Mảnh đất màu mỡ của công ty chứng khoán

Mảnh đất màu mỡ của công ty chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đầu tư vào hệ thống có thể nắm bắt và phân tích hành vi của khách hàng là chìa khóa để bán chéo sản phẩm trong kỷ nguyên số hóa. Đây được xem là bước phát triển tiếp theo của ngành chứng khoán.

Tiếp nối giai đoạn lớn lên về quy mô vốn, mở rộng thị phần, tạo tệp khách hàng gắn bó, nhiều công ty chứng khoán đang có sự đầu tư lớn cho công nghệ và số hóa, chuẩn bị cho bước phát triển cùng thị trường chứng khoán đầy tiềm năng. Đo ni đóng giày sản phẩm, dịch vụ cho từng khách hàng, xử lý và phân loại nhu cầu hàng triệu tài khoản sẽ không thể hiệu quả nếu thiếu công nghệ, số hóa.

Các tiềm năng này đến từ nhu cầu phân bổ vào các kênh tài sản nhiều hơn của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng; tỷ lệ người dân tham gia thị trường so với dân số còn thấp so với trong khu vực.

Bên cạnh đó, như ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank chia sẻ, nhu cầu của các nhà đầu tư cá nhân/tổ chức và các doanh nghiệp về những giải pháp tài chính tiên tiến hơn đang tăng trưởng mạnh mẽ (như cổ phiếu, sản phẩm liên kết đầu tư, chứng chỉ quỹ…) và gọi vốn (như IPO, phát hành riêng lẻ…). Xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về giá trị thương vụ, Việt Nam hiện là điểm nóng M&A, là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp tư vấn tài chính.

Triển vọng lớn từ thị trường chứng khoán Việt Nam là nhân tố chính để các tập đoàn tài chính nước ngoài, tập đoàn đa ngành, định chế tài chính… muốn đặt chân vào mảnh đất màu mỡ này. Cũng bởi vậy, các thương vụ M&A công ty chứng khoán nở rộ trong vài năm nay và đang ở giai đoạn “khan hiếm nguồn hàng”.

Các thương vụ mới nhất có thể kể đến như Momo mua 49% vốn Công ty Chứng khoán CV, SBS về tay một tập đoàn bất động sản trong nước; hay Chứng khoán Globalmind

Capital có bóng dáng các nhân sự cấp cao của VIB, VPBank mua lại Công ty Chứng khoán ASC và rót hơn 8.600 tỷ đồng để tăng vốn… Không khó để nhận ra các thương vụ này đều có đặc điểm chung là bên mua có sẵn tệp khách hàng lên tới con số hàng triệu, có nhu cầu về tài chính, đầu tư. Việc có thêm công ty chứng khoán như là mảnh ghép quan trọng để hoàn thiện hệ sinh thái và bán chéo sản phẩm tới tận tay khách hàng.

Nhìn vào bức tranh chung của ngành chứng khoán, MSVN nhận định, hầu như chưa có công ty chứng khoán nào đầu tư mạnh vào lĩnh vực số hóa. Nguyên nhân là ngành chứng khoán vẫn còn non trẻ và những hoạt động số hóa đòi hỏi vốn đầu tư không nhỏ.

Tín hiệu cho thấy các công ty chứng khoán lớn có khả năng đầu tư hơn nữa vào công nghệ để thích ứng với môi trường kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng.

Tuy nhiên, trong 3 - 5 năm tới, tín hiệu cho thấy các công ty chứng khoán lớn, với nền tảng khách hàng vững chắc sẽ có khả năng đầu tư hơn nữa vào công nghệ để thích ứng với môi trường kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng và củng cố lợi thế cạnh tranh.

Những công ty chứng khoán sớm đầu tư phát triển số hóa sẽ có các nguồn doanh thu đa dạng (bán chéo các sản phẩm quản lý tài sản và/hoặc các thương vụ/sản phẩm tư vấn tài chính liên quan đến khách hàng tổ chức). Tương tự ngành ngân hàng, ngành chứng khoán có thể sẽ chứng kiến sự hợp nhất lớn với dưới 10 công ty chứng khoán (trên 72 công ty chứng khoán hiện nay) sẽ chiếm phần lớn thị phần trong tất cả các phân khúc.

Dĩ nhiên, mảng khách hàng cá nhân vẫn sẽ sinh lợi tốt. Dù có sự cạnh tranh gay gắt, nhưng đây lại là nền tảng để các công ty chứng khoán triển khai thêm các dịch vụ, sản phẩm khác.

