Đây là thông tin được ông Phan Quốc Tuấn, Giám đốc Viện Phát triển nguồn nhân lực bảo hiểm chia sẻ tại workshop online “Căn cứ nào để tòa án ra phán quyết trong những tranh chấp khi bên mua bảo hiểm nhân thọ khai thông tin không chính xác” tổ chức ngày 1/8/2021 vừa qua.
Theo ông Tuấn, khi tranh chấp về bảo hiểm xảy ra liên quan đến việc khai báo thông tin không chính xác của bên mua bảo hiểm, công ty bảo hiểm thường ra quyết định từ chối và điều này được ủng hộ vì ai cũng nghĩ “cứ khai sai thông tin là bị từ chối là đúng rồi”. Tuy nhiên, khi ra đến tòa, có trường hợp công ty bảo hiểm thua kiện và phải trả tiền bảo hiểm cho khách hàng.
Đơn cử, tại bản án số 61/2015/DS-PT, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên buộc một công ty bảo hiểm nhân thọ phải trả cho người được bảo hiểm tổng số tiền hơn 200 triệu đồng.
Cụ thể, sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định, tại câu hỏi số 4, Điểm i, trang 3/6 - Hợp đồng bảo hiểm ngày 28/10/2011 nêu rằng: “Bạn có bao giờ bị nuốt khó, nuốt nghẹn hoặc khó phát âm không? Có bị đổi giọng không?” và người mua bảo hiểm đã đánh dấu X vào ô “Không”. Tuy nhiên, phía dưới trang này không có chữ ký xác nhận của người được bảo hiểm, nên về nguyên tắc khi ký hợp đồng, giao dịch, nếu các bên đồng ý toàn bộ nội dung thì ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch (Điều 35, Điều 36 - Luật Công chứng năm 2006), do đó không có cơ sở xác định người mua bảo hiểm đã khai như trên. Từ đó, không có cơ sở xác định người mua bảo hiểm đã khai không trung thực để không chi trả quyền lợi bảo hiểm, nên tòa án đã buộc nhà bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm số tiền như trên.
Trao đổi thêm về tình huống này, luật sư Ngô Thu Hà, Đoàn Luật sư TP.HCM cho hay, bên cạnh những vụ tranh chấp khi ra đến tòa khách hàng bị thua kiện do lỗi cố tình kê khai không đầy đủ, không trung thực nhằm lấy được tiền bảo hiểm, vẫn có trường hợp khách hàng được trả tiền bảo hiểm vì lỗi kê khai không mang tính cố tình.
“Có trường hợp khách hàng kê khai sai, khai thiếu tình trạng bệnh tật, tình hình tài chính, thói quen có thể gây hại cho sức khỏe (như hút thuốc, sử dụng chất kích thích, tham gia môn thể thao nguy hiểm…) do không hiểu hết hậu quả của kê khai sai (rằng sau này sẽ bị từ chối bảo hiểm - PV), hay vì quên, chứ không cố tình khai sai, khai thiếu với mục đích được bảo hiểm sau này. Tất nhiên, để xác định được lỗi cố tình hay vô ý trong các trường hợp này là không đơn giản”, bà Hà nói.
Chia sẻ hướng khắc phục cho những lỗi vô tình của khách hàng, theo các luật sư, nhà bảo hiểm nên bổ sung các phần việc còn thiếu của quy trình bán - tư vấn bảo hiểm như lấy chữ ký tại tất cả các trang của bộ hợp đồng, sát sao hơn với các lời khai của khách hàng, yêu cầu khai nhiều lần…
Dưới góc độ của nhà bảo hiểm, lãnh đạo một công ty bảo hiểm cho rằng, dù tòa có xử như thế nào trong các trường hợp kê khai không trung thực của người tham gia bảo hiểm (dựa trên nghiên cứu tài liệu và lời khai thực tế của các bên) thì nghĩa vụ khai báo trung thực vẫn là bắt buộc và phải được đảm bảo.
Điểm b, Khoản 2, Điều 19 - Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng nêu rõ, bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại Điều 19 của luật này.
Từng góp ý cho dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bảo Việt Nhân thọ đưa ra đề xuất, ngoài nghĩa vụ kê khai, bên mua bảo hiểm cần cung cấp đầy đủ mọi chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm do việc kê khai thường chỉ dùng khi yêu cầu bảo hiểm, yêu cầu trả tiền bảo hiểm/bồi thường. Dẫu vậy, đề xuất này không được đưa vào dự thảo chính thức bởi yêu cầu người mua bảo hiểm cung cấp mọi chi tiết có liên quan tới hợp đồng là khó khả thi.