Vị thế UPCoM ngày một lớn
Tính đến ngày 16/6/2016, UPCoM có 306 mã chứng khoán đăng ký giao dịch với tổng khối lượng cổ phiếu đạt gần 7.021 triệu đơn vị, tổng giá trị thị trường đạt 112.530 tỷ đồng. Với quy mô này, UPCoM tỏ ra không hề kém cạnh so với 2 thị trường chứng khoán chính thức đang tồn tại là HNX và HOSE.
Cụ thể, cùng thời điểm trên, HNX có 378 doanh nghiệp niêm yết với tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết 10,874 triệu cổ phiếu và 152.147 tỷ đồng vốn hóa; còn HSX có 306 cổ phiếu niêm yết, với tổng khối lượng 43,333 triệu cổ phần, quy mô vốn hóa đạt 1.243.384 tỷ đồng.
Nếu trước kia, thanh khoản UPCoM khá èo uột, thì nay, tính trung bình 5 tháng đầu năm 2015, thanh khoản thị trường đạt hơn 130 tỷ đồng/phiên. Trong đó, một số mã thanh khoản không thua kém các mã niêm yết trên TTCK tập trung như: GEX của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex), AVF của CTCP Việt An, MSR của CTCP Tài Nguyên Masan (MSR), SWC của Tổng CTCP Đường sông miền Nam (Sowatco)…
Dữ liệu của CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho thấy, tính bình quân trong 1 năm qua, cổ phiếu GEX có thanh khoản lên tới gần 1,426 triệu cổ phiếu mỗi phiên, cao hơn hàng loạt các mã chứng khoán đang niêm yết trên thị trường; AVF có thanh khoản bình quân 375.521 cổ phiếu/phiên; MSR 285.447 cổ phiếu/phiên...
Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, GEX vẫn là cổ phiếu có thanh khoản cao nhất, với 879.679 cổ phiếu/phiên; PFL xếp thứ 2 với 354.492 cổ phiếu/phiên. Xếp ngay sau đó là các mã: VGC (344.642 cổ phiếu/phiên), SMR (285.447 cổ phiếu/phiên), SWC (132.858 cổ phiếu/phiên)…
Quy mô giao dịch lớn, nhiều doanh nghiệp đăng ký giao dịch có “xuất thân” là tổng công ty nhà nước, thêm vào đó, biên độ dao động giá lên tới 15%... khiến UPCoM đang trở nên hấp dẫn hơn. Sự hấp dẫn này đang được kỳ vọng sẽ tăng mạnh hơn nữa, khi các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đưa cổ phiếu lên thị trường chứng khoán tập trung.
Sóng lớn từ margin?
Với việc thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp đang đăng ký giao dịch trên UPCoM, thị trường đã có cơ hội nhận ra giá trị các cổ phiếu này. GEX của Gelex là một ví dụ như thế.
Từ chỗ thanh khoản rất thấp, với những phiên giao dịch khớp chưa tới 10.000 cổ phiếu, cổ phiếu GEX của Gelex đã cải thiện hoàn toàn thanh khoản sau khi cổ đông Nhà nước hoàn tất thoái vốn ngày 25/12/2015, với khối lượng giao dịch các phiên lên tới hàng triệu cổ phiếu. Không chỉ tăng về thanh khoản, giá cổ phiếu này cũng đã tăng ngoạn mục sau đó.
Dù đã chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10% vào tháng 4/2016, nhưng giá cổ phiếu GEX vẫn đạt mức 25.800 đồng/CP tính đến cuối ngày 16/6/2016, tương đương mức tăng giá gần 51% kể từ cuối năm 2015. Đáng lưu ý, Gelex từng là doanh nghiệp bán không có người mua trong giai đoạn cổ phần hóa trước đó.
Nhưng, Gelex không phải là trường hợp duy nhất, một số mã chứng khoán khác cũng đã tạo được những ấn tượng khá tích cực theo thời gian. Nếu giai đoạn trước, nói đến UPCoM, thị trường dễ liên tưởng đến những mã chứng khoán “thứ cấp” với chất lượng tài chính kém, thông tin không minh bạch, thanh khoản thấp… thì nay, nhiều mã trên sàn giao dịch này đã trở thành cổ phiếu “nóng” của thị trường như: GEX, SWC, SDI, VLC, VGG… Từ đây, UPCoM là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư muốn M&A doanh nghiệp nguồn gốc Nhà nước. Điểm yếu duy nhất còn lại của UPCoM là tài trợ vốn cho nhà đầu tư lướt sóng.
Theo quy định tại Quyết định số 637 về việc ban hành quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán, cổ phiếu để được giao dịch ký quỹ (margin) yêu cầu đầu tiên là phải niêm yết, với thời gian từ 6 tháng trở lên và đáp ứng các yêu cầu về tài chính khác. Và như thế, nhiều mã chứng khoán đăng ký giao dịch trên UPCoM, dù có chất lượng không thua kém, thậm chí vượt trội hơn hàng loạt mã chứng khoán đang niêm yết, nhưng vẫn không được phép giao dịch ký quỹ. Chính thực trạng này đã khiến UPCoM trở nên bớt hấp dẫn hơn, do không được sử dụng đòn bẩy tài chính.
