Câu chuyện Wirecard qua mặt một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới vẫn chưa có hồi kết. Ảnh: S.T

Câu chuyện Wirecard qua mặt một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới vẫn chưa có hồi kết. Ảnh: S.T

Ma trận trách nhiệm và mâu thuẫn quyền lợi của các công ty kiểm toán Big 4: Câu chuyện Wirecard

0:00 / 0:00
0:00
Wirecard (công ty từng là niềm tự hào của nước Đức, nộp đơn phá sản tháng 6/2020) “nổi tiếng” trong năm nay vì bị phát hiện gần 2 tỷ USD tiền mặt “biến mất” khỏi bảng cân đối kế toán.

Mặt khác của câu chuyện

Sự kiện trên gắn liền với tai tiếng của Hãng kiểm toán Big 4 Ernst & Young (EY). Nhiều tài liệu phân tích đã chỉ trích EY vì đã có nhiều sai sót trong quá trình kiểm toán Wirecard, đặc biệt là có những thiếu sót được cho là “khó chấp nhận” với một mảng kiểm toán cơ bản - kiểm toán tiền mặt.

Nhiều thông tin gần đây còn cho thấy, chính trong nội bộ của EY đã có những cảnh báo về khả năng các lãnh đạo cấp cao của Wirecard đang có dấu hiệu lừa đảo từ... năm 2016. Tuy nhiên, EY vẫn tiếp tục đưa ra các báo cáo kiểm toán “sạch” cho Wirecard cho đến năm 2018.

Làm thế nào mà Wirecard qua mặt một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới trong một khoảng thời gian dài như thế, với những thứ đơn giản như khai khống doanh thu và tiền mặt là một tranh luận chưa có hồi kết.

Trong câu chuyện này, có một điều đáng chú ý là KPMG, công ty kiểm toán được chỉ định điều tra một số khuất tất của Wirecard theo yêu cầu của cổ đông, đóng vai trò “người chính diện”. Chính việc thông qua các hoạt động “kiểm toán đặc biệt” của mình, vào tháng 4/2020, KPMG công bố báo cáo cho biết, Công ty không thể xác nhận được các giao dịch liên quan đến phần lớn doanh thu và lợi nhuận Wirecard công bố từ năm 2016-2018 là trung thực. Công ty kiểm toán này cũng không thể xác định được số dư tiền mặt hơn 1 tỷ euro của Wirecard đang tồn tại hay không.

Người ta dễ dàng cảm thấy vai trò chính diện trong quá trình điều tra Wirecard thuộc về KPMG, còn vai trò phản diện thuộc về EY vì đã có quá nhiều sai sót. Trong một báo cáo của mình, KPMG chỉ trích các điều tra của EY đối với những rủi ro gian lận của Wirecard là “không đầy đủ” và có bằng chứng cho thấy là “những điều này đáng ra nên được điều tra thấu đáo”.

Thế nhưng, gần đây, tờ Financial Times phát hiện một mặt khác của câu chuyện. Bản thân KPMG có thể cũng không phải là nhân vật chính diện hoàn hảo.

Cụ thể, có bằng chứng cho thấy, các lãnh đạo cao cấp của Wirecard đã thông qua một quỹ đầu tư là Emerging Market Investment Fund 1A ở “thiên đường thuế” Mauritius để bán cho Wirecard những công ty Ấn Độ với giá gần 350 triệu euro chỉ vài tuần sau khi họ mua những công ty đó với giá rẻ hơn rất nhiều. Đây là dấu hiệu cho thấy, Ban điều hành cấp cao của Wirecard đang rút ruột tiền của cổ đông thông qua phù phép để bán công ty do mình sở hữu cho Wirecard với giá cao.

Điều thú vị là, KPMG là kiểm toán viên của Quỹ Emerging Market Investment Fund 1A, đồng thời... tham gia “tư vấn” cho giao dịch bán công ty này. Chưa hết, bản thân KPMG trong quá trình kiểm toán đặc biệt của mình, lại được chỉ định điều tra giao dịch này.

