Ảnh Internet

Ảnh Internet

Mạnh tay “cắt” vốn đầu tư công của các dự án bê trễ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công không phải là “bệnh” mới, mà tồn tại từ nhiều năm nay.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm đang phải trông đợi nhiều vào tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện chức trách được Chính phủ, Thủ tướng giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai quyết liệt các giải pháp để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. 

Thực ra, chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công không phải là “bệnh” mới, mà tồn tại từ nhiều năm nay.

Trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước không gặp phải biến cố lớn, thì việc chậm giải ngân vốn đầu tư công không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, do các động lực cho tăng trưởng được hỗ trợ tốt từ nguồn lực đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, cũng như khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhưng khi đại dịch Covid-19 xảy ra đầu năm 2020 và vẫn đang có diễn biến phức tạp, các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước bị co lại, nên ảnh hưởng mạnh đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Điều này thể hiện qua GDP 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng đầu các năm trong giai đoạn 2011 - 2020.

Bối cảnh khách quan trên không thể cho phép “căn bệnh” chậm giải ngân vốn đầu tư công trầm trọng thêm.

Đầu tư công trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước bị co lại vì dịch Covid-19.   

Do tính chất cấp bách của tình hình, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 122/2020/QH14, theo đó, giao Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong tổng mức vốn ngân sách Trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định.

Sau chỉ đạo trên của Quốc hội, rất nhiều giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ công bố và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rốt ráo triển khai.

Một diễn biến mới nhất của nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn 4767/BKHĐT-TH ngày 23/7/2020 về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh.

Đây là bước đi để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương năm 2020 và nhu cầu bổ sung vốn của các bộ, ngành, địa phương để trên cơ sở đó báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng trong tháng 8/2020 xem xét, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong tổng mức vốn ngân sách Trung ương đã được Quốc hội quyết định.

Căn cứ chỉ đạo trên của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương báo cáo tình hình thực hiện giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 cho các dự án đến ngày 30/6/2020 và 31/7/2020; tình hình giải ngân vốn đến hết tháng 7/2020, dự kiến giải ngân đến ngày 30/9/2020; các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện giải ngân vốn, phân tích rõ nguyên nhân giải ngân không đạt tiến độ, đề xuất giải pháp; nhu cầu bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020, chi tiết từng dự án, lý do.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương khẩn trương rà soát gửi Bộ nhu cầu điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2019 đã được kéo dài sang năm 2020 từ dự án giải ngân chậm sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn đảm bảo giải ngân toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2019 đã được kéo dài sang năm 2020.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các cơ quan Trung ương và địa phương gửi các nội dung báo cáo trên về Bộ trước ngày 5/8/2020, để kịp thời tổng hợp báo cáo Chính phủ và Thủ tướng.

Việc mạnh tay điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân vốn đầu tư công sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, không chỉ được xem là giải pháp cốt lõi để cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2020, cũng như giai đoạn tới, mà không kém phần quan trọng là nhằm tạo sức hút các dòng vốn ngoài khu vực nhà nước dần chảy mạnh hơn vào nền kinh tế khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn cầu.  

Tin bài liên quan