Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam được nhìn nhận là rất tiềm năng. Ở góc độ nhà tư vấn, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Một cuộc khảo sát được tiến hành bởi EY cho thấy, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn còn nhiều không gian để phát triển. Theo đó, thứ nhất, lĩnh vực dịch vụ tài chính của Việt Nam có thể tăng trưởng tới 7,4 tỷ USD.
Thứ hai, dù cơ sở hạ tầng ngân hàng đã đáp ứng được nhu cầu của người dân nhưng vẫn còn một số lượng lớn dân cư không giao dịch ngân hàng/dưới tiêu chuẩn dịch vụ của ngân hàng.
Thứ ba, người tiêu dùng đang thay đổi thói quen từ tiết kiệm sang “mua bây giờ trả tiền sau” (buy now pay later), điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu về tài chính của người tiêu dùng.
Thứ tư, sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và những khách hàng có mong muốn tiêu dùng sẽ dẫn tới tiềm năng tăng trưởng tốt hơn cho hàng hóa không thiết yếu.
Thứ năm, dân số trẻ với thế hệ millennial (những người có độ tuổi từ 18 – 35), am hiểu công nghệ chiếm số lượng lớn là tiềm năng cho thị trường sản phẩm công nghệ cao.
Thứ sáu, thị trường bán lẻ phát triển nhanh đã thúc đẩy bán lẻ và chi tiêu hộ gia đình. Thứ bảy, sự bùng nổ của các công ty FinTech dẫn đến cơ hội hợp tác trong việc tận dụng công nghệ kỹ thuật với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều người dân ở khu vực nông thôn gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, do đó phải tìm tới các hiệu cầm đồ, tín dụng đen, với giá trị các khoản tín dụng được ước tính gấp 4 lần tín dụng truyền thống. Trong khi đó, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam mới chỉ lên tới 15,1 tỷ USD và tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ.
Đặc biệt, vòng đời của tài chính tiêu dùng là: bắt đầu, tăng trưởng, bão hòa, xuống dốc. Trong khi các quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines đang tăng trưởng, thậm chí Singapore còn bắt đầu xuống dốc thì Việt Nam mới đang bắt đầu tham gia vào công cuộc này. Rõ ràng, mảnh đất tài chính tiêu dùng ở Việt Nam còn rất màu mỡ.
Bà Nguyễn Thùy Dương
Do màu mỡ nên sức hút của thị trường rất lớn, đi kèm với đó là những lùm xùm xung quanh công ty tài chính tiêu dùng với người dân thời gian qua. Bà suy nghĩ gì về vấn đề này?
Quan điểm của tôi là thuận mua vừa bán. Người đi vay tài chính tiêu dùng không thể chỉ “kêu than” mà cần phải đối mặt với thực tế: chấp nhận đã đi vay thì phải trả, lãi suất cao cũng phải trả.
Điều tôi muốn nhấn mạnh hơn là người dân cần phải được hướng dẫn tốt hơn về sản phẩm và dịch vụ mình sử dụng; cần có sự hiểu biết tối thiểu về sản phẩm mình định sử dụng trước khi tham gia ký kết hợp đồng nếu không muốn sau này sẽ cảm thấy bị lừa.
Về vấn đề này, tôi đồng tình với quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong Dự thảo mới liên quan đến công ty tài chính tiêu dùng, NHNN yêu cầu công khai minh bạch hợp đồng để giúp người vay hiểu biết về sản phẩm. Điều này thể hiện, cơ quan quản lý có ý thức trong việc tạo không gian để thị trường phát triển, đồng thời đảm bảo không có sự đổ vỡ để phải xử lý trong tương lai.
Tôi ủng hộ cho vay tài chính tiêu dùng vì đây là điều cần thiết, cho phép số cư dân không có giao dịch ngân hàng có thể tham gia vào các sản phẩm tài chính. Bên cạnh đó, sự ra đời nhiều công ty tài chính tiêu dùng đồng nghĩa với việc gia tăng cạnh tranh, người dân sẽ có nhiều lựa chọn sản phẩm, dịch vụ.
Hiện tại, đã có khá nhiều công ty tài chính tiêu dùng và thời gian tới dự báo sẽ có một số công ty nữa ra mắt. Theo bà, đâu là thách thức trên thị trường hiện tại?
Các công ty tài chính tiêu dùng cần phải đầu tư vào công nghệ. Số lượng người đi bán hàng (direct sales agents) của các công ty tài chính rất lớn và cần phải được đào tạo bài bản. Ví dụ: Home Credit có 5.000 POS và 8.000 nhân viên; FE Credit có 4.000 POS và 6.100 nhân viên; HD Saison 5.000 POS và 4.300 nhân viên.
Câu chuyện nữa cần tính toán đến đó là khi đào tạo được nhân viên, không cẩn thận vẫn dễ “mất”, bởi công ty đối thủ chiêu mộ. Điều này dẫn tới công ty tài chính tiêu dùng mất khách.
Bên cạnh đó, hiện tại, 80% công ty tài chính tiêu dùng giải ngân, thu nợ qua 2.000 điểm bưu điện, thời gian tới có thể đa kênh hơn như ví điện tử hoặc sử dụng trung gian. Đặc biệt, không chỉ ngân hàng mà công ty tài chính tiêu dùng cũng phải đối mặt với làn sóng FinTech.
