Ngày 19/6, Quốc hội khóa XV bước vào tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ năm. Bên cạnh các phiên thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội sẽ có 16 lần bấm nút thông qua luật, nghị quyết.
Trước đó, Quốc hội đã nghỉ một tuần giữa hai đợt họp. Nhưng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp gần như cả tuần, các cơ quan của Quốc hội không ít hôm vẫn sáng đèn đến tận đêm khuya, để các vị đại biểu có thể tự tin bấm nút vào tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp này.
Với số lượng lên đến 7 đạo luật và 9 nghị quyết cần được thông qua, thì việc tiếp thu để hoàn thiện các dự thảo đó, rồi giải trình các ý kiến đại biểu đã nêu mà không/chưa thể tiếp thu, một cách thuyết phục, là vô cùng vất vả. Nhất là trong bối cảnh có dự thảo luật, sau phiên thảo luận cuối cùng của Quốc hội, theo Chủ tịch Quốc hội thông tin, là vẫn có cả doanh nghiệp ở trong và ngoài nước gửi ý kiến tới tấp về các cơ quan Quốc hội, Thường vụ Quốc hội.
Họ chất vấn vì sao lại đưa thêm một mặt hàng vào trong danh mục bình ổn giá, trong khi trước đây chưa có, bây giờ đánh giá tác động thế nào. “Rất phức tạp, không phải đơn giản”, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh như thế.
Rồi những nội dung khác, có tính cấp bách, như tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% có nên nới rộng mức độ và thời gian giảm thuế như ý kiến của một số vị đại biểu. Hay, cơ chế, chính sách tại dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã đủ vượt trội hay chưa, xử lý quy định về hợp đồng BT thế nào ở dự thảo này để đảm bảo chặt chẽ, kín kẽ…
Rất, rất nhiều câu hỏi nữa. Nếu cơ quan trình và cơ quan thẩm tra trả lời được rành mạch, cặn kẽ, đủ sức thuyết phục Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng có nghĩa sẽ đạt được sự đồng thuận cao hơn khi ra Quốc hội. Bởi, những báo cáo giải trình, tiếp thu trước giờ bấm nút đều do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện.
Với những quyết sách tác động ngay đến ngân sách và người dân, doanh nghiệp, như giảm thuế, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có bàn bạc kỹ lưỡng và có sự phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để nhìn nhận rõ tình hình kinh tế, tài chính, ngân sách để đưa ra chính sách phù hợp, thận trọng.
Còn với các dự án luật, dự thảo nghị quyết mà Quốc hội sẽ bấm nút ở tuần làm việc cuối cùng, yêu cầu xuyên suốt của Chủ tịch Quốc hội là phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng, lắng nghe rất kỹ lưỡng, thuyết phục và giải thích rất đầy đủ.
Bởi, Quốc hội làm việc theo đa số, chỉ thuyết phục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chưa đủ. Muốn thuyết phục được đa số đại biểu Quốc hội ở các vùng, miền khác nhau, vị trí công tác cũng khác nhau, thì mỗi chính sách không những phải đáp ứng yêu cầu cấp bách, mà còn phải tính cho lâu dài. Nhất là, những quyết sách đó không được lấp ló bóng dáng của lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, “sân trước, sân sau”, dành phần dễ cho cơ quan quản lý, đẩy cái khó cho người dân và doanh nghiệp.
Kỳ họp thứ năm này thành công ở mức nào còn phụ thuộc vào những quyết sách đã được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống đến đâu, có góp phần làm vơi đi những nhọc nhằn của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay hay không.
Giữ mạch nghị trường, nối mạch nghị trường, vì thế, đòi hỏi sự tâm huyết, trách nhiệm của tất cả gần 500 vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, ngay cả khi không có mặt tại phòng họp Diên Hồng.