M&A trong hệ thống ngân hàng: sẽ rất khẩn trương và mạnh mẽ

M&A trong hệ thống ngân hàng: sẽ rất khẩn trương và mạnh mẽ

(ĐTCK) “Đã có nhiều tên tuổi lớn được hình thành qua nhiều lần M&A như Wells Fargo, JPMorgan Chase… M&A là xu hướng tất yếu, để tăng cường năng lực cạnh tranh và cũng là một biện pháp cơ cấu lại hiệu quả, giảm chi phí cho xã hội, nhà nước”.

Đó là quan điểm của ông Bùi Huy Thọ, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN trong cuộc trao đổi với ĐTCK bên lề Diễn đàn M&A tổ chức ngày hôm qua.

Trước khi Quyết định 254 của Chính phủ được ban hành, M&A trong hệ thống ngân hàng đã được tiến hành rất quyết liệt. Tuy nhiên, có vẻ như trong năm 2013, M&A được thực hiện với nhịp độ giảm hơn. Ông có bình luận gì?

Thực tế, ngoài những thương vụ M&A được dư luận rất quan tâm, còn có những thương vụ khác, có bản chất giống M&A. Cụ thể, những tháng đầu năm, NHNN đã thu hồi giấy phép hoạt động của 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên cơ sở chuyển giao tài sản, công nợ sang ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam của cùng một ngân hàng mẹ như chi nhánh ngân hàng Shinhan của Hàn Quốc hay ANZ chi nhánh TP. HCM. NHNN cũng đang xem xét và thực hiện tương tự với 2 ngân hàng nữa.

Ngoài ra, còn có M&A của các TCTD phi ngân hàng và công ty tài chính hiện cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm, do nhu cầu tự thân của thị trường, yêu cầu tái cơ cấu…

Trong 4 ngân hàng liên doanh, đã có 2 ngân hàng liên doanh đang xây dựng phương án tái cơ cấu theo hướng M&A; một ngân hàng đang thực hiện cơ cấu lại theo hướng mua lại phần vốn góp của đối tác Việt Nam và thực hiện các bước tiếp theo sau khi bán là tiến hành các thủ tục chuyển đổi thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài, như VID Public… Đây cũng là các hoạt động M&A điển hình, thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong gia nhập WTO cũng như tạo điều kiện cho các TCTD tự cơ cấu lại tổ chức cho hợp lý và hoạt động hiệu quả hơn.

Văn bản pháp lý cho M&A được các ngân hàng cho biết cũng làm hạn chế tiến trình này?

Theo báo cáo của NHNN, chỉ trong vòng gần 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu theo Đề án 254 của Chính phủ, NHNN đã trực tiếp ban hành và trình các cấp có thẩm quyền ban hành một khối lượng văn bản quy phạm pháp luật khổng lồ. 169 văn bản bao gồm 2 Luật, 1 Pháp lệnh, 13 Nghị định, 7 Quyết định và 138 Thông tư…, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho ngành ngân hàng nói chung cũng như khuôn khổ pháp lý phục vụ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và hoạt động M&A nói riêng.

Với khối lượng công việc như vậy, cũng có những văn bản không thể đảm bảo được đúng tiến độ đặt ra ban đầu. Ngoài ra, khi thực hiện có những vấn đề rất phức tạp, hoặc khi ban hành rồi, nhưng do môi trường kinh doanh thay đổi nên bị trì hoãn thời gian thực hiện… Đó là chưa kể đến những phức tạp liên quan đến thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên về cơ bản, công tác hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đã rất tốt, khả quan. Tôi tin thời gian tới, các văn bản sẽ tiếp tục được ban hành nhanh, mạnh, hoàn thiện, khi NHNN, Chính phủ, Quốc hội đều chú trọng vấn đề này.

Ông có dự báo về các thương vụ M&A những tháng cuối năm?

Trong 6 tháng đầu năm, ĐHCĐ của các ngân hàng đã công bố những kế hoạch M&A. NHNN đã chấp thuận chủ trương sáp nhập, hợp nhất của 1 ngân hàng, 1 ngân hàng mua lại 1 công ty tài chính. Ngoài ra, một số ngân hàng, TCTD khác cũng có những chương trình, thương thảo với nhau về kế hoạch M&A.

Song song với đó, quá trình cổ phần hóa cũng như yêu cầu của Chính phủ đặt ra là các DNNN phải thoái vốn trong các TCTD sẽ là một tác nhân tích cực. Đặc biệt, Nghị quyết 15 của Chính phủ cho phép NHNN trực tiếp hoặc chỉ định NHTM nhà nước mua lại phần vốn góp của các DNNN sẽ có tác dụng hỗ trợ khối doanh nghiệp này thoái vốn nhanh hơn.

Bên cạnh đó là khối các TCTD như công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính… cũng đang ráo riết chuẩn bị phương án tái cơ cấu. Do đó, tôi cho rằng, 6 tháng cuối năm và nửa đầu năm 2015 sẽ có nhiều thương vụ M&A đáng chú ý.

Thông điệp của NHNN về M&A, ông sẽ nói gì?

NHNN khuyến khích M&A trên cơ sở tự nguyện của các ngân hàng, TCTD tự tìm đến nhau, cùng nhau bổ sung những thế mạnh để phát triển, nhằm hướng đến việc hình thành một hệ thống tài chính lành mạnh, an toàn, hiệu quả, đa năng, đa sở hữu, đa quy mô và đặc biệt có những TCTD quy mô lớn, có thể cạnh tranh hiệu quả ở tầm khu vực.

Đây cũng là xu hướng tất yếu khi chúng ta nhìn thấy M&A diễn ra vài chục năm nay tại các doanh nghiệp nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng trên thế giới. Đã có nhiều thương hiệu lớn được hình thành qua nhiều lần M&A như Wells Fargo, JPMorgan Chase… Vì thế, M&A là xu hướng tất yếu, để tăng cường năng lực cạnh tranh và cũng là một biện pháp cơ cấu lại hiệu quả, giảm chi phí cho xã hội, nhà nước.

Tin bài liên quan