Vì vậy, với dự kiến phân bảng UPCoM với UPCoM Premium và UPCoM cảnh báo nhà đầu tư, tiến tới cho phép giao dịch ký quỹ đối với các cổ phiếu chứng khoán của các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt được kỳ vọng sẽ là một chất kích thích thực sự cho thị trường này, đưa UPCoM lên vị thế mới.
Đón sóng margin, cách nào?
Các nhà đầu tư cổ phiếu đang đăng ký giao dịch trên UPCoM có đang sử dụng vốn vay hay không? Câu trả lời là không, về mặt vốn vay hình thức margin. Việc cho phép giao dịch ký quỹ các cổ phiếu có chất lượng tốt trên UPCoM được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi mới về thanh khoản cho thị trường này, kéo theo đó có thể là cơ hội sinh lời. Nhưng, cổ phiếu có tiêu chí như thế nào sẽ được cơ quan quản lý xem xét cho phép được giao dịch ký quỹ?
Nhìn lại Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán đã được ban hành, ngoài yếu tố yêu cầu về việc phải niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán và có thời gian niêm yết tối thiểu 6 tháng, yêu cầu quan trọng nhất mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét chính là yêu cầu không bị đặt trong tình trạng tạm ngừng giao dịch, bị đưa vào diện cảnh báo, bị hủy niêm yết, bị đưa vào diện kiểm soát. Các quy định này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải không bị lỗ trong kỳ kế toán, không có lỗ lũy kế, không vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin…
Như vậy, đối chiếu các tiêu chí này, cổ phiếu của doanh nghiệp có đủ các điều kiện có thể niêm yết trên TTCK tập trung, không vi phạm các yêu cầu về chỉ tiêu tài chính… sẽ là những mã chứng khoán đầu tiên có thể được xem xét cho phép giao dịch ký quỹ, với sự bình đẳng về chất lượng cổ phiếu so với các cổ phiếu niêm yết.
Với các giả định này, tiêu chí xem xét có thể dựa trên các tỷ lệ thu nhập trên vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp tại kỳ báo cáo kiểm toán gần nhất không dưới 5%, không có lỗ lũy kế, vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên. Ngoài quy định này, còn một quy định nữa liên quan đến tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoài, trong đó với điều kiện niêm yết trên HNX là tối thiểu 15% vốn điều lệ được sở hữu bởi 100 nhà đầu tư, chưa rõ cơ quan quản lý có xem xét quy định này như một tiêu chuẩn để xem xét cổ phiếu margin hay không. Nhưng nếu trong trường hợp này, các mã có tỷ lệ sở hữu nhà nước lớn quá 85% vốn điều lệ trở lên sẽ có nguy cơ bị loại khỏi rổ danh mục được giao dịch ký quỹ.
UPCoM: Cần cái nhìn tích cực hơn
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một công ty chứng khoán lớn cho rằng, cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM không nên bị đối xử như cổ phiếu OTC. Theo vị này, trong quá trình làm việc với nhà đầu tư, nhiều mã chứng khoán dù rất tốt nhưng giá thấp và nhà đầu tư bị hạn chế khả năng đầu tư do không được sử dụng margin.
Vị này cho rằng, việc nghiên cứu cho phép margin các cổ phiếu có tài chính tốt chính là bước tiến cho việc lành mạnh hóa các quan hệ tài chính trên thị trường này, bởi suy đến cùng, có cung ắt sẽ có cầu, và quy định pháp lý về margin chính là bước tiến để lành mạnh hóa và tăng khả năng đảm bảo an toàn các hoạt động cho vay của công ty chứng khoán.
“Nếu cổ phiếu trên UPCoM mà thanh khoản tốt, sinh lời cao thì chẳng lý do gì để không cho vay đầu tư cả”, vị này nhận xét.
Không chỉ cho rằng cổ phiếu UPCoM bị “phân biệt, đối xử” trong giao dịch ký quỹ, vị này cũng cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên sớm có sửa đổi quy định về đầu tư của công ty chứng khoán với các cổ phiếu trên UPCoM.
“Khi HNX hoàn tất phân bảng cổ phiếu UPCoM, Ủy ban Chứng khoán nên sửa đổi quy định liên quan đến đầu tư của công ty chứng khoán vào các cổ phiếu ở bảng UPCoM Premium. Với quy định hiện nay, CTCK bị giới hạn rất lớn khi đầu tư vào những cổ phiếu trên UPCoM dù thanh khoản rất tốt, chỉ tiêu tài chính tốt, vì đây vẫn bị coi là cổ phiếu chưa niêm yết, trong khi đã vào TTCK tập trung”, vị này nói.