Vai trò của cơ quan quản lý
Những năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nghiên cứu, xây dựng quy định pháp lý tạo thuận lợi cho việc triển khai các dịch vụ thanh toán dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến, góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Đó là việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt và đang xây dựng các văn bản hướng dẫn; Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money); xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng…
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC), Thông tư hướng dẫn phát hành thẻ eKYC (cho phép khách hàng áp dụng công nghệ để mở tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng từ xa, mà không cần phải đến quầy giao dịch của ngân hàng). Theo đó, các công nghệ, giải pháp mới như phân tích dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo, học máy (A.I/M.L), xác thực sinh trắc học… đã được áp dụng với hầu hết các ngân hàng.
Đồng thời, các ngân hàng được khuyến khích nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, tích hợp kết nối thanh toán với cổng dịch vụ công quốc gia và các dịch vụ khác trong nền kinh tế, thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích, nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng tính tiện ích, bảo mật, đem lại lợi ích lớn và thiết thực cho khách hàng.
Những chính sách, quy định kịp thời đã tạo thuận lợi cho các ngân hàng thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán số, biến thanh toán số trở thành một phần quen thuộc trong xã hội, đời sống hàng ngày và đã đem lại một số kết quả cụ thể.
Thứ nhất, đã có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản và 1,5 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC.
Thứ hai, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh điện tử tăng trưởng mạnh trong 5 năm qua như số lượng giao dịch qua di động tăng 50 - 80%/năm; qua Internet tăng 35 - 40%/năm; tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng đạt 66%.
Thứ ba, ngành ngân hàng đã đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán điện tử của người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Đại diện Agribank nhận Giải thưởng Sao Khuê |
“Người đồng hành” đắc lực
Bà Phan Thị Thanh Hà, Phó giám đốc Trung tâm Thẻ Agribank cho biết, là định chế tài chính hàng đầu tại Việt Nam, trong suốt những năm qua, Agribank luôn tự hào đã tham gia và đóng góp tích cực, hiệu quả trong đẩy mạnh triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, Agribank được đánh giá là ngân hàng tiên phong trong đầu tư và cung ứng dịch vụ thẻ, dịch vụ ATM tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng nhu cầu của người dân trên mọi miền đất nước nhằm góp phần hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen.
Thẻ Lộc Việt sẽ là sản phẩm riêng có và là mảng ghép quan trọng giúp Agribank thực hiện tốt chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, gia tăng sự tiếp cận của người dân tới các dịch vụ tài chính ngân hàng, qua đó góp phần hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.
Bà Phan Thị Thanh Hà - Phó giám đốc Trung tâm Thẻ Agribank
“Theo đó, Agribank đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích khách hàng giao dịch trên các kênh điện tử cũng như cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ sử dụng công nghệ để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng”, bà Hà nói.
Với trăn trở, mong muốn tạo ra những “sản phẩm Việt cho người Việt”, đặc biệt là tiết giảm chi phí, trong đó có phí Interchange phải trả các tổ chức thẻ quốc tế, bên cạnh sản phẩm thẻ thấu chi đã triển khai từ nhiều năm nay, từ đầu năm 2022, Agribank đã chính thức triển khai sản phẩm thẻ tín dụng nội địa Lộc Việt với các đặc trưng cơ bản sau:
Thứ nhất, là sản phẩm ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại nhất hiện nay, bảo đảm an toàn, bảo mật trên cơ sở tích hợp hai ứng dụng thẻ “ghi nợ” và “tín dụng” trên cùng một con chip, góp phần tiết giảm chi phí phôi thẻ và giúp khách hàng chủ động, linh hoạt trong việc thanh toán mà không phải cầm theo quá nhiều thẻ.
Thứ hai, sản phẩm phục vụ mục tiêu kép vừa là công cụ tài chính giúp khách hàng tiếp cận được nguồn vốn chính thức với giá cả hợp lý vừa là công cụ thực hiện chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Thẻ Lộc Việt với lợi thế chi tiêu trước, trả tiền sau với thời gian ân hạn lên đến 55 ngày bên cạnh hàng loạt chính sách ưu đãi hấp dẫn của Agribank dành cho khách hàng như miễn phí phát hành thẻ, phí thường niên, phí ứng/rút tiền mặt cũng như lãi suất rất cạnh tranh...
Thứ ba, sản phẩm thẻ Lộc Việt có nhiều cải tiến so với chính các sản phẩm hiện có của Agribank. Cụ thể, hồ sơ, thủ tục hết sức đơn giản tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng. Khách hàng có nhiều lựa chọn các hình thức thanh toán/trả nợ ngay trên ứng dụng emobile banking, sau khi thanh toán hạn mức tín dụng được hoàn ngay cho khách hàng.
Thứ tư, đối tượng thụ hưởng phong phú, là sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; khách hàng sử dụng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); khách hàng sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản tại Agribank. Đặc biệt là đối tượng khách hàng là bà con đang sinh sống và sản xuất – kinh doanh trên địa bàn nông thôn.
Bà Hà tin tưởng, việc đẩy mạnh thẻ tín dụng Lộc Việt sẽ giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn chính thức với chi phí hợp lý, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống như thanh toán điện, nước, điện thoại, học phí, viện phí... cũng như phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thẻ có thể sử dụng trên nhiều kênh thanh toán khác nhau ATM, POS, QR Code, e-mobile banking, ví điện tử, e-commerce cùng với nhiều chương trình, chính sách khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ để thanh toán hy vọng sẽ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
“Với các đặc trưng trên, chúng tôi tin tưởng rằng thẻ Lộc Việt sẽ là sản phẩm riêng có và là mảng ghép quan trọng giúp Agribank thực hiện tốt chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, gia tăng sự tiếp cận của người dân tới các dịch vụ tài chính ngân hàng, qua đó góp phần hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn”, bà Hà nói.