Dòng tiền đang hướng tới các doanh nghiệp dự báo có kết quả kinh doanh quý II/2024 tích cực

Dòng tiền đang hướng tới các doanh nghiệp dự báo có kết quả kinh doanh quý II/2024 tích cực

Mảng sáng lợi nhuận quý II, nhiều nhóm ngành nối tiếp đà tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lợi nhuận quý II/2024 của khối doanh nghiệp niêm yết được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nhưng sẽ có sự phân hoá tương đối giữa các nhóm ngành.

Hé mở những điểm sáng

Kết quả kinh doanh quý II/2024 của nhóm doanh nghiệp niêm yết được dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng theo sự phục hồi của nền kinh tế. Những “hé mở” từ doanh nghiệp cho thấy kỳ vọng này là có cơ sở.

Thông tin từ Công ty cổ phần Tập đoàn FPT cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, Công ty ước đạt doanh thu 23.916 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.052 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 20% và hơn 21% so với cùng kỳ. Với kết quả này, FPT cho rằng, mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng và lãi trước thuế 10.875 tỷ đồng của năm 2024 là khả thi.

FPT cũng như nhiều doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin - viễn thông khác, được kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng nhờ nhu cầu chi tiêu cho chuyển đổi số toàn cầu và trong nước dự báo tiếp tục tăng trên 15%. Theo thống kê của HSBC, 60% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam dự định đầu tư vào công nghệ và số hóa với trọng tâm là thanh toán số, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo.

Tại Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã FRT), doanh nghiệp FPT nắm 46,574% cổ phần, theo lãnh đạo Công ty, ước tính kết quả kinh doanh quý II/2024 tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Retail cho biết, từ năm 2024, Long Châu là trụ cột chính của FPT Retail. Công ty đã quan sát, xem xét các yếu tố về tiềm năng, cơ hội thị trường, những đột phá về sản phẩm để đánh giá và đưa ra quyết định này. Trước đó, trong quý I/2024, FPT Retail ghi nhận doanh thu hợp nhất 9.042 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ, hoàn thành 24% kế hoạch cả năm; lợi nhuận trước thuế 89 tỷ đồng, gấp 43 lần cùng kỳ, hoàn thành 71% kế hoạch cả năm. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 5 quý trở lại đây của Công ty.

Nửa cuối năm nay, FPT Retail sẽ tiếp tục mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu, nâng tổng số nhà thuốc lên con số khoảng 1.900. Công ty cũng đặt mục tiêu mở mới 100 trung tâm vắc-xin trong năm 2024. Bên cạnh đó, trong quý IV/2024, Công ty dự kiến ra mắt dịch vụ LC247 - chăm sóc sức khoẻ tại nhà.

Ở nhóm ngân hàng, dưới sức ép của tăng trưởng tín dụng chậm hơn trong giai đoạn nửa đầu năm và biên lãi ròng từ hoạt động cho vay (NIM) bị thắt chặt khi lãi suất huy động tăng dần trong 2 - 3 tháng gần đây, chất lượng tài sản toàn ngành giảm (tỷ lệ nợ xấu tăng, bao phủ nợ xấu giảm), tốc độ tăng trưởng lợi nhuận được đánh giá có thể chậm lại. Tuy nhiên, đây vẫn là nhóm đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng lợi nhuận của khối doanh nghiệp niêm yết.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, Ngân hàng ước đạt 13.000 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Năm nay, MB đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản xấp xỉ 13%, tín dụng tăng 15 - 16%. Kế hoạch này được ông Lưu Trung Thái đánh giá là “phương án an toàn”, dựa trên tình hình nghiên cứu toàn ngành.

Ước tính đến cuối tháng 6/2024, tín dụng của MB tăng trưởng từ 6 - 6,5% so với đầu năm. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay vào khoảng 15,5%, MB cần tăng trưởng khoảng 8% nữa trong 6 tháng cuối năm. Ngân hàng dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu này vào đầu hoặc giữa quý IV.