Với khách hàng tổ chức, tiềm năng đều được nhìn nhận rõ, nhưng rào cản để gia nhập Top thị phần môi giới không hề dễ. Các tên tuổi nổi bật nhất vẫn là VCI, SSI và HCM và ở hầu hết các công ty chứng khoán khác chiếm tỷ trọng cực nhỏ.

Điều này một phần đến từ đặc điểm của thị trường Việt Nam đang có tỷ trọng giao dịch 85 - 90% thuộc về nhà đầu tư cá nhân nên các công ty chứng khoán tập trung đối tượng này là dễ hiểu. Song song đó, các khách hàng tổ chức có yêu cầu rất cao đối với công ty chứng khoán về bảo mật thông tin, giao dịch thông suốt, thanh toán tiện lợi, tính tuân thủ, quản lý rủi ro…

Việt Nam vẫn là thị trường cận biên nên việc thu hút các tổ chức nước ngoài lớn còn hạn chế. Theo đó, trong giai đoạn vừa qua, để có thể có thị phần lớn, các công ty chứng khoán cần thêm cơ sở khách hàng quốc tế lớn.

Còn một yếu tố khác khiến tỷ trọng khách hàng tổ chức còn ít, đó là các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới bắt đầu tiếp cận các hình thức huy động vốn phức tạp hơn, bên cạnh việc vay ngân hàng và phát hành trái phiếu, do đó, sự tăng trưởng về nhu cầu của nhóm này cần thêm thời gian.

Điều này cũng đồng nghĩa với cơ hội cho các công ty chứng khoán đáp ứng được về vốn, nhân sự, mạng lưới quan hệ, pháp lý và cả tệp khách hàng tốt.

Mảng khách hàng tổ chức sẽ là động lực tăng trưởng chính trong 3 - 5 năm tới. Hiện tại, nhà đầu tư tổ chức đóng góp khoảng 10% tổng khối lượng giao dịch, tương đương 100 triệu USD trong tổng giá trị giao dịch trung bình hàng ngày dưới 1 tỷ USD.

Trong khi đó, tổng giá trị giao dịch hàng ngày ở Thái Lan là khoảng 3 tỷ USD với tỷ trọng của các nhà đầu tư tổ chức là 50%. Mảng môi giới khách hàng tổ chức ở Việt Nam, vẫn còn dư địa tăng trưởng đáng kể.

Điểm tích cực để kỳ vọng trong trung hạn, đó là câu chuyện nâng hạng thị trường của Việt Nam, dự báo sẽ thu hút lượng vốn lớn của nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ vào thị trường, nhiều nhà đầu tư tổ chức cũng sẽ quan tâm nhiều hơn. Thực tế cũng cho thấy, vài năm gần đây, các nhà đầu tư Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc và cả châu Âu đã tăng cường đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Về lâu dài, khi bức tranh thị phần dần được định hình, các công ty chứng khoán sẽ tập trung vào lợi nhuận bằng việc bán chéo các sản phẩm tài chính cao cấp hơn cho khách hàng cá nhân và tổ chức. Việc này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng sinh lời.

Với mảng khách hàng cá nhân, bán chéo các sản phẩm quản lý tài sản là chìa khóa quan trọng trong khi các doanh nghiệp tổ chức thường tập trung vào IB&A/thị trường vốn (ECM). Cuộc đua về quản lý tài sản ở mảng khách hàng cá nhân đã đi được nửa chặng đường, trong khi chỉ mới bắt đầu ở mảng khách hàng tổ chức.

Ở giai đoạn hiện nay, rõ ràng nhu cầu về vốn, nền tảng mạng lưới và số hóa đang thể hiện rõ rệt, mở ra cơ hội M&A, nhu cầu IB&A, các cách thức huy động vốn mới, bao gồm thu nhập cố định và cổ phiếu tăng lên.

Ông Quản Trọng Thành chia sẻ, hiện có 93 doanh nghiệp nhà nước đang trong lộ trình IPO và 209 doanh nghiệp trong lộ trình thoái vốn, bao gồm các tên tuổi lớn trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, bán lẻ, nhà hàng khách sạn và logistics.

MSVN cho rằng dịch bệnh Covid-19 sẽ không còn là vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến thị trường trong năm 2022 và Ủy ban Hành pháp Chính phủ (được thành lập vào năm 2021) sẽ tập trung giải quyết các vướng mắc pháp lý nhằm đẩy nhanh vòng cuối của quá trình tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước trong nỗ lực nâng cao hiệu quả chung của nền kinh tế. Điều này sẽ giúp hoạt động M&A sẽ diễn ra sôi nổi hơn. Qua đó, phần việc cho các công ty chứng khoán cũng nhiều hơn.

Tin bài liên quan