Tôi cho rằng, năm 2017 dự đoán là một năm bắt đầu khởi sắc trong tăng trưởng tín dụng không chỉ lĩnh vực ngân hàng mà cả công ty tài chính tiêu dùng. Tuy nhiên, câu hỏi phía trước đặt ra là, trong nhiều cái lợi, lấy cái lợi trước mắt hay sự bình ổn lâu dài? Tài chính tiêu dùng là mảnh đất màu mỡ cần máy móc hiện đại khai phá, nhưng bên cạnh đó, tư duy của người “lái máy” cũng như người “ăn gạo” cần phải có sự thay đổi.
Có sự dịch chuyển từ tín dụng doanh nghiệp sang tín dụng tiêu dùng
Lãnh đạo cao cấp Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
Trong 10 năm qua, xu hướng tiêu dùng thị trường Việt Nam thay đổi rõ rệt, người dân sẵn sàng chi tiêu trước thay vì tiết kiệm trước, chi tiêu sau; chuyển từ tiền mặt sang thẻ tín dụng trong thanh toán và sử dụng các kênh bán lẻ trực tuyến thay vì chuỗi cửa hàng bán lẻ như trước kia.
Xu hướng trên tác động lớn đến tín dụng tiêu dùng. Cụ thể, theo thống kê của NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng bình quân là 20%/năm từ năm 2010 tới nay. Thị phần tín dụng tiêu dùng tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại (chiếm 90,7%), nhóm công ty tài chính chỉ chiếm 9,3%. Sự chênh lệch lớn về thị phần của hai nhóm là do danh mục cho vay của các ngân hàng thương mại chủ yếu là các mặt hàng có giá trị cao trong khi nhóm công ty tài chính hướng đến các khoản vay giá trị thấp hơn.
Trong tương lai, đầu tư tài chính cho tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển mạnh và có sự dịch chuyển từ tín dụng doanh nghiệp sang tín dụng tiêu dùng, đặc biệt khi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều tổ chức tín dụng xác định chiến lược phát triển trong thời gian tới là mở rộng tín dụng tiêu dùng và thành lập các công ty tài chính để chuyên môn hóa tín dụng tiêu dùng.
Hiện tại, hệ thống có 14 công ty tài chính và 12 công ty cho thuê tài chính, thị phần tài sản và dư nợ rất thấp, lần lượt là 1,3% và 0,3%. Tín dụng tiêu dùng cuối năm 2016 ước tính khoảng 605 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm, chiếm 11,4% tổng tín dụng. Nếu so sánh với GDP thì tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/GDP của Việt Nam là khoảng 9,8%, tăng mạnh so với 2010 (2,3%), nhưng vẫn thấp hơn các nước như Mỹ (23%), Đức (10,5%), Anh (16%), Malaysia (14%).
Đặt mục tiêu tăng trưởng 50% năm 2017
Ông Ivo Slanina, Giám đốc điều hành Home Credit Việt Nam
Home Credit đã có một năm 2016 kinh doanh rất thành công khi doanh số cho vay của chúng tôi tăng đều đặn lên mức kỷ lục mới mỗi tháng. Tính đến cuối tháng 11/2016, doanh số cho vay của Home Credit trong mảng cho vay hàng điện máy, điện tử và tiền mặt đều tăng hơn gấp đôi so với năm 2015 và mảng xe máy tăng hơn 50%. Điều quan trọng hơn hết là lượng khách hàng của chúng tôi cũng tăng đáng kể. Tính đến nay chúng tôi đã có hơn 4,7 triệu khách hàng trong cơ sở dữ liệu của mình.
Năm 2017, mục tiêu tăng trưởng của Home Credit là 50%. Để đạt được mức này, chúng tôi sẽ tiếp tục những chiến lược đang thực hiện với mảng điện máy điện tử mà Công ty đang chiếm thị phần khá lớn (hơn 60%), đồng thời tập trung phát triển hơn nữa dịch vụ cho vay trả góp với các mặt hàng gia dụng.
Hiện nay thị trường bất động sản đang phát triển mạnh, nhiều dự án căn hộ đang hình thành, do vậy những mặt hàng gia dụng sẽ rất cần thiết và đây thực sự là một thị trường rất tiềm năng cần được khai thác.
Cần xây dựng văn hóa vay mượn
Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB
Công ty tài chính tiêu dùng SHB chỉ nhắm tới phân khúc khách hàng duy nhất là tài chính tiêu dùng để: mua đồ điện tử, chi trả hàng hoá dịch vụ khác mà mỗi món vay từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Tóm lại, “công ty tài chính tiêu dùng” đi vào nhu cầu tài chính siêu nhỏ của một bộ phận người dân như sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp.
Như vậy, ngoài việc phát triển mảng bán lẻ dịch vụ vụ tài chính tiêu dùng của ngân hàng, còn góp phần giảm cho vay nặng lãi, tín dụng đen.
Đối với vấn đề thu hồi nợ, một nguyên tắc là không được sử dụng và có hành vi như “xã hội đen” để đòi nợ. Với khách hàng khó khăn, phải phân loại rõ, khó khăn nào là thực sự để Công ty cùng họ tháo gỡ. Nỗ lực xây dựng nền tảng văn hoá vay mượn là một trong những hướng đi mà SHB theo đuổi từ khi thành lập đến nay. Hơn nữa, chúng ta có một hệ thống và cơ chế luật pháp khá đầy đủ, phải dựa vào đó để xử lý những vướng mắc và bất đồng.