Tờ Financial Times còn phát hiện một partner (cộng sự) của KPMG, sau giao dịch bán công ty thì chuyển qua làm hẳn cho Quỹ Emerging Market Investment Fund 1A. Điều này khiến người ta cảm thấy, KPMG đang đóng vai trò vừa đá bóng, vừa thổi còi. Một mặt đi tư vấn “làm deal bán công ty” cho quỹ ở Mauritius, một mặt KPMG lại đi điều tra giao dịch bán công ty đó.

Niềm tin của công chúng

Mặc dù dân trong nghề dễ dàng chỉ ra là đội ngũ làm điều tra ở Đức sẽ độc lập với đội ngũ tư vấn ở Mauritius, nhưng điều đó không làm người ta hết lo lắng về ma trận rất phức tạp trong hoạt động kiểm toán, điều tra pháp chứng và tư vấn của các Big 4. Khi anh một mặt đóng vai trò điều tra viên cảnh sát đi điều tra công ty có gian lận không, nhưng ở mặt khác lại là cố vấn đằng sau những giao dịch có khuất tất, thì ai sẽ tin anh?

Lời kêu gọi tách các hoạt động tư vấn ra khỏi công ty kiểm toán Big 4 đã có từ lâu. Nhưng người ta vẫn còn do dự với những đề nghị như vậy. Liệu đây có là một bằng chứng nữa cho thấy, rất cần phải như thế hay không?

Bất chấp dân chuyên môn luôn khẳng định, có một bức tường thép giữa các nhóm tư vấn với các dịch vụ kiểm toán và điều tra pháp chứng, khiến các nhóm này không thể bao che lẫn nhau, nhưng công chúng lại thấy ngày càng nhiều vụ việc mà Big 4 để lọt những vụ việc bê bối kế toán “khủng”. Điều gì ở đây đã vi phạm tiêu chuẩn mâu thuẫn về lợi ích là câu hỏi bỏ ngỏ.

Sau vụ bê bối Carillion làm chấn động nước Anh, là vụ Wirecard làm chao đảo thị trường tài chính và công nghệ của Đức. Đây lại là những thành trì chủ chốt của giới kiểm toán và kế toán, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các chuẩn mực kế toán và kiểm toán quốc tế như Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).

Lời kêu gọi tách các hoạt động tư vấn ra khỏi công ty kiểm toán Big 4 đã có từ lâu, nhưng người ta vẫn còn do dự với những đề nghị như vậy. Liệu đây có là một bằng chứng nữa cho thấy, rất cần phải như thế hay không?

Ở một khía cạnh khác, sau hàng loạt báo cáo về sơ sót của EY trong việc kiểm toán Wirecard, người ta cũng đang yêu cầu xem xét lại quan điểm là kiểm toán viên không có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn gian lận. Suy nghĩ kiểm toán không cần phát hiện gian lận đã ăn sâu vào đầu nhiều kiểm toán viên, nhưng rõ ràng, nó không còn phù hợp với quan điểm của xã hội và tinh thần doanh nghiệp mới. Nếu cái gì không còn phù hợp, thì phải thay đổi.

Tờ Wall Street Journal từng nhận xét: “EY và các công ty kiểm toán lớn từ lâu đã khẳng định rằng, vai trò của kiểm toán - kiểm tra tính chính xác của báo cáo tài chính - không có nghĩa là họ cần phải phát hiện tất cả những gian lận nghiêm trọng”, nhưng “luật sư đại diện của nhà đầu tư tranh luận lại rằng, các công ty kiểm toán có trách nhiệm lớn hơn trong việc xác định các hành vi sai phạm hơn là những gì các công ty này chịu gánh vác”.

Điều đó nghĩa là, những gì các công ty kiểm toán coi là đương nhiên - không có trách nhiệm xác nhận sai phạm, không hề là đương nhiên, ít nhất là trong diễn giải pháp luật của một số luật sư.

Trong một điều trần ở Anh, một nhận định đáng chú ý là, bất kể các công ty kiểm toán đã bảo vệ vai trò của họ bằng pháp luật tốt ra sao, “điều mà công chúng mong đợi là có thể tin được vào một nhóm số liệu kế toán”.

Nếu nhà đầu tư không còn tin vào số liệu kế toán nữa, thì kế toán và kiểm toán cũng không còn lý do để tồn tại, bất chấp các công ty kiểm toán nói gì. Vì vậy, trách nhiệm lấy lại niềm tin của công chúng nằm ở công ty kiểm toán.

Tin bài liên quan