Ban lãnh đạo MB cho biết, khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng, điều mà MB và các ngân hàng kỳ vọng nhất là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Ngoài sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, các ngân hàng đều có các giải pháp tổng hợp để đảm bảo tăng trưởng tín dụng. Đến nay, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay về vùng thấp nhất trong vòng 10 năm nay. Các ngân hàng vẫn tiếp tục tiết giảm chi phí để hạ lãi suất và kỳ vọng “giá vốn rẻ thì cầu tín dụng sẽ tăng”. Thứ hai, về thủ tục vay vốn, các ngân hàng tiếp tục tinh chỉnh, đặc biệt MB dựa vào nền tảng App MBBank cho khách hàng cá nhân và BIZ MBBank cho khách hàng doanh nghiệp để tiếp tục cho vay và phê duyệt tự động. Thứ ba là phát triển các sản phẩm, quy trình theo các luật mới và chính sách mới…

Các doanh nghiệp ở vùng thượng nguồn trong chuỗi giá trị của ngành dầu khí được dự báo tăng trưởng tích cực khi nhu cầu thăm dò, khai thác dầu khí đang tăng cao. Hiện tại, các doanh nghiệp như Tổng công ty cổ phần Kỹ thuật Dầu khí (mã PVS) hay Tổng công ty cổ phần Khoan và kỹ thuật khoan Dầu khí (mã PVD)… đang có nhiều thuận lợi khi đơn hàng tăng mạnh và phía trước là nhiều dự án lớn đang chờ đợi.

Với PVS, Công ty dự kiến mức tăng trưởng trong quý II/2024 có thể đạt trên 50% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tính đến hết 5 tháng đầu năm 2024, Công ty đạt 6.800 tỷ đồng doanh thu, 573 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, lần lượt tăng 11% và 50% so với cùng kỳ 2023. Mức tăng trưởng của PVS chủ yếu được thúc đẩy bởi hoạt động mua bán và sáp nhập, sau khi hoàn thành 4 trong số 33 chân đế điện gió ngoài khơi cho dự án Greater Changhua 2a&4 tại Đài Loan (Trung Quốc).

Ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PVS cho biết, Công ty đang tiến hành khảo sát dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, hướng tới xuất khẩu điện sang Singapore thông qua đường cáp điện cao áp đặt dưới biển. Dự án này chiếm nhiều vốn nhất trong cơ cấu đầu tư của PVS giai đoạn 2024 - 2030, với số vốn xây dựng cơ bản vào khoảng 47.595 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 9.520 tỷ đồng.

Nhiều nhóm ngành nối tiếp đà tăng trưởng

Trong quý II/2024, các nhóm ngành được dự báo duy trì đà tăng trưởng từ quý trước có thể kể đến như công nghệ thông tin, tài nguyên cơ bản, vật liệu xây dựng, du lịch và giải trí, bán lẻ, viễn thông, thực phẩm - đồ uống… bởi số liệu thống kê cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế vẫn diễn ra tích cực.

Với ngành bán lẻ, trong 5 tháng đầu năm 2024, thị trường bán lẻ trong nước trên đà hồi phục. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Công ty Chứng khoán DSC nhận định, mặc dù nhu cầu tiêu thụ mảng ICT chưa có nhiều dấu hiệu hồi phục nhưng các doanh nghiệp trong ngành như Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG), FPT Retail đều có những “vũ khí riêng” (như Bách Hóa Xanh của Thế giới di động, hay Long Châu của FPT Retail) nên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này dự kiến vẫn khả quan trong quý II/2024.

Theo ông Huy, ngành thép cũng có triển vọng khả quan hơn trong quý II/2024 khi nhu cầu thép xây dựng dần trở lại. Một số khía cạnh có thể trông chờ là Luật Đất đai sửa đổi được áp dụng từ tháng 8 tới; áp dụng chống bán phá giá với thép Trung Quốc và các thị trường tiêu thụ chính như Bắc Mỹ, châu Âu đồng loạt vào thời kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ từ thị trường bất động sản. Các yếu tố này đều tốt cho các doanh nghiệp như Hòa Phát (mã HPG), Nam Kim (mã NKG), Hoa Sen (mã HSG). Trong đó, HPG được lợi nhất từ thông tin chống bán phá giá với thép mạ và thép HRC từ Trung Quốc.

Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp ngành phân bón, chuyên gia DSC cho rằng, giá urê bình quân năm 2024 sẽ cao hơn từ 6 - 8%, xuất phát từ một số yếu tố: Thứ nhất, tình trạng thiếu khí đốt tại một số thị trường khiến việc cắt giảm sản xuất urê sẽ trầm trọng hơn từ cuối năm 2024; thứ hai, nguồn cung urê giảm do căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới và trở ngại trong mở rộng sản xuất có thể kéo dài tới năm 2027 cũng là những yếu tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp phân bón nước ta. Trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xuất khẩu gần 721.920 tấn phân bón các loại, tương đương 293,91 triệu USD, với giá trung bình 407,1 USD/tấn, tăng 4,3% về khối lượng và tăng 1,7% về kim ngạch, nhưng giảm 2,5% về giá so với cùng kỳ năm 2023

Đối với nhóm dệt may, ông Huy cho rằng, triển vọng tăng trưởng trong năm nay là khá rõ ràng, nhờ lượng hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU đã giảm đáng kể cũng như triển vọng lạm phát tại các thị trường này đang hạ nhiệt sẽ thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng thời trang. Điều này thể hiện rõ ở số lượng đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may đang có sự hồi phục đáng kể. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn như TNG, TCM đều đã đủ đơn hàng cho đến gần cuối năm.

“Ngoài ra, với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, tôi cho rằng, bức tranh kinh doanh của ngành dệt may trong năm nay là khá tươi sáng. Tính đến hết tháng 5/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 15,8 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ và sẽ cải thiện hơn trong quý cuối năm”, ông Huy phân tích.

Với nhóm doanh nghiệp ngành gỗ, theo ông Huy, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gỗ tăng trưởng vượt kỳ vọng nhờ thị trường Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi. Sau khi tạo đáy vào cuối năm 2023, số giấy phép xây dựng được cấp tăng trưởng mạnh qua từng tháng, trong tháng 4 đạt khoảng 132.000. Mặc dù doanh số bán nội thất tại Mỹ chưa có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên, với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, nhu cầu đối với các sản phẩm nội thất, nhu cầu chỉnh trang sửa chữa nhà cửa sẽ dần hồi phục, từ đó nhu cầu tiêu thụ gỗ sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa.

Trong giai đoạn vùng trũng thông tin như hiện tại, cổ phiếu của những doanh nghiệp, nhóm ngành được dự báo có kết quả kinh doanh quý II cũng như nửa đầu năm tích cực là những địa chỉ thu hút dòng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần FPT

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần FPT

FPT đang không ngừng mở rộng hoạt động trên toàn cầu, vốn hoá đã vượt mốc 7 tỷ USD (tính đến thời điểm tháng 6/2024).

Năm 2023, Công ty cán mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài. 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT tiếp tục tăng trưởng tốt, đạt tương ứng 23.916 tỷ đồng và 4.313 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 19,9% và 19,5% so với cùng kỳ.

Riêng trong tháng 5 vừa qua, Công ty đã thắng thầu thêm 5 dự án lớn tại thị trường nước ngoài, với quy mô trên 5 triệu USD/dự án, đưa tổng số dự án đã thắng từ đầu năm đến nay lên 26 dự án.

Năm 2024, FPT đặt mục tiêu tăng 17,5% doanh thu và 18,2% lợi nhuận trước thuế. Chúng tôi đang hướng tới mốc 5 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài vào năm 2030. Đồng thời, FPT sẽ tiên phong phát triển các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, công nghệ ô tô, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Finpeace
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Finpeace

Bức tranh doanh nghiệp trong quý II/2024 sẽ tập trung vào những nhóm ngành đại diện cho sự phục hồi kinh tế. Theo dự báo được tổng hợp từ các công ty chứng khoán thì EPS cả thị trường năm 2024 sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 14% so với năm trước. Nhóm ngành tiêu biểu sẽ là tài chính, vật liệu xây dựng, nhóm ngành liên quan đến xuất khẩu như cảng biển, thủy sản, đặc biệt là nhóm ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu. Những nhóm ngành này còn được hưởng lợi từ câu chuyện tỷ giá neo cao trong thời gian vừa qua.

