Mạng xã hội Việt kiếm tiền từ đâu?
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết năm 2020, số lượng người dùng mạng xã hội Việt Nam đạt khoảng 90 triệu tài khoản thường xuyên, đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ vượt bậc của các mạng xã hội Việt. Trong đó, Zalo dẫn đầu với khoảng 60 triệu tài khoản, Mocha có 12 triệu thành viên, còn 2 tân binh mới gia nhập thị trường là Gapo đạt 6 triệu thành viên và Lotus có khoảng 2,5 triệu thành viên.
Xét về tương quan lực lượng, số lượng người dùng thường xuyên của mạng xã hội Việt đã sắp đuổi kịp số người dùng thường xuyên mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube, Tik Tok… Nhưng vấn đề là dù đạt số lượng người dùng khá lớn, nhưng việc khai thác, kinh doanh của mạng xã hội Việt Nam so với mạng xã hội xuyên biên giới thì vẫn như cậu bé so với người khổng lồ.
Nếu như các mạng xã hội ngoại kiếm khoảng hơn 1 tỷ USD từ thị trường Việt Nam bằng việc bán quảng cáo, bán dữ liệu người dùng, thì chưa có bất kỳ số liệu nào về doanh thu của các mạng xã hội Việt, ngoài số liệu rót vốn đầu tư.
Zalo hiện đã bắt đầu triển khai kinh doanh, khai thác số lượng người dùng thường xuyên của mình bằng cách cung cấp hàng loạt dịch vụ như: Zalo Hotel (đặt phòng khách sạn trong nước), Zalo Transport (bán vé xe khách, vé máy bay), Zalo Bank (tư vấn dịch vụ tài chính), Zalo Food (đặt đồ ăn), Zalo Shop (gian hàng thương mại điện tử). Ngoài ra, Zalo còn phối hợp với các địa phương, bộ, ngành cung cấp dịch vụ hành chính công.
Từ khi ra đời vào năm 2012 đến nay, các con số về đầu tư vào Zalo cũng như doanh thu, lỗ lãi đều nằm trong vòng bí mật. Ngay cả trong báo cáo tài chính hàng quý, hàng năm của VNG, cha đẻ của Zalo, cũng không hề được đề cập đến.
Còn Mocha, với sự hậu thuẫn về công nghệ và tài chính của Viettel, dù có sự tăng trưởng vượt bậc về lượng người dùng, nhưng vẫn chưa có sự đột phá nào về doanh thu, lợi nhuận khai thác được. Mocha vẫn trên con đường hướng đến tệp người dùng trẻ, năng động của mình bằng việc cung cấp nền tảng gọi và nhắn tin miễn phí, nghe nhạc, xem phim, video, đọc tin tức, chơi và kết nối với nhiều ứng dụng khác của Viettel như ViettelPay, MyViettel, MyGo...
Theo ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media, đơn vị phát triển Mocha cho biết, Viettel sẽ tiếp tục đầu tư lớn cho Mocha, đặc biệt về mặt công nghệ và nội dung. Viettel cũng xác định Mocha sẽ đi từng bước một, nhắm đến lớp khách hàng trẻ với lợi thế về viễn thông của nhà mạng, nội dung tốt có bản quyền để liên kết với các sản phẩm, dịch vụ khác thành một hệ sinh thái hay một siêu ứng dụng.
Còn Gapo với khoản đầu tư 500 tỷ đồng từ G-Captital đã đạt 6 triệu người dùng sau gần 2 năm ra mắt. Gapo vẫn chưa mang lại một dấu ấn gì đặc biệt ngoài “thành tích” 40% tài khoản được định danh trên Gapo và một số tính năng lạ như “trò chuyện bí mật, hỏi ẩn danh”, theo ông Hà Trung Kiên, CEO mạng xã hội Gapo.
Trong khi đó, lẹt đẹt nhất là Lotus của chủ đầu tư VCCorp. Lotus được VCCorp đầu tư tới 1.200 tỷ đồng, có thể giúp duy trì hoạt động cho mạng xã hội Lotus từ 2 - 3 năm trong trường hợp chưa có doanh thu. Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp từng chia sẻ cách kiếm tiền từ Lotus là sẽ hợp tác với các nhà sáng tạo nội dung trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm khai thác quảng cáo, tạo nguồn thu “trong vòng 1 tháng kể từ khi sản phẩm bắt đầu hoạt động ổn định”.
Nhưng đến nay, mục tiêu “kiếm tiền và chia sẻ doanh thu từ Lotus” vẫn xa vời.
Tìm hướng đi khác
Thực tế cho thấy, doanh thu lớn của các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tik Tok… hiện nay là bán dữ liệu người dùng, bán quảng cáo cho các nhãn hàng. Họ không có thiết kế riêng cho từng quốc gia, khu vực, mà đồng loạt trên khắp thế giới. Đó chính là cơ hội cho các mạng xã hội Việt.
“Chỉ cần có nội dung và hiệu suất nền tảng tốt, người dùng sẽ chủ động tìm đến. Cách làm này thiết thực và bền vững hơn việc kêu gọi hay bỏ chi phí truyền thông, quảng cáo lớn để câu kéo người dùng”, ông Tân khuyến nghị.
Ông Vũ Thanh Long, Giám đốc ứng dụng eDoctor cho rằng, vấn đề quan trọng hơn đối với các mạng xã hội Việt là sau khi phát triển được người dùng thì phải giữ chân được họ. Muốn vậy, mạng xã hội Việt phải tạo ra được nhiều dịch vụ, tiện ích và giá trị gia tăng thiết thực và phù hợp với người dùng tại thị trường Việt.
“Trong một thế giới kinh doanh mà người thắng cuộc gần như hưởng lợi tất cả, thì những người đi sau chỉ còn một cách duy nhất là có cách tiếp cận mới, khác biệt, có tính đột phá. Bất kỳ sự thành công nào rồi cũng bộc lộ những khuyết tật. Bài toán được giải, nhu cầu được thoả mãn, thì rồi những nhu cầu mới sẽ xuất hiện. Mạng xã hội cũng cần một cách tiếp cận mới”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Có thể thấy, các mạng xã hội Việt bước đầu đã đặt một chân vào thị trường, tức là có người dùng, hướng tiếp cận thị trường của họ đã có hiệu quả. Nhưng vấn đề cốt tử nhất là khai thác, kiếm tiền thì đang vẫn loay hoay. Các phương thức kinh doanh của mạng xã hội Việt như bán dịch vụ công, bán quảng cáo, thu phí dịch vụ khác… có vẻ như phải mất một thời gian nữa mới được thị trường, người dùng chấp nhận.