Trước đây, khi xăng A92 ở mức 19.000 đồng/lít, dầu diesel 15.950 đồng/lít thì giá xe buýt ở mức 3.000 đồng/tuyến và 4.000 đồng/tuyến. Đến thời điểm này, khi giá xăng đã giảm xuống còn 11.000 đồng/lít và giá dầu diesel còn 10.500 đồng/lít thì giá vé xe buýt vẫn không hề thay đổi.
Ông Lê Hải Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Vận tải hành khách công cộng TP.HCM, cho rằng, giá dầu diesel giảm 500đồng/lít sẽ không ảnh hưởng đến giá xe buýt.
“Giá xăng dầu lên xuống thất thường nên không thể giảm hay tăng giá xe buýt liên tục”, ông Phong giải thích. “Cần phải giữ một giá ổn định cho người dân dễ theo dõi nên vé xe buýt sẽ không giảm trong thời gian tới”.
Các doanh nghiệp xe khách đường dài như Hoàng Long, Thuận Hưng, Yến Vân… cũng chưa có động thái gì về việc giảm giá vé vận tải hành khách.
Nhân viên xe khách Yến Vân (Tam Quan, Bình Định) cho biết, việc tăng hay giảm giá vé phụ thuộc vào từng tỉnh và các bến xe chứ doanh nghiệp không quyết định được. Mỗi tỉnh đều có một giá xe riêng, chênh lệch khoảng 50.000 đồng.
“Nếu khách ở TP.HCM mua vé xe đò về Sơn Bình (Quảng Ngãi) thì sẽ đắt hơn mua vé xe về Tam Quan (Bình Định) dù Sơn Bình và Tam Quan sát nhau” - nhân viên này nói.
Còn theo ông Võ Ba, Giám đốc Future Taxi, hiện tại công ty chưa có ý kiến gì về vấn đề dầu giảm. Trong 2-3 ngày tới, xem xét thị trường và phản ứng của khách hàng, Future Taxi mới quyết định giảm hay giữ nguyên giá vận chuyển.
Tuy nhiên, ông Ba nhận định, với mức giá giảm 500 đồng/lít, thị trường vận chuyển sẽ không có gì thay đổi, và nếu có cũng rất ít.
Còn ông Nguyễn Bảo Toàn, Phó Tổng giám đốc Taxi Vinasun, có ý kiến: “Phải chờ vài ngày tới công ty họp rồi mới quyết định việc có nên giảm giá cước taxi hay không” - ông nói.
Dầu diesel giảm 500 đồng/lít, nhiều người nghĩ số tiền không lớn nhưng nếu so với việc các doanh nghiệp vận tải một ngày sử dụng cả trăm, ngàn lít dầu, con số này là không nhỏ.
Trong khi đó, trước kia mỗi khi giá xăng đầu tăng, các hãng vận tải kêu ca bị lỗ, và giá vận tải tăng lên nhanh chóng.