Hiệp định CPTPP đã được 9 quốc gia phê chuẩn.
Malaysia vừa trở thành quốc gia mới nhất phê chuẩn Hiệp định CPTPP, sau Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Như vậy, trong số 11 quốc gia ký kết tham gia hiệp định này, hiện chỉ còn Brunei và Chile chưa phê chuẩn.
Trong thông báo ngày 5/10, Chính phủ Malaysia cho biết đã phê chuẩn CPTPP với kỳ vọng hiệp định này sẽ giúp nước này thúc đẩy thương mại và tiếp cận tốt hơn với các quốc gia mà Malaysia chưa có thỏa thuận thương mại tự do song phương.
"Hôm 30/9/2022, Chính phủ Malaysia chính thức đệ trình văn kiện phê chuẩn CPTPP cho New Zealand, cơ quan lưu ký của hiệp định”, Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia (MITI) cho biết.
Kết quả của “Phân tích lợi ích và chi phí” của Malaysia cho thấy với CPTPP, tổng thương mại của nước này được dự báo tăng lên 655,9 tỷ USD vào năm 2030. Năm 2021, con số này là khoảng 2,2 nghìn tỷ Ringgit (tương đương 481 tỷ USD).
CPTPP cũng giúp Malaysia tăng khả năng tiếp cận các thị trường mới như Canada, Mexico và Peru. Đây là các quốc gia mà nước này chưa có hiệp định thương mại tự do song phương. CPTPP cũng giúp Malaysia tăng cả khăng tiếp cận với nguồn đa dạng vật liệu thô chất lượng cao với giá cả cạnh tranh, đồng thời tăng sức hấp dẫn của Malaysia như một điểm đến đầu tư.
CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với 11 thành viên. CPTPP hiện có hiệu lực đối với Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore vào tháng 12/2018, đối với Việt Nam vào tháng 1/2019 và Peru vào tháng 9/2021.
CPTPP đang là một hiệp định hấp dẫn đối với những nước này với nhiều ưu đãi khi tiếp cận với một số thị trường lớn từ các nước phát triển. Ngoài 11 quốc gia thành viên CPTPP, đã có thêm một số quốc gia và vùng lãnh thổ muốn gia nhập hiệp định này.
Trong năm 2021, 4 nền kinh tế bao gồm Vương quốc Anh, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Ecuador đã chính thức xin gia nhập CPTPP. Gần đây, Hàn Quốc cũng gửi những tín hiệu mạnh mẽ về mong muốn tham gia hiệp định này.
Một số nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng bày tỏ ý định xin gia nhập, bao gồm 3 nước trong ASEAN: Thái Lan, Philippines và Indonesia.
Bộ Công thương đã xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ để xin chủ trương về việc mở rộng thành viên CPTPP nói chung và của từng thành viên nộp đơn chính thức nói riêng, từ đó kịp thời xây dựng quan điểm và phương án ứng phó của Việt Nam một cách phù hợp.