Về cơ bản thì xu hướng phục hồi sẽ diễn ra ở hầu hết các ngành trong quý II, tuy nhiên cũng có sự phân hóa nhất định, do sự phục hồi không đồng đều giữa các nhóm ngành trong hoạt động kinh doanh cốt lõi. Trong đó, các ngành kỳ vọng có sự tăng trưởng mạnh nhờ nền so sánh thấp cùng kỳ và hoạt động kinh doanh có nhiều tín hiệu khởi sắc trở lại gồm hàng tiêu dùng không thiết yếu (MWG, HAX), hay nguyên vật liệu (HPG, DCM), hàng không (HVN, VJC), xuất khẩu (dệt may, thủy sản).

Ngược lại, các ngành được đánh giá khó ghi nhận kết quả khả quan có thể kể đến như bất động sản (số dự án mở mới ở các thành phố lớn tương đối hạn chế; doanh nghiệp đầu ngành VHM có nền so sánh rất cao cùng kỳ), ngân hàng (phần nhiều sẽ phụ thuộc vào ý chí của ban lãnh đạo nếu thực hiện trích lập đầy đủ, kết hợp xu hướng lãi suất huy động tăng, ngành này có thể không duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao hai chữ số như thường thấy trong quá khứ).

Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích cổ phiếu và ngành, Công ty Chứng khoán VPBank
Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích cổ phiếu và ngành, Công ty Chứng khoán VPBank

Tỷ trọng lợi nhuận toàn sàn niêm yết tập trung khá mạnh vào một số nhóm ngành lớn, trong đó vẫn tập trung ở ngành ngân hàng (ước chiếm 60% tổng lợi nhuận trước thuế toàn sàn), bất động sản chiếm khoảng 8%...

Tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, dựa trên triển vọng kết quả kinh doanh ngành ngân hàng tiếp tục tích cực, bất động sản có thể phục hồi lợi nhuận so với nền thấp của quý I vừa qua, bao gồm cả bất động sản dân cư và bất động sản công nghiệp.

Bên cạnh đó, những ngành chiếm tỷ trọng lợi nhuận nhỏ cũng đóng góp đáng kể cho sự phục hồi kết quả kinh doanh quý II toàn sàn, có thể kể đến như nhóm hàng không, du lịch, giải trí, bán lẻ, công nghệ, vật liệu xây dựng, hóa chất có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ 2023.

Nhóm bất động sản có thể phân hóa mạnh mẽ dựa trên câu chuyện riêng của từng cổ phiếu, xoay quanh các chủ điểm về mở bán dự án, tốc độ và tỷ lệ hấp thụ, câu chuyện chuyển đổi đất công nghiệp, hay cả những doanh nghiệp vượt qua khó khăn thanh khoản ngắn hạn.

Ông Nguyễn Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM)
Ông Nguyễn Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM)

Sáu tháng đầu năm 2024, TCM ước đạt doanh thu 76 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 5,5 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ.

Doanh thu từ sản phẩm may chiếm 75% tổng doanh thu. Nếu không có quá nhiều các biến số bất thường, TCM dự kiến năm nay sẽ đạt được mức tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận trên 20%. Động lực tăng trưởng của Công ty đến từ việc đơn hàng nhiều hơn do nhu cầu tiêu dùng nửa cuối năm cũng tăng mạnh hơn so với giai đoạn đầu năm.

Về cơ bản, các doanh nghiệp dệt may nói chung và TCM không còn lo ngại về việc thiếu đơn hàng, nhưng giá cũng sẽ cạnh tranh hơn. Tại TCM, doanh thu chủ yếu là từ hoạt động xuất khẩu, trong đó thị trường Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất. Bên cạnh xuất khẩu các sản phẩm truyền thống, Công ty cũng từng bước đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng đối tượng khách hàng tại các thị trường còn nhiều dư địa và thị trường mới.

Trong trung và dài hạn, biên lợi nhuận của TCM dự kiến tiếp tục được cải thiện khi Công ty đã củng cố chuỗi giá trị khép kín từ sợi cho tới may. Công ty đã hoàn tất thủ tục mua lại Công ty TNHH Dệt may SY Vina với giá trị thương vụ 468 tỷ đồng, qua đó, giúp Công ty có được giấy phép nhuộm; đồng thời, mở rộng thêm mặt hàng vải dệt thoi để phục vụ các đơn hàng sản phẩm may có giá trị cao.

Tin bài liên quan