Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đưa ra thông báo này trong chuyến thăm chính thức 3 ngày đến Singapore của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trước Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32.
Theo bản tóm tắt do Ban thư ký ASEAN, các chính phủ sẽ phát triển một nền tảng hạ tầng nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tế, kết nối các thành phố thành viên với đầu tư tư nhân và đảm bảo nguồn vốn từ các tổ chức đầu tư giữa các bên.
ASEAN tiên phong trong phát triển thành phố thông minh
Bà Danielle Walsh, Giám đốc Toàn cầu phụ trách mảng kỹ thuật số của HSBC cho rằng, cách tiếp cận về mạng lưới thành phố thông minh của Đông Nam Á là một ý tưởng mang tính dẫn đầu trên toàn cầu.
“Việc hình thành mạng lưới thành phố bền vững thông minh (ASCN) đồng nghĩa với việc các sáng kiến liên quan đến thành phố thông minh của ASEAN sẽ có sức mạnh tổng hợp lớn hơn tổng sức mạnh của từng sáng kiến riêng lẻ và là đòn bẩy giúp đưa khu vực tiến những bước xa hơn trong những tiến bộ liên quan đến thành phố thông minh trên toàn cầu”, bà Walsh nói.
Cơ cấu của thành phố thông minh mở ra yêu cầu xây dựng các khu vực thành thị, trong đó tích hợp công nghệ thông tin và truyền thông nhằm nâng cao hoạt động của thành phố về mọi mặt từ quy hoạch giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng đến việc bảo tồn năng lượng và nguồn nước.
Sự phát triển của ASCN và các thành phố thông minh nói chung tại Đông Nam Á ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu đô thị hóa ngày càng tăng trong khu vực, vốn tạo áp lực không hề nhỏ lên cơ sở hạ tầng, các biện pháp quản lý khí hậu của thành phố cũng như hệ thống xử lý rác thải và vệ sinh cơ bản cho người dân thành phố.
Khoảng 49% dân số trong khu vực hiện đang sống tại thành thị. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đồng nghĩa với trong khoảng thời gian 2015 - 2030, có khoảng 100 triệu người trong khu vực ASEAN được kỳ vọng sẽ chuyển từ vùng nông thôn đến sống tại các thành phố.
Jennifer Doherty, Giám đốc Sáng kiến của Khối Quản lý tiền tệ và Thanh khoản Toàn cầu HSBC cho biết: “Đô thị hóa mang đến tăng trưởng và thịnh vượng cho các nền kinh tế, doanh nghiệp và các cá nhân, nhưng đồng thời cũng chứa đựng những thách thức vốn có như sự quá tải, tội phạm, ô nhiễm, bất bình đẳng và giá nhà tăng cao”.
Cũng theo Jennifer Doherty, từng quốc gia trong khối ASEAN nhận thức được những vấn đề này và đang nỗ lực hành động hướng đến một tương lai bền vững thông qua các sáng kiến của thành phố thông minh, nhưng nếu lý tưởng hợp nhất ASEAN trở thành hiện thực, các chương trình quốc gia này cần được tăng cường kết nối.
“Thành công cũng sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác của các chính phủ, các nhà điều hành chính sách và các doanh nghiệp. Với mạng lưới hoạt động tại ASEAN, các sáng kiến và trọng tâm phát triển tài trợ bền vững, HSBC có thể hỗ trợ việc thực hiện tầm nhìn này”, Jennifer Doherty chia sẻ.
Một số chủ đề chính của ý tưởng thành phố thông minh bao gồm những cải thiện liên quan như cơ sở hạ tầng "cứng" gồm năng lượng, kinh tế tuần hoàn, hạ tầng giao thông (đỗ xe thông minh, hệ thống vận tải công cộng, quản lý giao thông, phương tiện vận chuyển bằng điện) và nước; tòa nhà thông minh; chăm sóc sức khỏe; an ninh.
Tiềm năng 200 tỷ USD của ASEAN
ASCN là một bước tiến lớn trong quá trình hiện đại hóa các thành phố Đông Nam Á nhằm giúp các thành phố này nâng cao tính hiệu quả, cũng như đẩy mạnh các chuẩn mực về công nghệ xuyên suốt các quốc gia trong khu vực.
Đây là vấn đề sống còn của việc số hóa nền kinh tế trong khu vực, được dự báo sẽ đạt 200 tỷ USD đến năm 2025.
Lĩnh vực cần tập trung liên quan đến hạ tầng giao thông thông minh, cụ thể là các mô hình hệ thống vận chuyển điện tử tự điều khiển, được kết nối và chia sẻ như các phương tiện vận chuyển bằng điện, chia sẻ phương tiện vận chuyển xe bốn bánh.
