Lên giao dịch trên UPCoM từ nhiều năm nay, nhưng cổ phiếu của CTCP Đầu tư và xây dựng Công trình 3 (CT3), một công ty nhỏ với số vốn điều lệ khoảng 60 tỷ đồng và tỷ lệ trả cổ tức hàng năm dao động từ 12 - 20% luôn không có thanh khoản và giá chỉ ở mức dưới 6.000 đồng/CP. Nhưng từ giữa tháng 7 vừa qua, giá cổ phiếu CT3 bắt đầu được đẩy lên và đạt mức hơn 15.000 đồng/CP vào cuối tuần qua. Tất nhiên, với tình trạng nguồn cung nhỏ giọt thì bên mua chỉ cần đặt lệnh mua 1.000 cổ phiếu cũng đủ sức đẩy giá cổ phiếu này lên. Việc đẩy giá cổ phiếu CT3 lên cao được cho là nhằm mục đích dụ các cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu bán ra.
Vì sao có hiện tượng này? Trước đó, khi Nhà nước đấu giá một phần vốn tại CT3 để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn khoảng dưới 25% thì giá đấu thành công được đẩy lên tới hơn 30.000 đồng/cổ phần.
Lý do là đã xuất hiện các cổ đông mới muốn sở hữu CT3 với tỷ lệ cao, muốn mua toàn bộ phần vốn góp Nhà nước tại CT3 lên tới 51% trong đợt đấu giá vừa qua và đợt đấu giá sắp tới. Trong khi các cổ đông cũ thì không muốn mất quyền kiểm soát Công ty, vì thế, có sự cạnh tranh về giá để đảm bảo trúng thầu.
Theo một nguồn tin không chính thức thì bên muốn thâu tóm CT3 là một doanh nghiệp tư nhân với thương hiệu rất nổi tiếng trong lĩnh vực vận tải liên tỉnh tại TP. HCM. Không chỉ quan tâm đến lĩnh vực hoạt động chính của CT3 là thi công các dự án của ngành giao thông - đường sắt, doanh nghiệp này còn muốn nhắm đến mảnh đất mà CT3 thuê dài hạn của Nhà nước để đặt trụ sở làm việc hiện tại.
Nếu như việc một cá nhân, nhà đầu tư mua lại một công ty nào đó để bắt đầu khởi nghiệp hay mở rộng kinh doanh đã quá phổ biến ở các nước phát triển thì ở Việt Nam, các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp được các tập đoàn lớn tiên phong thực hiện. Tuy nhiên, ở thời điểm này, các ông chủ tư nhân, dù chưa đưa doanh nghiệp của mình lên sàn cũng bắt đầu làm quen với phương thức M&A này để phát triển nhanh hơn.
Một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường tài chính, từng tham gia sáng lập công ty chứng khoán có tiếng trên thị trường đã tách ra hoạt động độc lập từ lâu bằng việc dùng vốn tư nhân để đầu tư vào một số công ty. Gần đây, do công ty thua lỗ kéo dài, nhà đầu tư này sau bao năm đứng đằng sau đã quyết định “tái xuất” trên thị trường bằng việc mua thêm phần vốn góp của một số cổ đông khác để ngồi vào vị trí điều hành, với mục tiêu sẽ làm cho công ty tăng trưởng trở lại.
Sự phát triển của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cũng bắt đầu bằng hình thức M&A.
Nhiều người xuất thân từ môi giới bất động sản, nhờ tích lũy được một số vốn lớn đã chuyển sang đầu tư mua lại dự án.
Có người thành công nhưng cũng nhiều người thất bại vì sau khi mua được dự án thì thị trường bất động sản đóng băng.
Có người gặp thời mua dự án đúng thời điểm thị trường khủng hoảng, mua được dự án rẻ, mở bán dự án lúc này thu lời vài ba chục phần trăm.
CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản An Gia là một ví dụ khi mà những cổ đông lớn nhất của công ty này khởi nghiệp từ môi giới, mua lại An Gia ban đầu cũng là một công ty môi giới dự án thuần túy.
Từ môi giới nhỏ lẻ đến môi giới, phân phối cả dự án, sau khi lợi nhuận tích lũy được, An Gia chuyển sang đầu tư phát triển dự án.
Cách thức phát triển của An Gia khá phù hợp với xu hướng hiện nay là chủ đầu tư là người hiểu thị trường, hiểu nhu cầu thị hiếu khách hàng và gây dựng được uy tín trong bán hàng, còn các công đoạn khác từ thiết kế, xây dựng, quản lý dự án đều đi thuê.
Rất nhiều doanh nghiệp sở hữu luôn cả chuỗi giá trị này trong phát triển bất động sản, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thành công, trong khi một số doanh nghiệp xuất phát từ môi giới chuyển sang làm chủ đầu tư lại thành công.
Ở thời điểm này, có vẻ như thừa thắng xông lên kết hợp với đối tác tài chính nước ngoài cam kết đầu tư tới 50% vốn đầu tư mỗi dự án, An Gia đang đặt kế hoạch đầy tham vọng mua thêm 10 dự án bất động sản mới ở TP. HCM và đưa ra thị trường mỗi năm 2.000 căn hộ ở phân khúc trung bình và cao cấp.
Rõ ràng M&A là phương thức phát triển hữu hiệu cho mọi thành phần doanh nghiệp, mọi giới đầu tư. Ngày càng nhiều người nhận ra sự lợi hại của M&A và sự phát triển tất yếu của M&A trong nền kinh tế.
Xu hướng hợp nhất doanh nghiệp, hình thành các tập đoàn bằng mệnh lệnh của thị trường cũng là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập.
Diễn đàn M&A Việt Nam 2015, diễn đàn thường niên lớn nhất Việt Nam về mua bán, sáp nhập và đầu tư chiến lược do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra vào ngày 6/8/2015 tại GEM Center, số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP. HCM. Với chủ đề: “Chờ đón sự bùng nổ”, Diễn đàn sẽ dành nhiều thời gian để đánh giá về các dòng vốn mới và xu hướng M&A trong các lĩnh vực sôi động nhất hiện nay như bán lẻ, ngân hàng - tài chính. |