kinh tế, gói hỗ trợ này - như khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - là phải đảm bảo đa mục tiêu, phải gắn với quản lý, tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Có nghĩa, gói hỗ trợ sẽ không chỉ hướng đến mục tiêu trước mắt, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, cho những người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mà còn hướng đến các mục tiêu dài hạn hơn, tái cơ cấu để đặt nền tảng cho giai đoạn phát triển hậu Covid -19.

Gói hỗ trợ này, vì thế, dù mới chỉ có những phác thảo ban đầu, song sẽ không đơn thuần là sự “kéo dài thời hạn” các chính sách hỗ trợ hiện có, như giãn, hoãn nộp thuế, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất… nữa, mà còn là các chính sách “mạnh tay” hơn. 

Chẳng hạn, có thể có thêm các hình thức như phát phiếu chiết khấu, phiếu mua hàng, hoặc Chính phủ mua hàng phân phối cho người dân chịu ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội, cho hộ nghèo, cho đối tượng chính sách… Đây là cách vừa hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân một cách hiệu quả, vừa để kích cầu tiêu dùng nội địa.

Ờ thời điểm hiện nay, kích cầu tiêu dùng nội địa là một trong những biện pháp quan trọng để kích thích tăng trưởng kinh tế, cùng với thúc đẩy xuất nhập khẩu và tăng cường giải ngân vốn đầu tư công.

Dễ hiểu vì sao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần có một “gói hỗ trợ lần 2” như vậy. Khi “làn sóng” Covid-19 thứ hai ập đến, nền kinh tế Việt Nam - vốn đang bị tác động nghiêm trọng vì Covid-19 lần một và chưa kịp hồi phục - đã tiếp tục gánh chịu những tổn thất lớn. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ đợt 1, bao gồm cả gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, được cho là “chưa đủ ngấm”. Nhiều người dân, nhiều doanh nghiệp còn chưa kịp nhận được các chính sách hỗ trợ này.

Bởi thế, vấn đề ở “gói hỗ trợ lần 2” này, không chỉ như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, là cần “đủ lớn, đủ mạnh”, mà quan trọng hơn, là xác định đúng đối tượng được hỗ trợ, thực thi nhanh chóng, minh bạch và hiệu quả trong thực tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng tính toán rằng, với GDP khoảng 300 tỷ USD, Việt Nam có thể mạnh dạn tính toán đến việc chi tới 10% GDP, tức tương đương khoảng 30 tỷ USD, để ra thêm các gói hỗ trợ cho người dân, cho nền kinh tế. Có nghĩa rằng, vấn đề không hẳn nằm ở nguồn lực, mà nằm ở khâu thiết kế chính sách và thực thi.

Ở đây, có một câu chuyện cũng cần được nhắc tới. Đã hơn 8 tháng trôi qua kể từ khi ca tử vong đầu tiên ở Vũ Hán (Tung Quốc) được công bố, đến giờ phút này, chắn chắn, không còn quốc gia nào trên thế giới nghĩ rằng, Covid-19 chỉ như một bệnh dịch sẽ nhanh chóng qua đi như dịch SARS hồi năm 2003 nữa. Cũng vì thế, nhiều quốc gia đã tính đến phương án “sống chung” với Covid -19.

Việt Nam cũng đã nhấn mạnh về một “trạng thái bình thường mới”. Nhưng khi đã xác định Covid -19 chưa biết khi nào mới chấm dứt, kể cả khi vaccine đang bắt đầu được sản xuất, trước mắt ở Nga, thì một mặt phải xác định “sống chung an toàn với Covid-19”, mặt khác phải nhanh chóng có kế sách, có chiến lược phát triển mới.

Thế giới rồi sẽ khác đi rất nhiều sau Covid-19. Cấu trúc kinh tế mới sẽ hình thành. Cùng với các giải pháp cứu trợ, thì cũng rất cần có bước chuẩn bị dài hơi hơn cho sự phát triển của nền kinh tế thời kỳ “hậu” Covid -19.

Tin bài liên quan