Bà Walsh cho biết thêm, ASEAN đang trên đà chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện và công nghệ hứa hẹn mang đến một cách sống mới, trải nghiệm tốt hơn cho các công dân tại các thành phố thông minh.
Theo đó, các cơ hội kinh doanh phát sinh từ mạng lưới các thành phố thông minh là rất lớn. Việc chuyển đổi về hạ tầng giao thông thông minh - cùng với năng lượng, cơ sở hạ tầng và chăm sóc sức khỏe thông minh - sẽ là những yếu tố làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của những thành phố này trong thập kỷ tới, và các doanh nghiệp cần giữ vai trò tích cực trong quá trình thay đổi này.
Sự phát triển của các nền kinh tế kỹ thuật số và tầng lớp trung lưu tại châu Á đang thay đổi cách các cá nhân và doanh nghiệp mua hàng hóa và kỳ vọng của họ đối với các hình thức thanh toán.
Tại Đông Nam Á, có khoảng 4 triệu người trong khối ASEAN có thể truy cập vào Internet mỗi tháng và thị trường thương mại điện tử được kỳ vọng đạt 88 tỷ USD đến năm 2025 với tiềm năng có thể đạt mức 120 tỷ USD.
Có một số thử thách nhất định trong lộ trình phát triển thanh toán và thương mại, nhưng các doanh nghiệp và chính phủ đang có những hành động cụ thể.
Tháng 12/2016, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng thanh toán ở mức thấp hơn 10%.
Bộ Tài Chính Việt Nam cũng kêu gọi sự hợp tác giữa ngân hàng và cơ quan thuế, cơ quan hải quan nhằm cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh quy trình thông quan và đơn giản hóa, nâng cao hiệu quả thu ngân sách nhà nước.
Mục tiêu đặt ra hướng đến tỷ lệ 80% thanh toán thuế tại các thành phố được thực hiện thông qua các ngân hàng và hỗ trợ kho bạc tại các tỉnh thành áp dụng các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2020.
“Các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức mong muốn thực hiện các giao dịch thanh toán một cách tiện lợi, nhanh chóng, xuyên suốt và an toàn.
Tiêu thụ kỹ thuật số tăng tại ASEAN là điểm sáng trong câu chuyện phát triển của khu vực. Tuy nhiên, giao dịch thanh toán nhanh giữa các thị trường là yếu tố kết nối của khu vực. Thông qua các sáng kiến thành phố thông minh, ASEAN đang đi đầu trong lĩnh vực này”, bà Doherty nói.
Tại Đông Nam Á, các dự án trong khuôn khổ thành phố thông minh đang được thực hiện:
Thái Lan - Kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế thành hệ thống sinh thái số hóa với mục tiêu xây dựng hơn 100 thành phố thông minh trong hơn hai thập kỷ tới.
Việt Nam - Giới thiệu thanh toán không dùng tiền mặt và đưa vào ứng dụng các thiết bị hoặc hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2020.
Malaysia -Tháng 1/2018, Kula Lumpur ký thỏa thuận với dịch vụ đám mây của Alibaba để sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo cho cơ sở hạ tầng máy tính đám mây của quốc gia này. Hệ thống này sẽ hoạt động hỗ trợ hệ thống giao thông, quy hoạch thành phố và ứng phó với các tình huống bất ngờ.
Philippines - Surbana Jurong, công ty quy hoạch đô thị có trụ sở đặt tại Singapore đã ký Biên bản ghi nhớ với chính phủ Philippine nhằm phát triển New Clark City, định hướng như một thành phố thay thế cho thủ đô Manila đang quá tải. Giai đoạn đầu sẽ được hoàn thành vào năm 2022.
Indonesia: 10 thành phố thí điểm đã áp dụng thẻ thông minh trong việc cung cấp các hỗ trợ và các dịch vụ xã hội tích hợp. Vào tháng 6/2017, Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Thụy Sĩ đã thành lập quỹ đầu tư ủy thác đô thị hóa bền vững của Indonesia trị giá 13,4 triệu USDnhằm đảm bảo quá trình đô thị thóa được diễn ra một cách ổn định về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Úc vừa mới cam kết 23,2 triệu USD nhằm phát triển các thành phố thông minh tại ASEAN. Chương trình này sẽ thiết lập một ngân hàng thông tin về các ý tưởng quy hoạch đô thị bền vững nhằm chia sẻ thông tin giữa ASEAN và Úc.