Bancassurance giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng, nhưng cũng tạo ra sự phức tạp. Ảnh: Đức Thanh
Nóng nghị trường
Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ là một trong các nhóm vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vào sáng 18/3 tới.
Khá nhiều lần, những lình xình của thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn, đã làm nóng nghị trường. Tại nghị quyết chung của Kỳ họp thứ năm (tháng 6/2023), Quốc hội yêu cầu thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.
Gửi báo cáo phục vụ phiên chất vấn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhìn nhận, do phát triển nhanh, thời gian qua, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.
Nếu trước đây, thị trường chỉ có kênh đại lý truyền thống, thì thời gian qua, đã hình thành thêm nhiều kênh phân phối khác là các đại lý tổ chức, mà điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance). “Bancassurance giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng, nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, cần nhìn nhận lại để chấn chỉnh, đưa hoạt động này đúng hướng, lành mạnh.
Ông Phớc cũng cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tăng cường nhiều giải pháp để chấn chỉnh những mặt trái, sai lệch trong triển khai hoạt động khai thác các sản phẩm bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói chung và kênh bancassurance nói riêng.
Cụ thể, các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng “ ép” mua bảo hiểm qua ngân hàng hoặc tư vấn không đúng về sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đã được bổ sung. Theo đó, các tổ chức tín dụng hoạt động đại lý phải giải thích rõ cho khách hàng về sản phẩm bảo hiểm không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng. Việc tham gia bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác của tổ chức tín dụng hoạt động đại lý.
Các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn 60 ngày trước và 60 ngày sau ngày giải ngân toàn bộ khoản vay, nhằm tránh tình trạng các nhân viên ngân hàng sử dụng quyền xem xét, cấp duyệt khoản vay để gây sức ép buộc người vay mua bảo hiểm.
Đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, đại lý bảo hiểm hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải ghi âm lại quá trình tư vấn, trong đó có xác nhận của khách hàng về việc tham gia bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với nhu cầu tài chính. Doanh nghiệp bảo hiểm không được phát hành hợp đồng trong trường hợp nội dung ghi âm không có xác nhận của bên mua bảo hiểm về việc tham gia bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện.
Lên kế hoạch thanh tra với 6 doanh nghiệp
Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra cũng được Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề cập, như trong năm 2022 và năm 2023, Bộ Tài chính tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 10/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (có doanh thu phí bảo hiểm khai thác qua kênh bancassurance chiếm 96,83% tổng doanh thu phí khai thác qua kênh bancassurance của cả thị trường bảo hiểm nhân thọ).
Tuy nhiên, kết quả thanh tra được Bộ trưởng đề cập khá chung chung. Đó là, đã phát hiện các hành vi vi phạm qua kênh bancassurance như sai phạm về việc ban hành quy trình, quy chế, sai phạm về việc tuân thủ biểu phí sản phẩm, đại lý bảo hiểm không tuân thủ quy định công ty và quy định pháp luật.
Qua thanh tra, đã kiến nghị xử lý về tài chính tổng số tiền 21.000 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm, phạt tiền 310 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động ký kết hợp đồng bảo hiểm mới khai thác qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thời hạn.
“Năm 2024, Bộ Tài chính lên kế hoạch thanh tra đối với 6 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó sẽ tiến hành thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir, Công ty TNHH Bảo hiểm Cathay Life Việt Nam)”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Là đại biểu từng mạnh mẽ đề nghị cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại khi sửa Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho biết, sau khi quy định này được đưa vào luật, tình trạng bán chéo bảo hiểm đã được cải thiện rõ rệt. “Cho phép bán bảo hiểm qua ngân hàng là một lỗ hổng của pháp luật, đây là việc làm thể hiện lợi ích nhóm, chứ không có lợi gì cho khách hàng”, ông Thịnh nhận định.
Bên cạnh cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng, để thị trường bảo hiểm hoạt động lành mạnh hơn, theo đại biểu Thịnh, cần tăng cường sự minh bạch và có cơ chế hiệu quả tiếp nhận ý kiến của khách hàng để xử lý kịp thời khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Ở góc độ quản lý nhà nước, cần có đủ số liệu và số hóa dữ liệu về thị trường bảo hiểm giúp cho việc phân tích, đưa ra chính sách kịp thời.
Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính tháng 7/2023 với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng qua kênh ngân hàng thương mại cho thấy, tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%. “Hủy năm đầu đồng nghĩa khách hàng mất không số phí đã nộp, hủy ở năm thứ hai cũng chỉ được chi trả 10%, như thế rõ ràng là có sự không tự nguyện của người mua. Nếu cơ quan quản lý có đủ dữ liệu thì sẽ thấy ngay vấn đề và có phản ứng chính sách phù hợp”, ông Thịnh phân tích.