M&A tại Việt Nam tăng trưởng nhanh
Số liệu thống kê cho thấy, nếu như năm 2009, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam mới bắt đầu chạm mốc trên 1 tỷ USD, thì năm 2015, tổng giá trị các thương vụ M&A đã đạt mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD.
Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hạch và Đầu tư cho biết, mặc dù số lượng thống kê còn chưa thống nhất, song ước tính tổng giá trị các thương vụ M&A trong 5 năm qua đạt 18 tỷ USD và riêng 7 tháng đầu năm nay, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã vượt con số 3,2 tỷ USD. Hoạt động M&A diễn ra sôi động trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có bán lẻ, hàng tiêu dùng, bất động sản…
Đánh giá bức tranh tổng thể của thị trường M&A trong khu vực và Việt Nam trong 1 năm qua, TS. Christopher Kummer, Chủ tịch Viện Mua lại, Sáp nhập và Liên kết - IMAA Thụy Sỹ cùng nhìn nhận, trong khi trên thế giới, M&A có vẻ như là cuộc chơi đang tàn, thì tại Việt Nam, hoạt động này đã lập mức kỷ lục mới vào năm ngoái. Số lượng và giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Tổng số lượng giao dịch có thể phá vỡ kỷ lục mới trong năm nay, đạt mức 600 giao dịch với tổng giá trị 6 tỷ USD.
"Trên thế giới, M&A có vẻ như là cuộc chơi đang tàn, thì tại Việt Nam, hoạt động này đã lập mức kỷ lục mới vào năm ngoái. Số lượng và giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm nay "
- TS. Christopher Kummer, Chủ tịch IMAA.
"Mức tăng trưởng này hoàn toàn trái ngược với xu hướng chung của thế giới, cũng như xu hướng của châu Á - Thái Bình Dương. Xét về số lượng giao dịch, các công ty có trụ sở tại Việt Nam là mục tiêu tăng trưởng tiếp theo trong những năm qua. Năm ngoái, Việt Nam đã lọt vào Top 20 và đến nay đến vị trí thứ 15 trên bảng xếp hạng", TS. Christopher Kummer đánh giá.
Theo các chuyên gia tại Diễn đàn, có một vài yếu tố đã góp phần vào sự phát triển này, như việc các công ty tại Việt Nam tiếp tục sử dụng M&A để thực hiện bước phát triển chiến lược ở những thị trường tiềm năng. Hơn nữa, Việt Nam là một trong những nước có mức dự báo tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong năm nay. Mức tăng trưởng này thu hút rất nhiều công ty nước ngoài mở rộng thị trường và sự hiện diện của mình tại Việt Nam.
“Việc Chính phủ Việt Nam đạt vị thế tốt trong các hiệp định thương mại cũng là nhân tố góp phần làm tăng sức hấp dẫn trong thị trường M&A Việt Nam”, TS. Christopher Kummer nhìn nhận.
Theo ông John Ditty, Phó tổng giám đốc điều hành, Trưởng Bộ phận Tư vấn Mua bán doanh nghiệp, Công ty KPMG Việt Nam, các hoạt đông M&A Việt Nam thay đổi rất nhiều trong thời gian qua, từ quy mô đến cấu trúc. Việt Nam có nhiều công ty gặp khó khăn về hiệu suất, đó là thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư.
“Địa ốc và bán lẻ là hai lĩnh vực sẽ có nhiều hoạt động M&A hơn cả trong thời gian tới”, ông John Ditty nhận định và đánh giá, ngoài làn sóng M&A trong lĩnh vực tiêu dùng mà các doanh nghiệp Thái Lan đã mang tới Việt Nam trong thời gian qua, thì các doanh nghiệp của Hàn Quốc và Nhật cũng đang rất quan tâm và muốn tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam. Có thể thời gian tới, thị trường Việt Nam sẽ đón nhận làn song M&A mới từ những đối tác này.
Nới chính sách cho M&A
Theo TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sự hồi phục của thị trường vốn cũng đóng góp vào sự thăng hoa của hoạt động M&A tại Việt Nam (rất nhiều thương vụ M&A diễn ra trên thị trường vốn). Chính sách nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tạo ra cơ hội lớn cho nhà đầu tư nước ngoài trong các hoạt động M&A. Việc thoái vốn của Nhà nước khỏi nhiều doanh nghiệp cũng là một cơ hội tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài.
“Chúng tôi đang xây dựng Dự thảo Luật Chứng khoán thế hệ hai nhằm tháo gỡ những rào cản để cho doanh nghiệp nước ngoài tiến hành M&A tốt hơn. Lĩnh vực phân phối dược phẩm, chúng ta chưa mở cửa, nhưng đến thời điểm hợp lý chúng ta cũng sẽ thực hiện lộ trình mở cửa”, ông Nguyễn Sơn cho biết.
Trao đổi tại Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nói: “Làm thế nào để hoạt động M&A thực sự trở thành công cụ ngày càng hữu hiệu cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp, đồng thời là một kênh huy động vốn hiệu quả, đáp ứng nhu cầu rất lớn về nguồn vốn đầu tư phát triển trong giai đoạn mới đang là câu hỏi lớn được đặt ra với cả các cơ quan chức năng của Chính phủ…”.
"Chúng tôi đang xây dựng Dự thảo Luật Chứng khoán thế hệ hai nhằm tháo gỡ những rào cản để cho doanh nghiệp nước ngoài tiến hành M&A tốt hơn"
- TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Tuy nhiên, đánh giá về những hoạt động M&A thời gian vừa qua, ông Phương cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động M&A của Việt Nam cũng bộc lộ những mặt tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là luật pháp chính sách vẫn còn bất cập, xu hướng thâu tóm triệt tiêu thương hiệu nội, sự xuất hiện của các thương vụ M&A thù địch, sự thiếu minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, cũng như trong quá trình định gía và công bố thông tin…
Bình luận về chính sách thuế đối với các thương vụ chuyển nhượng, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, cần phải chấn chỉnh các hoạt động của các công ty môi giới tư vấn luật cho các thương vụ M&A để thực hiện các hoạt động này theo đúng luật pháp Việt Nam.
“Tất nhiên, các cơ quan chức năng cũng sẽ phải cụ thể hơn, chi tiết hơn các văn bản để các doanh nghiệp có thể nhận thức đầy đủ hơn về các nghĩa vụ thuế khi phát sinh các giao dịch này”, ông Phụng nói.