Mảnh ghép còn thiếu trong các Báo cáo thường niên

Mảnh ghép còn thiếu trong các Báo cáo thường niên

(ĐTCK) BCTN là một văn bản được phần lớn các công ty sử dụng nhằm công bố những thông tin về hoạt động kinh doanh của công ty tới các cổ đông của mình.

Các công ty thương mại đại chúng đầu tư rất nhiều tâm huyết và nỗ lực vào BCTN, với việc trình bày dữ liệu tài chính quan trọng, kế hoạch sản xuất sản phẩm mới, thông tin về thị phần trên thị trường cũng như các hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Thêm vào đó, khi tiêu chuẩn đối với hoạt động này được nâng cao hơn, nhiều công ty còn có thêm các báo cáo khác như báo cáo phát triển bền vững. Thực tế, 95% trong số 250 công ty lớn nhất trên thế giới có các báo cáo phát triển bền vững đi kèm BCTN.

Tuy nhiên, có một yếu tố cốt yếu đối với với hoạt động của một công ty lại không xuất hiện trong các BCTN hiện nay. Nếu như khả năng hoạt động của một tổ chức phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người, chính là các nhân viên và những nỗ lực làm việc của họ, thì tại sao có rất ít các công ty công bố con số thể hiện sự gắn bó của nhân viên với công ty.

Thuật ngữ "Employee Engagement" – gắn kết nhân viên đã được sử dụng nhiều trong công tác quản trị nhân lực (HR) và trở thành một chiến lược, định hướng và kỹ năng dành cho cấp quản lý.  Chỉ số gắn kết nhân viên dùng để đo lường mức độ "sẵn sàng" của người lao động cả về thể chất (physical), tinh thần (mental) và cảm xúc (emotional) khi được làm việc trong một tổ chức doanh nghiệp. Chỉ số này rất quan trọng đối với người lãnh đạo, giúp họ có những quyết sách phù hợp để điều chỉnh người lao động đi đúng hướng với mục tiêu của doanh nghiệp.

Rất nhiều nghiên cứu và khảo sát cho thấy, mức độ gắn kết của nhân viên với công ty là yếu tố đứng đầu góp phần vào sự phát triển của công ty. Một nghiên cứu của Gallup chỉ ra rằng, các công ty nằm trong top 25% quan tâm tới số liệu cho thấy sự gắn kết của nhân viên với tổ chức thường có năng suất làm việc và khả năng sinh lợi cao hơn đáng kể.

Cũng theo Gallup, trong giai đoạn khảo sát từ năm 2010 – 2011, các tổ chức với mức độ gắn kết trung bình của nhân viên trong mỗi một hoạt động khoảng 9,3% thì có chỉ số EPS cao hơn 147% so với các đối thủ của họ trong cùng giai đoạn. Ngược lại, các công ty có mức độ gắn kết vào khoảng 2,6% sẽ có EPS thấp hơn 2% so với các đối thủ cạnh tranh trong cùng thời kỳ.

Hãng tư vấn Nguồn nhân lực Aon Hewitt cũng đã thực hiện những nghiên cứu và phân tích mở rộng, qua đó tìm ra rằng, cứ mỗi 1% mức độ nhân viên gắn kết với công ty tăng lên thì doanh số bán hàng cũng sẽ tăng lên tương ứng 0,6%. Điều này có nghĩa, với một công ty trị giá 5 tỷ USD, với tổng lợi nhuận bán hàng khoảng 55% và lãi suất kinh doanh 15% số tiền 5 tỷ trên, thì với 5% mức độ gắn kết tăng lên, công ty này sẽ thu về thêm 102 triệu USD doanh số.

Vậy còn các tác động tới giá cổ phiếu? Alex Edmans từ Wharton School đã xem xét mối quan hệ giữa “các công ty tốt nhất để làm việc tại Mỹ” (theo danh sách của Tạp chí Fortune) và lợi nhuận dài hạn của cổ phiếu. Ông đã phân tích những hoạt động của các danh mục đầu tư có giá trị cao của các công ty từ năm 1984 tới năm 2009 và nhận ra rằng, các công ty này làm tốt hơn tại các lĩnh vực của mình và có giá trị thị trường thường niên của cổ phiếu tăng trưởng từ 2% tới 3% mỗi năm so với cùng kỳ các năm.

Nếu mức độ gắn bó của nguồn nhân lực tạo nên các kết quả tài chính tốt, vậy tạo sao có rất ít các công ty thể hiện số liệu này trong BCTN của mình. Theo khảo sát của SAPVoice, chỉ có Philips, United States Postal Service, Allianz, TD Bank và Clorox có thể hiện số liệu này trong BCTN của mình.

Cho dù bạn là nhà đầu tư, nhân viên hay sắp trở thành nhân viên, một bức tranh toàn cảnh về sự gắn bó của nhân viên với công ty có thể giúp bạn có cái nhìn hữu ích về hoạt động của một công ty. Có thể thấy, đã đến lúc chỉ số gắn kết nhân viên có được vị trí xứng đáng trong BCTN của các công ty trên toàn cầu.

Tin bài liên quan